TNV - Chúng ta đang đối mặt với đại dịch, với những kẻ thù vô hình. Đời sống kinh tế xã hội khắp nơi trên thế giới biến động, theo đó rất nhiều các ngành nghề bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Ngành giáo dục ở những vùng dịch như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh phải chuyển đổi hẳn hình thức đào tạo từ trực tiếp sang trực tuyến, còn ngành mầm non thì tê liệt hoàn toàn. Thế nhưng bài này tôi không viết để nói về những khó khăn mà những người làm nghề gặp phải. Điều tôi muốn nói đến là phân tích những tác hại mà trẻ em đang và sẽ phải gánh chịu khi bị cấm túc ở nhà mùa dịch. Việc này ảnh hưởng vô cùng lớn đến tâm lý và sự phát triển của trẻ nhưng bản thân người lớn lại khó nhận ra. Đã đến lúc chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này.
Trẻ dưới 6 tuổi đang trong quá trình tăng trưởng mạnh mẽ nên cơ thể chuyển hóa rất nhanh. Càng lớn thì các chỉ số nhịp tim, nhịp thở, huyết áp sẽ giảm theo và dần trở nên gần với nhịp tăng trưởng của người lớn. Đó là lý do chúng ta thấy trẻ lớn hằng ngày. Về mặt thể chất, chúng ta có thể nhận thấy được rõ rệt như vậy nhưng tâm lý thì không. Nếu chỉ thông qua quan sát, chúng ta cần nhiều thời gian, cần hiểu biết và kinh nghiệm mới có thể hiểu được phần nào sự thay đổi cũng như nhịp phát triển trí tuệ của trẻ.
Như chúng ta đã biết, ngay từ khi sinh ra, trẻ đã có khoảng 100 tỉ tế bào nơron thần kinh. Trong 2 năm đầu đời, trọng lượng não bộ của trẻ đã bằng 75% đến 80% của người trưởng thành. Khi lên 6 tuổi, não bộ của trẻ đã gần như hoàn thiện về trọng lượng và số lượng các khớp nối thần kinh hay còn gọi là synap bên trong não bộ. Trong giai đoạn 0-6 tuổi, trẻ cần có thật nhiều trải nghiệm thực tế, mối quan hệ xã hội để phát triển não bộ cũng như hoàn thiện chức năng của nó, từ đó hình thành nhân cách và định hình con người trưởng thành của trẻ. Nhật Bản có câu, “ Linh hồn trẻ 3 tuổi sống đến trăm năm” là thế. Sự định hình được diễn ra rất sớm và nó theo trẻ suốt cuộc đời. Hay ngạn ngữ Nigeria có câu: “Cần cả một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ” cũng chính là nói đến tầm quan trọng của cộng đồng trong việc giáo dục dạy dỗ một đứa trẻ. Vậy mà trong mùa dịch, trẻ đang bị tách biệt khỏi cộng đồng.
Loài người cũng như tất cả các loài linh trưởng khác, chúng ta là sinh vật xã hội, sống bầy đàn và có phân cấp bậc từ những mối quan hệ qua lại với nhau. Nghĩa là vốn dĩ con người là loài sống tập thể chứ không riêng lẻ, chỉ có sự kết giao cộng đồng mới giúp con người phát triển tự nhiên mà thôi. Từ thời con người còn trong hang đá, chúng ta đã thấy rõ tập tục này. Tuy nhiên, xã hội phát triển, đặc biệt là ở các thành phố lớn, các mối nguy hại từ xã hội và môi trường cản trở nhiều đến sự tự do khám phá của trẻ. Các gia đình đã thu mình lại để bảo vệ trẻ em, chúng luôn bị giám sát bởi người lớn, chúng không còn được lăn vào lòng thiên nhiên như thế hệ trước nữa. Chúng ta có thấy độ tuổi tự mình đi học ngày càng lớn hơn so với ngày xưa không? Giờ đây trẻ cấp 1 gần như không thể tự mình tới trường. Còn chúng ta ngày xưa thì rủ nhau đi bộ tới lớp từ khi còn học a b c, đứa lớn dẫn đứa bé, chẳng ai phải đưa trẻ đi học cả. Chúng ta học được nhiều từ những trải nghiệm trong suốt tuổi thơ từ môi trường, từ các mối quan hệ xã hội trẻ con ấy. Nhìn lại mới thấy, từ thời nguyên thủy tổ tiên ta làm việc, trải nghiệm, thử sai rồi sửa để rồi tiến hóa, nhưng rồi con người hiện đại ngày nay lại dần rời xa lao động, tước hết quyền lao động, trải nghiệm ở trẻ em.
Nếu để ý quan sát chúng ta sẽ thấy, khi trẻ ở trong không gian hẹp, môi trường đơn điệu và lịch sinh hoạt lặp lại quá lâu, chúng sẽ có nhiều biểu hiện bất thường về mặt tâm lý, thậm chí còn hơn cả khái niệm strees mà người lớn hay gặp phải. Trẻ không được giải phóng năng lượng đầu ra trong khi nạp vào vẫn như vậy, khiến cho trẻ bị thừa năng lượng và trở nên bức bách. Chúng ta dễ nhìn thấy trẻ cáu gắt, hay khóc lóc ăn vạ, trẻ khó kiểm soát cảm xúc cũng như mất đi lối tư duy mạch lạc. Thêm nữa là việc các gia đình cho trẻ xem tivi và điện thoại làm cho trẻ bị kích thích về thị giác, thính giác và tăng ngưỡng kích thích của sự hứng thú khiến trẻ có nguy cơ giảm tập trung sau này. Làm sao để bắt trẻ ở không gian nhỏ mà ko thôi miên trẻ vào các thiết bị điện tử được? Thật vô cùng khó khăn. Các gia đình ở quê sẽ có sân vườn để trẻ chơi nhưng ở thành phố thì khác, nhất là các căn hộ chung cư, trẻ như con chim nhỏ bị nhốt trong lồng. Tình trạng thiếu hụt vận động thô sẽ khiến trẻ dễ mắc các bệnh tim mạch, béo phì hay các nguy cơ rối loạn giấc ngủ, trầm cảm và rối loạn lo âu. Có thể nhiều cha mẹ biết điều đó nhưng trong đại dịch, họ không có giải pháp nào khác mà đành chấp nhận các nguy cơ và hy vọng hậu quả không quá nghiêm trọng. Rồi điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta mở cửa trở lại? Những trẻ em đã quen ngủ dậy lúc 10h sáng, ăn sáng lúc 11h và ăn trưa lúc 15h, chúng nghiện xem điện thoại, tivi với ngưỡng kích thích cao chót vót, ít vận động và ngại làm việc, làm sao kéo chúng trở lại tập trung và hứng thú với những bài học trên lớp?
Thực tế có nhiều hơn số màu sắc và âm thanh mà con người chúng ta có thể nhìn và nghe thấy, như loài dơi có thể nghe được các tần số âm thanh mà con người không nghe được. Đại bàng có thể nhìn thấy nhiều màu sắc hơn con người chúng ta thấy. Ngay cả con người không phải ai cũng có thể nghe được các dạng âm thanh hay nhìn ra các gam màu sắc như nhau. Có người thẩm âm tốt hơn cũng có người nhận dạng các màu sắc tốt hơn những người khác. Ngoài sự ảnh hưởng của yếu tố di truyền thì các giác quan này cũng cần được trải nghiệm và mài giũa từ trước 8 tuổi. Những thứ âm thanh và màu sắc trong tự nhiên đa dạng hơn ở mọi nơi khác chúng ta cố gắng mang lại cho trẻ. Trong ánh nắng, trong làn nước, trong cây cỏ và trong sự hòa trộn tổng thể của thiên nhiên. Đó là những thứ mà con người chỉ có thể học và trải nghiệm thông qua việc tương tác với tự nhiên.
Con gái thứ 2 của tôi, cháu phải nghỉ dịch từ khi lên 3. Chỉ sau hơn 1 tháng tôi đã quan sát thấy con có biểu hiện gặm móng tay, gặm cùi hết móng trong vô thức, mắt nhìn hiếng 1 bên, đây là dấu hiệu con ít được nhìn khoảng cách xa. Tôi quyết tâm đưa con bé về quê 1 tuần. Khi đón lên, móng tay nó đã nhú dài ra và không có biểu hiện của gặm móng nữa.
Những sang chấn tâm lý ở trẻ biểu hiện đôi khi không rõ ràng nhưng chúng ta phải thấy được tác hại khôn lường của nó. Sẽ thế nào nếu trẻ em đang trong giai đoạn định hình mọi thứ trong đời sống thực lại luôn bị nhốt trong không gian hẹp để học và chơi với những vật liệu phi tự nhiên. Maria Montessori - Nhà giáo dục người Ý đã nghiên cứu và nhận ra tầm quan trọng của vật liệu tự nhiên trong những năm đầu đời với trẻ, đó cũng là lý do bà khuyến khích để các lớp học sử dụng đồ gỗ thay vì nhựa hay các chất liệu nhân tạo khác. Những thứ đồ gỗ đã được xử lý bề mặt ngăn cản xúc giác của trẻ chạm tới thớ gỗ thực thụ. Vài lần trong tuần đưa trẻ ra sảnh hay xuống sân bê tông chơi là chưa bao giờ đủ. Bởi chân trẻ không chạm được vào đất mẹ, mắt trẻ bị khuất tầm nhìn bởi những tòa nhà, trẻ không thấy được dòng chảy tự nhiên của nước… Tất cả biến trẻ thành con hổ trong bài thơ “ Nhớ rừng” của Thế Lữ mất rồi.
Tôi đã thấy cuộc sống trong mùa dịch của những đứa trẻ với tất cả những thứ xa vời tự nhiên như thế nào. Chúng ngủ dậy trên tấm nệm, chơi trên thảm xốp nỉ, hít không khí từ điều hòa, chơi đồ chơi làm bằng nhựa có thể phát ra âm thanh rè rè chói tai, ánh sáng nó nhìn thấy cũng là từ đèn neon. Những em bé ăn thức ăn xay nhuyễn, chẳng biết rau với thịt nó như thế nào nữa. Mọi thứ nó cần cho bữa ăn là nuốt, nuốt và nuốt. Rồi chúng rất thạo các chương trình trên Youtube, tivi trong phòng được bật cả ngày. Hãy nhìn xem chúng ta đang làm gì với trẻ vậy? Con trẻ bị giam cầm trí não vào các thiết bị thông minh, bởi sự lo lắng của cha mẹ quá lớn hay bởi chính cha mẹ chưa để tâm đến tầm quan trọng của sức khỏe tâm lý cũng như sự phát triển nhận thức của con?
Các phương pháp giáo dục tiên tiến hầu như đều nhận ra đặc điểm và thế mạnh của cộng đồng trong việc giáo dục trẻ, vì thế Montessori và một số nhà giáo dục khác đã đặc biệt tạo nên những lớp học trộn tuổi nhằm đem đến cho trẻ môi trường xã hội thu nhỏ. Bà biết trẻ học được từ các mối quan hệ này nhiều hơn cả là từ những rao giảng của cô thầy. Anh chị lớn sẽ học được nhường nhịn, giúp đỡ em. Các em lại biết cách nhờ vả và tôn trọng các anh chị lớn. Khi kiến thức được đem dạy lại cho người khác là khi người dạy lĩnh hội được gần như hoàn toàn kiến thức mình đang dạy. Điều này tháp học tập của Edgar Dale đã vạch ra rất rõ. Ông cũng cho rằng não bộ con người ko được thiết kế để ghi nhớ tất cả thông tin mà nó thu thập được. Nó cần có trải nghiệm thực tế và qua những bước đưa kiến thức học được từ yếu tố khách quan thành kiến thức chủ quan của bản thân người học.
Vai trò của cảm xúc trong giáo dục trẻ em là rất quan trọng. Bạn có từng thấy, khi dạy con mà quát mắng, đến một lúc trẻ sẽ lì ra và không thu nạp thêm bất cứ thứ gì mà bố mẹ đang lớn tiếng truyền đạt? Con người, nhất là trẻ em không thể lĩnh hội được kiến thức 1 cách tự nhiên nếu thiếu yếu tố của cảm xúc. Điều này cần đến các mối quan hệ xúc tác giữa người với người đem lại niềm say mê học hỏi, thảo luận và qua xử lý các tình huống trong đời sống.
Trong 1 cuốn sách tôi đã đọc, tác giả viết rằng “cuộc đời con người không gì ngoài hành trình tìm kiếm cảm giác, tìm kiếm những trải nghiệm mới lạ”. Đó là lý do con người cứ đi tìm kiếm các giới hạn. Sợ ma nhưng lại thích xem phim ma, thích đi các vùng đất mới, thích chinh phục các con đường khó khăn và cảm thấy thật lý thú. Chúng ta nhận thấy rõ rệt nhất ở trẻ em. Chúng luôn khát khao khám phá đến mức tự biến mình thành đối tượng tò mò thái quá mà phá hoại những thứ xung quanh để tìm ra quy luật.
Giai đoạn quan trọng mà trẻ hình thành thói quen tự lập, tìm cách xử lý các xung đột trong các mối quan hệ xã hội, quan hệ bạn bè thì trẻ lại bị cách ly khỏi cộng đồng và hoạt động trong cái vòng quay đơn điệu đã được lập trình chỉ để đếm ngày tháng dần trôi.
Tự nhiên tôi nhớ đến bài học từ đàn cừu trong quyển sách Nhà Giả Kim. Chúng được chủ cho ăn no, ngủ ấm và bình yên sống. Chúng được cung cấp đầy đủ thứ chúng cần, ngày lại ngày và rồi chúng rơi vào cái bẫy của sự an toàn. Chúng không còn có năng lực quyết định hay suy nghĩ về nhu cầu của bản thân nữa. Chúng chấp nhận cung cấp lông và cả thịt khi chủ cần. Thế đấy.
Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhưng hãy nhớ thời gian của trẻ ngắn hơn chúng ta rất nhiều. Ví như người ở một hành tinh khác, 6 năm của trẻ có lẽ bằng 60 năm của người trưởng thành. Vì thế trẻ em không phải là phiên bản thu nhỏ của người lớn. Trẻ khác chúng ta, trẻ bị nhốt 1 ngày sẽ như chúng ta 1 tháng. Trẻ bị nhốt 1 tháng sẽ như chúng ta chịu đựng bí bách 1 năm. Đừng nhìn thấy cái thân hình nguyên vẹn kia thì cho rằng trẻ an toàn, trẻ đang tổn thương từng ngày vì bị tách khỏi tự nhiên và cộng đồng.
Ở các nước Anh, Pháp, Úc, Mỹ họ vẫn duy trì chuyện đến trường của trẻ mầm non gần như xuyên suốt ngay cả khi bùng dịch rất căng thẳng và chưa có vắc xin . Có lẽ vì họ hiểu được tất cả những hệ lụy của việc trẻ ở nhà cùng với sự tỉnh táo nhận định của họ về sự ảnh hưởng của Covid lên trẻ em là thấp hơn so với người lớn.
Theo dữ liệu do Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Mỹ ( CDC) thu thập từ các bệnh viện nhi trên cả nước Mỹ cho thấy, người dưới 18 tuổi chỉ chiếm chưa tới 2% số ca nhập viện do mắc Covid 19. Họ cho rằng thật may mắn, phản ứng miễn dịch bẩm sinh ở trẻ nhỏ khiến trẻ ít mắc Covid 19.
Phải lựa chọn – tất nhiên rồi, cuộc đời con người là chuỗi dài đứng trước muôn vàn lựa chọn. Vì thế luôn phải cân nhắc và đưa ra quyết định. Kết quả nhãn tiền và những hệ lụy dài lâu, dù có nhắm mắt vờ như không có để an tâm với thứ nguyên vẹn trong tay thì hệ lụy vẫn tồn tại. Trẻ ở nhà hay trẻ đến trường, xin hãy đặt những tác hại của việc giam lỏng những đứa trẻ lên bàn cân khi đưa ra quyết định.
Trần Tuyến