Chính phủ Indonesia dường như đang dịch chuyển chiến lược xóa sổ Covid-19 sang kịch bản chung sống với dịch bệnh này. Indonesia ghi nhận hơn 4,1 triệu ca mắc và hơn 139.000 ca tử vong tính tới 11h ngày 14/9.
Người dân Indonesia xếp hàng tiêm vaccine Covid-19 ở Jakarta ngày 31/8/2021. Ảnh: Reuters
Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu?
Chính phủ Indonesia dự kiến đại dịch Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu vào năm 2022 khi tỷ lệ miễn dịch trong dân số tăng lên giữa bối cảnh chiến dịch tiêm vaccine được tăng cường.
Theo Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC), "bệnh đặc hữu" chỉ sự hiện diện liên tục hoặc sự xuất hiện phổ biến của một dịch bệnh hay một tác nhân gây bệnh trong cộng đồng dân cư tại một khu vực địa lý nhất định.
Khi Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu, nó sẽ làm giảm đáng kể mối đe dọa với hệ thống y tế của Indonesia bởi hầu hết người dân sẽ được bảo vệ trước các triệu chứng nghiêm trọng cũng như các đợt tái bùng phát dịch bệnh, đặc biệt nếu việc này được kiểm soát qua xét nghiệm thường xuyên và truy vết tiếp xúc.
Những gì diễn ra với vi khuẩn gây bệnh lao hay các virus gây bệnh khác cho thấy tính đặc hữu là một phần trong các giai đoạn phát triển tự nhiên của nhiều bệnh truyền nhiễm trong con người.
Khoảng 89% trong số 119 nhà miễn dịch học, nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và các nhà virus học trên khắp 23 quốc gia được phỏng vấn trong cuộc khảo sát gần đây của Tạp chí Nature đánh giá, rất có thể Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu.
Để thích ứng với tình hình này, chính phủ Indonesia hiện đang chuẩn bị một số biện pháp, trong đó có kiểm soát các hoạt động cộng đồng và hành vi của mọi người thông qua việc thực hiện các giao thức y tế, tăng cường xây dựng miễn dịch cộng đồng, củng cố năng lực y tế và các cơ sở hạ tầng tại tất cả các khu vực, giám sát sự phân bố của các biến thể và phát triển kế hoạch thích ứng y tế công cộng về dài hạn.
Virus SARS-CoV-2 sẽ không biến mất
Việc dự đoán Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu ở Indonesia đã ám chỉ rằng virus sẽ không biến mất khỏi quốc gia này. Ngược lại, Indonesia hướng tới việc có đủ số lượng người dân đạt được miễn dịch qua tiêm vaccine và hồi phục sau khi lây nhiễm tự nhiên.
Kết quả của việc này là sự lây nhiễm sẽ giảm bớt trong khi có ít ca nhập viện và ca tử vong vì Covid-19 hơn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa biết khi nào Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu ở Indonesia. Các chuyên gia ước tính, có thể phải mất tới một vài năm hoặc thậm chí một vài thập kỷ để dịch Covid-19 đạt tới tính đặc hữu ổn định.
Sự dịch chuyển sang tính đặc hữu được quyết định bởi nhiều nhân tố như khả năng lây nhiễm của virus, kiểu tiếp xúc trong cộng đồng cho phép virus lan rộng, cũng như mức độ và thời gian bảo vệ qua tiêm vaccine và lây nhiễm tự nhiên.
Con đường Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu ở Indonesia rất khó để dự đoán nhưng chính phủ nước này đang thực hiện một vài biện pháp để kiểm soát dịch bệnh.
Ít nhất trong 1 - 2 năm tới, Indonesia sẽ tiếp tục làm giảm sự lây nhiễm qua việc thực hiện và tuân thủ các biện pháp y tế công cộng đã được chứng minh là phù hợp.
Cùng lúc đó, chính phủ sẽ tăng cường khả năng của hệ thống y tế để kiểm soát sự gia tăng số ca mắc trong tương lai cho tới khi có đủ tỷ lệ dân số được tiêm vaccine, đạt được miễn dịch cộng đồng hoặc mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh giảm đáng kể.
Quan trọng hơn, chiến lược kiềm chế Covid-19 của chính phủ sẽ phải mở rộng khi ngoài các biện pháp y tế và kỹ thuật thì còn liên quan đến cả các nhân tố chính trị, kinh tế, xã hội ảnh hưởng đến sự lây lan của virus.
Indonesia sẽ tiếp tục đối phó với Covid-19 qua hướng tiếp cận của chính phủ, sự hợp tác giữa tất cả các ngành, đưa các bên liên quan tham gia ở mọi cấp độ - từ các nhà chức trách địa phương cho tới các cộng đồng và xây dựng một sự hợp tác rõ ràng, nhất quán. Chính phủ Indonesia nhận định sẽ không lơi lỏng cảnh giác quá sớm trước bản chất khó đoán của dịch Covid-19 hiện nay./.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)Theo: CNA