Với mục tiêu đó, Thành phố Hải Phòng cần phải nâng cao vai trò quản lý nhà nước với mô hình hoạt động kinh doanh trong kỷ nguyên mới nhằm bắt kịp xu thế mới. Phát triển du lịch phải mang lại giá trị cho du khách, liên tục đổi mới sáng tạo đa dạng về hình thức và phong phú về nội dung tạo nên nét đặc trưng và dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách trong nước và quốc tế.
1. Chú trọng tăng cường quản lý nhà nước về du lịch
Được biết chủ đề năm 2025 Thành phố Hải Phòng là "Mở rộng không gian kinh tế, đô thị; hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù; tăng cường chuyển đổi xanh, chuyển đổi số". Chủ đề năm xác định nhiệm vụ trọng tâm để phát triển bứt phá và bền vững. Để thực hiện chủ đề năm, Tp Hải Phòng đang khẩn trương xây dựng Đề án chuyển đổi xanh thành phố, trước mắt là xây dựng Cát Bà trở thành đảo xanh.
Thực tế, một trong những "mắt xích" quan trọng của ngành kinh tế du lịch biển phía Bắc, đảo Cát Bà được kỳ vọng sẽ trở thành hòn đảo du lịch xanh với những dịch vụ lữ hành chất lượng. Đặc biệt, việc Quần đảo Cát Bà cùng với Vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới cũng đặt ra những yêu cầu trong phát triển thương hiệu du lịch Cát Bà, với mục tiêu hướng đến là xây dựng Cát Bà trở thành "Điểm đến xanh với nhiều trải nghiệm mới".
Hiện TP Hải Phòng cũng đưa ra nhiều giải pháp để Cát Bà trở thành hình mẫu du lịch xanh hàng đầu cả nước, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Theo đó, xây dựng, quản lý quy hoạch phát triển đảo Cát Bà trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc phát triển bền vững, lấy triết lý xanh làm chủ đạo. Thiết kế hạ tầng cơ sở theo hướng nâng cao quy mô, công suất và cập nhật các công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo, với tầm nhìn dài hạn.
Đồng thời, xây dựng hệ sinh thái đồng bộ các sản phẩm phục vụ cho du lịch với trải nghiệm xanh hướng về thiên nhiên và bảo vệ môi trường theo Bộ tiêu chí du lịch xanh. Trong đó, đặc biệt chú trọng tới chuỗi các sản phẩm du lịch cao cấp nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe, du lịch golf, du lịch sinh thái biển gắn với hoạt động học tập, bảo vệ tài nguyên môi trường. Quảng bá hình ảnh và định vị thương hiệu "Điểm đến xanh" cho Cát Bà qua các kênh truyền thông hiện đại; qua hệ thống sự kiện quy mô lớn... Ứng dụng công nghệ thông minh trong quản lý, bảo vệ và khai thác giá trị di sản và phát triển du lịch số.
Cùng với đó, TP Hải Phòng tiếp tục ban hành nhiều giải pháp quan trọng nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà, tuyên truyền quảng bá phát triển du lịch theo hướng liên kết vùng...
2. Những nhận định trong tương lai của Đảo ngọc Cát Bà
Thành phố Hải Phòng đang hướng đến mục tiêu Cát Bà trở thành khu du lịch đẳng cấp quốc tế với tiêu chí là điểm đến xanh với nhiều trải nghiệm. Trước hết, về mặt quản lý nhà nước cần phải có quy hoạch và nghiêm túc thực hiện quy hoạch này để vừa phát huy, vừa bảo tồn được giá trị Di sản thiên nhiên thế giới. Khi có quy hoạch phải thiết kế cơ sở hạ tầng có quy mô đủ lớn để tiếp nhận nhu cầu của du khách nhưng không làm tổn hại đến môi trường, cảnh quan của Di sản. Từ việc hình hình thành sản phẩm đến tiêu dùng và cả khách du lịch, cộng đồng dân cư đều phải hướng đến môi trường xanh, đảo tại quần đảo Cát Bà. Tiếp đó, phải tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, hướng đến du lịch có trách nhiệm để giảm thiểu các vấn đề tổn hại đến môi trường, có ý thức bảo vệ môi trường với du lịch...
Với nhiều nghiên cứu cho thấy, Đảo ngọc Cát Bà sở hữu nhiều tiềm năng phát triển đa dạng và phong phú. Các sản phẩm du lịch như văn hóa ẩm thực, du lịch cộng đồng, dã ngoại, thể thao mạo hiểm, nghỉ dưỡng và sinh thái đều có những ưu điểm nổi bật. Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch hiện tại vẫn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục để đạt được tiêu chí của sản phẩm du lịch đặc thù. Công tác quản lý nhà nước, cơ sở hạ tầng và dịch vụ kỹ thuật ngành du lịch tại Cát Bà đã có những bước tiến đáng kể nhưng vẫn cần tăng cường hơn nữa để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Chất lượng dịch vụ vận chuyển, lưu trú và ăn uống cũng đã và đang được nâng cao, nhưng cần đầu tư và quản lý tốt hơn. Việc thu hút nguồn vốn đầu tư và sự tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch bền vững cần được chú trọng hơn nữa để đảm bảo sự phát triển toàn diện và bền vững cho Quần đảo Cát Bà.
Với mục tiêu khai thác tiềm năng sinh thái của khu vực, tạo ra trải nghiệm du lịch bền vững và thu hút khách thăm quan có ý thức về bảo vệ môi trường. Kết quả nghiên cứu đã đưa ra các giải pháp chi tiết nhằm phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các sản phẩm du lịch đặc thù tại Cát Bà, Hải Phòng. Trong đó nhấn mạnh giải pháp xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đặc thù mới như du lịch xanh Vịnh Lan Hạ, các giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước như nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật ngành du lịch, dịch vụ vận chuyển, dịch vụ lưu trí và ăn uống. Việc thu hút nguồn vốn đầu tư và tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch bền vững là yếu tố quan trọng, góp phần vào sự phát triển toàn diện và lâu dài của ngành du lịch tại Cát Bà.
3. Kết luận
Để khai thác hợp lý có hiệu quả những tiềm năng và lợi thế về du lịch tại đảo Cát Bà, cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước, cần nâng cao vai trò, vị trí của quản lý Nhà nước với ngành du lịch thông qua việc thực hiện đồng bộ những giải pháp. Việc định hướng Đảo ngọc Cát Bà trở thành điểm du lịch với không gian xanh, hướng tới đẳng cấp Quốc tế không chỉ là trách nhiệm của riêng cá nhân ai mà là trách nhiệm chung của cả cộng đồng. Hoạt động du lịch gắn với bảo vệ thiên nhiên, giữ nguyên được việc bảo tồn thiên nhiên đem lại cho du khách nhiều trải nghiệm.
Trong bối cảnh du lịch mới hiện nay, ngành du lịch của Thành phố Hải Phòng cần phát huy được vai trò cũng như vị thế để Cát Bà luôn xứng tầm là điểm đến hấp dẫn cho du khách vừa phát huy được những giá trị về du lịch mà vẫn giữ được cảnh quan thiên nhiên.
Bùi Thị Thơm
Trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng