“Tấn công quyến rũ” thất bại
Từ 25/8 - 1/9, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lên đường tới 5 điểm dừng chân ở châu Âu nhằm cải thiện quan hệ với các quốc gia này, hoặc ít nhất "tấn công quyến rũ" châu Âu sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi thành lập một liên minh các nền dân chủ phương Tây theo kiểu Chiến tranh Lạnh nhằm chống lại Trung Quốc.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) và Ngoại trưởng Đức Heiko Maas. Ảnh: AFP
Khép lại chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong đại dịch Covid-19, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi châu Âu chống lại những nỗ lực của Mỹ nhằm tách rời Trung Quốc về mặt kinh tế, đồng thời chỉ trích chủ nghĩa đơn phương của Tổng thống Trump.
Dù vậy, theo các nhà phân tích, ông Vương Nghị chỉ đạt được những kết quả ngoại giao hạn chế trong các cuộc trao đổi bị đè nặng bởi "sự mệt mỏi về những lời hứa" này.
Ngoại trưởng Trung Quốc có một cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhưng tại Đức, không có sự kiện công khai nào diễn ra giữa phía Trung Quốc với Thủ tướng Angela Merkel hay bất kỳ quan chức nào trong đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của bà.
Liên minh châu Âu với nền kinh tế lớn hơn Mỹ hoặc Trung Quốc được Bắc Kinh coi là một đối tác thực dụng và mềm dẻo hơn so với một Washington ngày càng tỏ thái độ thù địch.
"Bắc Kinh coi châu Âu là chiến lợi phẩm lớn nhất cần được đảm bảo trong tình hình đối đầu Mỹ - Trung hiện nay. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã lãng phí điều này", Thorsten Benner, giám đốc Viện Chính sách Công Toàn cầu ở Berlin nhận định.
Sau khi gặp Ngoại trưởng Vương Nghị vào tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có bài phát biểu kêu gọi châu Âu thúc đẩy công nghệ 5G trong nước - một lĩnh vực mà tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc dẫn đầu. Còn vào ngày 26/8, các quan chức Đức đã tiết lộ kế hoạch hợp tác "Ấn Độ - Thái Bình Dương" nhằm làm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Kỳ vọng tối đa - Kết quả tối thiểu
"Chuyến thăm của ông Vương Nghị không đạt được những mục tiêu tối thiểu. Ông ấy không có bất kỳ điều gì đáng kể đưa ra để khiến các nước châu Âu bận tâm, chẳng hạn như những nhượng bộ về việc tiếp cận thị trường. Thay vào đó, nước này chỉ nhắc lại những điều sáo rỗng rằng châu Âu và Trung Quốc cần hợp tác với nhau theo cơ chế đa phương, một điều vốn không mấy ai hứng thú nữa", nhà quan sát Benner cho hay.
Khi ông Vương Nghị rời Bắc Kinh vào tuần trước, đã có rất nhiều kỳ vọng đặt vào chuyến thăm châu Âu lần này. Truyền thông Trung Quốc đã gọi chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Ngoại trưởng này từ khi dịch Covid-19 bùng phát là một chuyến thăm có vai trò "vô cùng quan trọng" để đối phó với những nỗ lực của Ngoại trưởng Pompeo nhằm gieo rắc sự thù ghét với Trung Quốc trên thế giới. Ông Pompeo đã thăm châu Âu một tuần trước đó vào giữa tháng 8 nhằm củng cố liên minh xuyên Đại Tây Dương Mỹ - EU.
Nhiều chính phủ châu Âu đều nhất trí rằng họ sẽ tiếp tục hợp tác với Trung Quốc. Ông Vương Nghị cũng đề nghị hợp tác với châu Âu về việc phát triển vaccine, năng lượng xanh và các thỏa thuận đầu tư nhằm đem lại các lợi ích kinh tế trong quãng thời gian phục hồi sau đại dịch.
Tuy nhiên, hết điểm dừng chân này tới điểm dừng chân khác, ông Vương Nghị bị đặt câu hỏi về việc Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia mới với Hong Kong, vấn đề Tân Cương hay nguồn gốc đại dịch Covid-19.
Đáng chú ý, ngay giữa chuyến thăm châu Âu, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã cảnh báo Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Czech Milos Vystrcil sẽ phải "trả giá đắt" vì đã đến thăm Đài Loan.
Các quan chức châu Âu ở Đức và Slovakia đã phản ứng với việc này một cách giận dữ.
"Slovakia đứng về phía Cộng hòa Czech. Quan hệ EU - Trung Quốc dựa trên đối thoại và sự tôn trọng lẫn nhau. Những lời đe dọa nhằm vào một trong các thành viên của EU và các đại diện của EU đi ngược với bản chất của mối quan hệ này và điều đó là không thể chấp nhận được", Zuzana Caputova, Tổng thống Slovakia viết trên Twitter.
Phát biểu với Ngoại trưởng Vương Nghị trong một cuộc họp báo ở Berlin, Ngoại trưởng Đức cũng có thông điệp tương tự.
"Là những quốc gia châu Âu, chúng tôi hành động với sự hợp tác chặt chẽ. Chúng tôi dành sự tôn trọng cho các đối tác quốc tế và hy vọng điều tương tự từ họ. Sự đe dọa là không phù hợp ở đây", Ngoại trưởng Đức Heiko Maas tuyên bố.
Nhà phân tích về quan hệ Trung Quốc - EU tại công ty tham vấn Rhodium Group - Noah Barkin cho biết: "Giọng điệu cứng rắn từ ông Maas không phải điều ngạc nhiên, nhưng đây là một tông giọng mới từ Berlin".
Theo chuyên gia Berkin, Bắc Kinh đang đứng trước sức ép nhằm tìm kiếm một công thức phù hợp hơn để hợp tác với châu Âu.
"Sự phản ứng mạnh mẽ từ châu Âu với các chính sách của Trung Quốc và viễn cảnh một chính quyền Mỹ mới thúc đẩy hợp tác với các đồng minh đã làm gia tăng khả năng hình thành một liên minh xuyên Đại Tây Dương đối phó với Trung Quốc. Đây sẽ là một mối đe dọa ngày càng gia tăng với Bắc Kinh"./.
Kiều Anh/VOV