Tác động của Đại dịch COVID-19 tới ngành gỗ và các giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp trong thời gian tới

Thứ hai, 13/04/2020 - 15:00

TNV - Đại dịch do virus COVID-19 gây ra hiện đang hoành hành tại nhiều quốc gia có thể gây ra một cuộc đại suy thoái quy mô toàn cầu. Tại Việt Nam, Đại dịch đang ảnh hưởng trực tiếp đến mọi khía cạnh của xã hội và kinh tế trong đó có ngành Gỗ của Việt Nam.

Với độ hội nhập thế giới lớn, ngành gỗ Việt Nam đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Đại dịch. Hiện dịch đang bùng phát mạnh tại hầu hết các thị nhập khẩu đồ gỗ quan trọng của Việt Nam, bao gồm Mỹ (chiếm 50% tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam) và EU (chiếm 10%). Dịch đang có dấu hiệu bùng phát trở lại tại Nhật Bản, thị trường tiêu thụ khoảng 13% các mặt hàng gỗ xuất khẩu của nước ta.

Mặc dù dịch có dấu hiệu được kiểm soát tại Trung Quốc – thị trường lớn thứ 3 của Việt Nam với 12% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm, để thị trường này khôi phục lại sức mua và các chuỗi cung như trước khi dịch xảy ra sẽ mất rất nhiều thời gian và chưa biết đến bao giờ sức mua sẽ trở lại được như lúc trước Đại dịch. Tuy nhiên với sự gia tăng của tình hình dịch tại các thị trường trọng điểm, kim ngạch và tăng trưởng của ngành trong thời gian tới sẽ có sự tụt giảm nghiêm trọng. Dịch đang và chắc chắn sẽ còn tác động trực tiếp đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành. Đến nay, một số doanh nghiệp  đã dừng sản xuất, nhiều doanh nghiệp thu hẹp quy mô, nhiều người lao động phải nghỉ việc.

Đại dịch cũng đang tác động tiêu cực tới các khâu khác nhau của chuỗi cung gỗ của Việt Nam, bao gồm cả khâu nhập khẩu và chế biến tiêu thụ nội địa. Thiệt hại về kinh tế cho các doanh nghiệp và các hộ sản xuất và người lao động là rất lớn. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam dự báo năm 2020 ngành có thể không có tăng trưởng.

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Dương chia sẻ: “ Đến giờ này thì toàn bộ thị trường lớn hầu như đã đóng băng… Mỹ và EU thì đóng băng hoàn toàn. Nhật Bản và Hàn Quốc thì còn lác đác. Trung Quốc bắt đầu mở lại nhưng chắc chắn còn lâu mới quay trở lại được bình thường… Thị trường toàn cầu gần như mất hết. ” Trước khi dịch xảy ra, Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu hàng năm từ các thị trường này chiếm khoảng 90% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành.

Theo báo cáo nội bộ trong các hiệp hội gỗ ngày 30 tháng 3 vừa qua của VIFOREST dựa trên thông tin chia sẻ từ một số doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ đi Mỹ và EU cho biết khoảng 80% người mua từ các thị trường này hiện đã dừng hoặc đang hủy đơn hàng. Hủy bỏ hoặc dừng đơn hàng cũng thấy ở các thị trường xuất khẩu như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu dăm nhiều nhất từ Việt Nam, với 60% lượng dăm của Việt Nam hàng năm được xuất khẩu vào thị trường này. Theo ông Thang Văn Thông, phó Tổng giám đốc của Công ty Hào Hưng - công ty xuất khẩu dăm gỗ lớn nhất cả nước – dịch bệnh làm giảm lượng xuất khẩu dăm sang Trung Quốc giảm 35%. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc cũng đang yêu cầu các doanh nghiệp dăm của Việt Nam giảm giá. Thị trường xuất khẩu đóng băng, các đơn hàng bị hủy hoặc chậm làm tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu phải thu hẹp quy mô sản xuất. Hầu hết các DN đều cho biết có kế hoạch hoặc sẽ tiếp tục dừng sản xuất trong thời gian tới.

Hủy và chậm đơn hàng đang gây ra những thiệt hại kinh tế rất lớn cho doanh nghiệp. Thông tin từ kết quản khảo sát nhanh từ 124 doanh nghiệp trong ngành cho thấy 100% các doanh đều cho biết Đại dịch đang ảnh hưởng nặng nề tới các doanh nghiệp xuất khẩu.

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương cho biết: Một số doanh nghiệp phải đóng cửa với toàn bộ lao động bị mất việc. Báo cáo nội bộ ngày 30/3/2020 của VIFOREST cho biết: “ Hàng trăm nghìn lao động đối mặt với tình trạng thất nghiệp, không đảm bảo việc làm và an sinh xã hội cho người lao động trong thời gian dài ”.

Đại dịch đang và sẽ tiếp tục tác động tiêu cực rất lớn tới tất cả các khâu của ngành gỗ Việt Nam. Hiện Chính phủ và đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của Đại dịch tới các hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành. Các giải pháp ngắn hạn trong thời điểm này là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, ngành cần có những giải pháp mang tính chất dài hạn, nhằm nâng cao khả năng chống đỡ đối với các biến động của của thị trường và để phù hợp với xu thế tiêu dùng và phát triển bền vững trong tương lai.

Tại cuộc họp thường kỳ ngày 1/4/2020 của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã có ý kiến đồng ý với kiến nghị của VIFOREST và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó giao Bộ Tài Chính đưa vào Dự thảo Nghị định về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuế đất đối với các doanh nghiệp ngành gỗ. Ngày 3/4/2020 Bộ Tài chính đã tiếp thu và đưa phân ngành chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre nứa vào dự thảo Nghị định trình Chính phủ. Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất nâng gói tài khoá này lên gần 180.000 tỷ đồng, gấp 6 lần số tiền dự tính ban đầu và ngày 8/4/2020 Thủ tướng đã chính thức ký Nghị định số 41/NĐ-CP về gia hạn thời gian nộp thuê và tiền thuê đất trong đó có ngành gỗ. Tại cuộc họp thường trực Chính phủ chiều 5/4/2020, Thủ tướng đã đồng ý với dự thảo Nghị quyết gói 61.580 tỷ đồng hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do Đại dich. Theo thông báo cáo Bộ Tài chính, các doanh nghiệp đã nộp thuế trong kỳ quyết toán 30/3/2020, Bộ Tài chính sẽ cho phép bù trừ vào các khoản thuế phải nộp khác để đảm bảo các doanh nghiệp đều được hưởng ưu đãi này.

Các thay đổi trong chính sách của Chính phủ trong thời gian vừa qua đã cho thấy các phản ứng sắc bén của Chính phủ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong cả nước, bao gồm các doanh nghiệp trong ngành gỗ. Điều quan trọng tiếp theo là làm thế nào để thực hiện các cơ chế chính sách này nhanh và hiệu quả, đảm bảo các nguồn gỗ hộ kịp thời và đúng với các nhóm đối tượng cần hỗ trợ. Bên cạnh đó, các chính sách và cơ chế này cũng cần có độ phủ rộng hơn, quan tâm đến các nhóm dễ bị tổn thương trong ngành, bao gồm các cơ sở chế biến quy mô hộ gia đình tại các làng nghề, và lao động tại các làng nghề này, các cơ sở sản xuất và chế biến quy mô nhỏ.

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch BIFA nhận xét: “ Trong bối cảnh này, doanh nghiệp chỉ có 2 sự lựa chọn. Một là cố gắng tìm các giải pháp để tồn tại và chuẩn bị kỹ càng các bước tiếp theo để khi nào bệnh dịch qua đi thì doanh nghiệp có thể tăng tốc trở lại vị trí trước dịch. Hai là đóng cửa và phá sản. Tất nhiên chẳng doanh nghiệp nào muốn lựa chọn phương án thứ hai, thành thử doanh nghiệp nào cũng phải cố gắng tìm mọi cách để tồn tại thôi ”. Hiện trong cộng đồng doanh nghiệp bắt đầu thực hiện các sáng kiến để tồn tại và chuẩn bị để quay trở lại sau dịch. Các sáng kiến và hành động này bao gồm:

Thứ nhất, một số cơ sở kinh doanh hộ gia đình tại các làng nghề, với sản phẩm phục vụ thị trường nội địa, bắt đầu chuyển đổi sang hình thức bán hàng online. Hiệp hội gỗ Đồng Kỵ hiện nay đã thành lập nhóm trên zalo,viber và facebook, bao gồm các hộ gia đình sản xuất, hộ chuyên làm thương mại và hộ cung cấp nguyên liệu đầu vào, với ít nhất 179 thành viên đang tham gia vào các nhóm bán hàng này.

Thứ hai, một số cơ sở sản xuất chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, sản xuất các mặt hàng thay thế các mặt hàng trước đó được nhập khẩu tại thị trường nội địa.

Thứ ba, một số doanh nghiệp tranh thủ cơ hội trong giai đoạn giảm quy mô hoạt động để tổ chức lại quy mô và năng lực sản xuất. Theo ông Hiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh trùng xuống trong giai đoạn này bên cạnh những tác động tiêu cực tới doanh nghiệp có lợi thế là tạo ra khoảng thời gian để doanh nghiệp nhìn nhận lại hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, tìm ra các khía cạnh/khâu chưa hiệu quả, từ đó đưa ra phương án cải thiện để nâng cao hiệu qủa sản xuất, nâng cao năng suất lao động.

Thứ tư, hiện nhiều doanh nghiệp và một số Hiệp hội đang tích cực thực hiện các hoạt động chuẩn bị về nguyên, vật liệu, tổ chức sản xuất, sẵn sàng cho việc quay lại sản xuất kinh doanh ngay sau khi Đại dịch chấm dứt. HAWA hiện đang tích cực tổ chức các cuộc thảo luận trực tuyến, nhằm thảo luận với các doanh nghiệp thành viên về những biện pháp giảm tác động của Đại dịch và về các hoạt động cần chuẩn bị để có thể quay trở lại sản xuất một cách nhanh nhất khi đại dịch đi quan. Các sáng kiến này thể hiện nỗ lực và quyết tâm vô cùng lớn của các doanh nghiệp trong ngành, nhằm lựa chọn phương án ‘tồn tại và phát triển’ chứ không phải phương án ‘đóng cửa và phá sản.’ Nói cách khác, các sáng kiến và các hành động này có vai trò sống còn để doanh nghiệp không những chỉ tồn tại mà còn phát triển trong tương lai.

Ngoài ra, ngành Gỗ cũng đưa ra một số Giải pháp trung và dài hạn như: Xác định dòng sản phẩm và thị trường chiến lược; Liên kết và giảm phụ thuộc và cung từ nước ngoài; Thay đổi phương thức bán hàng và Phát triển thị trường nội địa.

Hiện bức tranh về tác động của Đại dịch đối với ngành chủ yếu là màu xám, với tất cả các khâu trong chuỗi cung, bao gồm xuất khẩu, nhập khẩu, chế biến và tiêu thụ nội địa của ngành đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của Đại dịch, Chính phủ và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp đang hết sức nỗ lực thực hiện các cơ chế chính sách và hành động cụ thể. Đây chủ yếu là các giải pháp trong ngắn hạn, nhằm giúp doanh nghiệp đối diện với các khó khăn mà không bị phá sản.

Tuy nhiên, để giảm rủi ro trong các chuỗi cung xuất khẩu gây ra bởi những biến động của thị trường, bao gồm cả những biến động có liên quan trực tiếp đến Đại dịch, ngành cần phải có những chiến lược phát triển dài hạn để vượt qua thách thức, nhằm phát triển bền vững trong tương lai.

Hải Hà