Tăng cường giáo dục và phát huy vai trò của thanh niên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời đại 4.0

Thứ năm, 28/11/2024 - 14:09

Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, giáo dục thế hệ trẻ, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống lành mạnh trên môi trường số là điều rất cần thiết, qua đó góp phần tăng cường sức đề kháng của thanh niên và phát huy vai trò của thanh niên trong tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Rủi ro an ninh mạng thời công nghệ số

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu. Ngày nay, cùng với sự phát triển của một số công nghệ mang tính đột phá như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet kết nối vạn vật, công nghệ sinh học... đã và đang tác động mạnh mẽ tới mọi khía cạnh, từ an ninh - chính trị đến kinh tế, xã hội. Bên cạnh những tác động tích cực, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự gia tăng kết nối thông qua internet cũng đặt ra hàng loạt vấn đề về bảo đảm an ninh, an toàn mạng và bảo mật thông tin đối với các quốc gia và khu vực. Việt Nam được cho là một trong những quốc gia có khả năng thích ứng tương đối tốt với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhờ sự chủ động tạo dựng môi trường phát triển công nghệ với nguồn nhân lực chất lượng cao về ngành công nghệ. Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đang tạo ra nhiều thách thức đối với việc bảo đảm an ninh - chính trị của Việt Nam. Sự tăng trưởng năng động của Việt Nam cùng với sự bùng nổ của các công nghệ hiện đại khiến tỷ lệ tham gia internet của các cơ quan chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp và người dân ngày càng nhiều và trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng. Thời gian gần đây, vấn đề an ninh mạng trở thành một trong những thách thức nghiêm trọng khi mà các cuộc tấn công mạng ngày càng đa dạng về hình thức cũng như mức độ ảnh hưởng. Trong khi Chính phủ đang thúc đẩy chuyển đổi số thì số lượng các cuộc tấn công các trang mạng của các cơ quan chính phủ, hệ thống tài chính, ngân hàng, hạ tầng thông tin trọng yếu, doanh nghiệp tại Việt Nam... nhằm đánh cắp thông tin, bí mật nhà nước, đánh cắp thành tựu khoa học - công nghệ, sở hữu trí tuệ... ngày càng gia tăng. Thực trạng này không chỉ đặt ra thách thức đối với an toàn của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp mà còn tiềm ẩn các hoạt động lợi dụng không gian mạng để kích động biểu tình, phát tán thông tin xấu, độc, sai sự thật nhằm tiến hành các hoạt động khủng bố, tuyên truyền chống phá chế độ. Điều này tác động trực tiếp tới vấn đề ổn định chính trị - an ninh của Việt Nam.

Theo thống kê, Internet tại Việt Nam 2023 đang phát triển mạnh với hơn 77 triệu người dùng (chiếm 79,1% dân số)[1], tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, số lượng người dùng mạng xã hội cũng đạt con số 70 triệu, tương đương với 71% tổng dân số. Tổng số kết nối di động đang hoạt động là 161,6 triệu, tương đương với 164,0% tổng dân số. Dữ liệu này cho thấy Việt Nam có tổng số người dùng Internet và mạng xã hội đáng kể, cùng với số lượng kết nối di động vượt quá tổng dân số. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tăng khả năng rủi ro về an ninh mạng, đặc biệt đối với người dùng trẻ khi mà độ tuổi trung bình của dân số Việt Nam là 32,7. Do đó, với những người thường xuyên sử dụng Internet và mạng xã hội như thanh niên, cần phải nâng cao năng lực số cho họ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước trong thời đại công nghệ số hiện nay.

Tăng cường "sức đề kháng" và phát huy vai trò của thanh niên trong tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người căn dặn: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết"[2]. Thấm nhuần tư tưởng của Người, Đảng ta luôn coi trọng công tác thanh niên, đặc biệt là luôn quan tâm giáo, dục, bồi dưỡng các thế hệ cách mạng cho đời sau, nhất là thế hệ trẻ; coi trọng giáo dục, rèn luyện toàn diện về mọi mặt; chăm lo, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho thế hệ trẻ, tạo điều kiện để thế hệ trẻ nâng cao trình độ, ổn định cuộc sống, nghề nghiệp và tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Thế hệ trẻ là những người có vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội và đất nước. Song, do đặc điểm tâm lý lứa tuổi, hạn chế về nhận thức chính trị, họ trở thành đối tượng trọng điểm để các thế lực thù địch tấn công, lôi kéo, kích động, nhất là trước sự lan truyền nhanh, phạm vi tác động rộng của mạng xã hội ngày nay. Vì vậy, cần tăng cường sức "đề kháng" cho thanh niên trên mạng xã hội để mỗi cá nhân trở thành lực lượng xung kích, có trách nhiệm khi tiếp cận thông tin trên môi trường mạng, góp phần lan tỏa thông tin chính thống; tham gia bình luận, chia sẻ, "phủ xanh" không gian mạng; kiên quyết đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, cực đoan, thiếu thiện chí.

Hiện nay, mạng xã hội đã trở thành mũi tiến công sắc bén nhằm bảo vệ

nền tảng tư tưởng của Đảng. Tổ chức Đoàn các cấp đã thành lập và phát huy

hiệu quả các trang mạng xã hội và thường xuyên đăng tải, chia sẻ các văn bản chỉ đạo, định hướng thông tin; các bài viết, những mô hình hay, cách làm sáng tạo, gương người tốt, việc tốt,… đấu tranh phản bác kịp thời các tin đồn, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, tạo môi trường giáo dục lành mạnh cho thanh niên. Tuy nhiên, chúng ta cần xác định đối phó, đấu tranh, ngăn chặn các quan điểm sai trái, xuyên tác trên mạng xã hội là quá trình lâu dài, phức tạp. Do đó, mỗi tổ chức, cá nhân cần có thái độ khách quan, nhìn nhận trách nhiệm này theo hướng chủ động, tăng cường đối phó, đấu tranh, ngăn chặn để giảm thiểu tác hại, ảnh hưởng tiêu cực chứ không thể tiêu diệt nó một cách triệt để.

Thực tế cho thấy việc nhận diện và đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng của các thế lực thù địch là cuộc chiến đầy khó khăn, thách thức. Nhiệm vụ này sẽ tiếp tục đạt được những thành quả to lớn nếu mỗi đoàn viên, thanh niên có bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng, đồng sức, đồng lòng, phát huy vai trò xung kích, sáng tạo, sẵn sàng là tuyến đầu trong cuộc chiến này. Chính vì vậy, việc nâng cao khả năng "tự đề kháng" là hết sức quan trọng. Các kết quả khảo sát gần đây cho thấy thanh niên có nhận thức, hiểu biết nhận định về tình hình chính trị-xã hội hiện nay, đây cũng là yếu tố quan trọng giúp họ có thể tham gia vào hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Ở trên môi trường số, thanh niên cần thường xuyên nắm tình hình, biết quan sát, phát hiện và xử lý vấn đề. Chủ động phát hiện các cá nhân, tổ chức có những hoạt động tuyên truyền phát tán những thông tin xấu, độc, thiếu chính xác để tự phản bác hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết. Đồng thời, tích cực tuyên truyền cho người thân, bạn bè cách nhận diện, phòng tránh.

Trên môi trường mạng, cần có các trang thông tin chính thống cung cấp cho cộng đồng để nâng cao hiểu biết, nhận thức, phân biệt được nguồn tin xác thực, loại trừ các thông tin sai lệch, từ đó đủ sức đề kháng, dần dần hình thành cơ chế "tự miễn dịch" trước thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch. Đây là giải pháp bền vững để tăng "sức đề kháng", "tự miễn dịch" cho công dân số, nhất là thanh thiếu niên, để đẩy lùi, giảm thiểu các tác hại từ các quan điểm sai trái, thông tin xấu độc trên mạng xã hội hiện nay.

Thanh niên giữ vai trò quan trọng trong công cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng. Để phát huy vai trò xung kích, tiền phong, gương mẫu của thanh niên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay, vấn đề quan trọng hàng đầu là cần tiếp tục tăng cường công tác bồi

dưỡng lý tưởng cách mạng, lý luận chính trị, quán triệt, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với lực lượng thanh niên. Trong thời gian tới, trong công tác giáo dục thanh thiếu niên, cần tăng cường đổi mới phương thức giáo dục thông qua các nền tảng công nghệ số, nêu gương người tốt, việc tốt, tạo môi trường mạng trong sạch, lành mạnh cho thanh niên phát huy sức trẻ, sự sáng tạo, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

ThS. Vũ Thị Bích Thảo - Viện Nghiên cứu Thanh niên


    https://www.vnetwork.vn/news/internet-viet-nam-2023-so-lieu-moi-nhat-va-xu-huong-phat-trien/. 

    Theo thống kê của We Are Social và Meltwater, tính đến tháng 1 năm 2023, Việt Nam có 77.93 triệu người dùng Internet, tương đương với 79,1% tổng dân số.

    Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 622.