Tăng cường tự chủ đối với đào tạo đại học
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, kể từ khi Nghị định số 99/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành đến nay đã có nhiều quy định mới của pháp luật về viên chức được ban hành và có hiệu lực. Theo đó, các quy định mới của pháp luật về viên chức đã tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học có hành lang pháp lý để thực hiện quy định về công tác cán bộ. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng xuất hiện một số vấn đề khó khăn, vướng mắc, bất cập, chồng chéo. Do đó, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ một số vướng mắc trong thực tiễn.
Việc xác định "Cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận" đối với chức danh Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục đại học công lập.
Các văn bản pháp luật hiện hành chưa quy định rõ cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm đối với hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập là hội đồng trường hay cơ quan quản lý trực tiếp. Do đó, khó khăn cho việc xác định hội đồng trường hay cơ quan quản lý trực tiếp "cho chủ trương bổ nhiệm".
Ngoài ra, việc xác định cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận còn liên quan đến một số vướng mắc của các Nghị định khác của Chính phủ về: Thẩm quyền đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức quản lý là chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng cơ sở giáo dục công lập; thẩm quyền "giao quyền" hoặc "giao phụ trách" cơ sở giáo dục đại học công lập trong trường hợp khuyết hiệu trưởng…
Đề xuất: để bảo đảm phù hợp với các Nghị định khác của Chính phủ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, dự thảo Nghị định đề xuất bổ sung điểm d vào sau điểm c khoản 6 Điều 7 như sau:
"Cơ quan quản lý trực tiếp thực hiện vai trò của cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận hiệu trưởng trong việc thực hiện các quy định về công tác cán bộ. Cơ quan quản lý trực tiếp quyết định việc giao quyền hiệu trưởng hoặc giao phụ trách trường trong trường hợp sau: (i) đối với trường đại học mới thành lập: Cơ quan quản lý trực tiếp giao quyền hiệu trưởng hoặc giao phụ trách trường để tham gia hội đồng trường lâm thời và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của hiệu trưởng cho đến khi có quyết định công nhận hiệu trưởng chính thức theo đề xuất của hội đồng trường; (ii) đối với các trường đại học đã khuyết hiệu trưởng quá 06 tháng mà chưa gửi tờ trình đề nghị công nhận hiệu trưởng tới cơ quan quản lý trực tiếp.
Hội đồng trường thực hiện hoặc ủy quyền hiệu trưởng thực hiện các trình tự, thủ tục đánh giá, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật đối với phó hiệu trưởng theo quy định của pháp luật, trình hội đồng trường xem xét, quyết định".
Về thành phần tập thể lãnh đạo
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung về thành phần tập thể lãnh đạo (tại điểm đ khoản 1 Điều 7) bảo đảm phù hợp với quy định của Đảng và các Nghị định khác của Chính phủ.
Cu thể, dự thảo Nghị định đề xuất: "Thành phần tập thể lãnh đạo quy định tại Điều này bao gồm: Ban thường vụ Đảng ủy hoặc cấp ủy (nơi không có ban thường vụ Đảng ủy), chủ tịch hội đồng trường hoặc quyền chủ tịch hội đồng trường, phó chủ tịch hội đồng trường (nếu có), hiệu trưởng hoặc quyền hiệu trưởng (nếu chưa có hiệu trưởng), các phó hiệu trưởng và người đứng đầu bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ. Tập thể lãnh đạo do chủ tịch hội đồng trường hoặc hiệu trưởng (trong thời gian chưa có chủ tịch hội đồng trường) chủ trì; làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số, trường hợp tập thể lãnh đạo là số chẵn, có kết quả biểu quyết hoặc bỏ phiếu 50/50 thì quyết định theo ý kiến của bên có người chủ trì".
Quyền tự chủ về tổ chức, bộ máy và nhân sự
Theo điểm a khoản 2 Điều 13 Nghị định số 99/2019/NĐ-CP quy định: Cơ sở giáo dục đại học công lập thực hiện quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự theo quy định của Luật Giáo dục đại học, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và các quy định hiện hành về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; về số lượng người làm việc và vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập; có quyền tự chủ về tổ chức, bộ máy và nhân sự để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nhưng không được làm tăng số lượng người làm việc hưởng lương, mức lương (bao gồm cả lương và phụ cấp) từ quỹ lương do ngân sách nhà nước cấp.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đề xuất sửa đổi các Nghị định khác của Chính phủ, bảo đảm phát huy vai trò của hội đồng trường theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Do vậy, để quán triệt kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, đồng thời giải quyết tình trạng thiếu thống nhất giữa các quy định của pháp luật; xuất phát từ căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý và thực tiễn thực hiện nêu trên thì việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2019/NĐ-CP là cần thiết.
Việc xây dựng Nghị định nhằm mục tiêu tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng trong việc thực hiện phân cấp quản lý, tăng cường tự chủ đối với đào tạo đại học; giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn thực hiện; bảo đảm đồng bộ giữa quy định của pháp luật; đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền, gắn việc thực hiện trách nhiệm giải trình.
Khánh Linh/Chinhphu