Năm nay, Việt Nam không chỉ hướng tới một SEA Games với tinh thần fair-play trong thể thao mà còn mong muốn tạo nên một kỳ đại hội xanh - sạch - đẹp. Theo đó, Giảm Rác Nhựa Ra Đại Dương với sự bảo trợ của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên WWF đã kết hợp chặt chẽ với Ban tổ chức trong việc thực hiện các giải pháp giảm nhựa trên tinh thần tự nguyện xuyên suốt đại hội.
Hành trình sống xanh tại SEA Games 31 nhận được hưởng ứng từ nhiều khán giả và cổ động viên
Để thực hiện được công tác này, chúng ta không thể không nhắc đến đội ngũ những chuyên gia, các nhà quản lý, truyền thông trực tiếp thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Cùng lắng nghe những chia sẻ trực tiếp của những người trong cuộc về quá trình sống “xanh” tại SEA Games 31.
Ông Vũ Minh Lý - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường
Đến với hành trình sống xanh, ông Vũ Minh Lý - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường cho biết:
“Thời gian gần đây, trong các giải thể thao lớn trên thế giới, bên cạnh tính công bằng, cao thượng, mạnh mẽ thì các giải đấu đều hướng tới một hoạt động đó là phát triển bền vững và gắn với bảo vệ môi trường. Chúng tôi mong muốn rằng SEA Games 31 - sự kiện thể thao lớn nhất tại Đông Nam Á sẽ trở thành một kỳ SEA Games xanh, không rác thải nhựa. Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường là đơn vị đồng tổ chức sự kiện "Gom nhựa lựa quà" tại SEA Games 31. Chương trình “Gom nhựa lựa quà” được chúng tôi tổ chức với mong muốn góp phần nâng cao nhận thức của công chúng, đặc biệt là các cổ động viên, các khán giả, vận động viên cũng như thay đổi hành vi như từ chối, thay thế, tiết giảm, tái sử dụng nhằm hướng tới SEA Games không rác thải nhựa. Tại chương trình này, các vật phẩm, các kỷ niệm chương, quà lưu niệm đều được làm từ các vật liệu tái chế như nhôm, đồng, nhựa... Mỗi món quà cũng là một thông điệp mà chúng tôi gửi gắm đến các cổ động viên: hãy chung tay giảm thiểu rác thải nhựa vì một Việt Nam xanh, một Đông Nam Á mạnh mẽ và bền vững. Các hoạt động tiết giảm, thu gom và tái chế rác nhựa không những giúp xây dựng một Đại hội thể thao “xanh” mà còn là những thông điệp “vì Trái Đất” mà các thành viên Ban tổ chức gửi đến toàn bộ người xem, cổ động viên và vận động viên...."
Ông Tạ Anh Tuấn - Quản lý truyền thông chương trình Giảm nhựa của WWF-Việt Nam
Chia sẻ tiếp theo đến từ ông Tạ Anh Tuấn - Quản lý truyền thông chương trình Giảm nhựa của WWF-Việt Nam: " WWF-Việt Nam đã tích cực thực hiện các hoạt động giảm rác nhựa tại SEA Games 31. Chúng tôi mong muốn truyền tải thông điệp rằng nhựa thực ra là một vật liệu có giá trị. Thay vì sử dụng những sản phẩm nhựa dùng 1 lần rồi trở thành rác thải rất có hại đối với môi trường, chúng ta cần suy nghĩ lại trước khi vứt bỏ mà không thể thu hồi được loại vật liệu có giá trị này . Thay vào đó, chúng ta hoàn toàn có thể thu gom, tái chế và kéo dài vòng đời của nhựa để giảm phát thải và hướng đến mục tiêu không còn rác nhựa trong thiên nhiên. Việc mua bán hay sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần là nguyên nhân góp phần tàn phá môi trường xung quanh chúng ta. Do đó, để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực này, mỗi cá nhân nên nhân rộng việc thu gom, tái chế nhựa để có thể kéo dài vòng đời của vật phẩm có giá trị này. Qua những hành động nhỏ ngay trong sự kiện, các thành viên đã có thể hỗ trợ phần nào vào công tác giảm nhựa chung, trực tiếp góp phần xây dựng một kỳ SEA Games xanh và lan tỏa các giá trị tích cực đến cộng đồng...."
HÀ DUNG