Chiều 25/11, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công đã khảo sát tại Đảng uỷ Khối doanh nghiệp Trung ương.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. - Ảnh: VGP/Thành Chung
Trưởng Ban chỉ đạo cho rằng việc khảo sát tiền lương tại khối doanh nghiệp nhà nước hoặc nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối là nội dung quan trọng trong Đề án cải cách tiền lương sẽ trình Trung ương thảo luận.
“Cải cách chính sách tiền lương, trong đó có khối doanh nghiệp nhà nước là biện pháp quan trọng tái cơ cấu lại tập đoàn, tổng công ty mà nhà nước có cổ phần chi phối”, Trưởng Ban chỉ đạo phát biểu.
Đảng uỷ Khối doanh nghiệp Trung ương đánh giá việc áp dụng lương tối thiểu vùng (4 vùng) đối với người lao động trong các doanh nghiệp cơ bản phù hợp, 100% đơn vị thuộc Khối đều thực hiện trả mức lương thấp nhất cho người lao động cao hơn 7% so với mức lương tối thiểu vùng.
Cơ quan cấp uỷ của Khối doanh nghiệp Trung ương đề nghị cho tất cả các doanh nghiệp có cơ chế như nhau trong trả lương theo nguyên tắc thị trường, phản ánh đúng giá trị công việc, nhằm thu hút, duy trì và phát triển đội ngũ nhân sự, lấy chỉ tiêu lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận trên vốn làm tiêu chí đánh giá chính.
Tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, các ban Đảng cũng tập trung thảo luận các nội dung cần làm rõ trong Đề án cải cách tiền lương như: Có nên bỏ quản lý nhà nước đối với tiền lương trong DNNN đi liền với xác định thẩm quyền quyết định lương, công tác thanh tra- kiểm soát chế độ tiền lương; xem xét quy định mức lương tối thiểu của ngành, lương tối thiểu giờ; cơ chế điều chỉnh và thẩm quyền công bố điều chỉnh tiền lương tối thiểu; cơ cấu, chức năng của Hội đồng Tiền lương Quốc gia trong giai đoạn tới; việc giao quyền cho các doanh nghiệp nhà nước tự quyết định thang, bảng lương của người lao động.
Chỉ đạo tiếp thu các ý kiến thảo luận, Trưởng Ban chỉ đạo Vương Đình Huệ cho rằng cần tăng cường tính tự chủ về thực hiện chính sách lương cho doanh nghiệp nhưng cần có lộ trình để triển khai. Tuy nhiên, Nhà nước vẫn phải quản lý lương tối thiểu vùng theo thông lệ quốc tế, quản lý việc chi trả lương cho chức danh đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp. Chức danh lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước mà Nhà nước không quy định thì sẽ “thả nổi” để doanh nghiệp tự quyết định mức lương.
Trưởng Ban chỉ đạo cũng yêu cầu các Bộ xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước để xác định mức chi trả tiền lương phù hợp của doanh nghiệp nhà nước; quy định mức lương tối thiểu vùng theo giờ để đáp ứng nhu cầu công việc bán thời gian, theo thời vụ theo nhu cầu của doanh nghiệp và người lao động.
Về điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng, Trưởng Ban chỉ đạo đề nghị cần tính tới việc tích luỹ biến động của chỉ số giá tiêu dùng và tỷ lệ tăng năng suất lao động; đồng tình với các ý kiến đề nghị Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng thay vì Chính phủ phải ban hành Nghị quyết để điều chỉnh như hiện nay.
Trưởng Ban chỉ đạo cũng đề nghị các Bộ nghiên cứu bỏ thang, bảng lương trong khối sản xuất kinh doanh theo lộ trình để tự doanh nghiệp quyết định tiền lương; tăng cường các thành viên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia với các thành viên là đại diện cho giới chủ và các chuyên gia tiền lương độc lập.
Theo Chinhphu