Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý chính sách hỗ trợ, bồi thường, bố trí tái định cư phải lo cho cả những đối tượng không đủ điều kiện theo quy định - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Sử dụng nhà ở xã hội, mua nhà ở thương mại để phục vụ tái định cư
Tại cuộc họp, Bộ TN&MT đã có báo cáo tiếp thu, giải trình về một số nội dung của dự thảo Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trong cuộc họp ngày 11/6: Thanh lý tài sản, vật liệu còn lại sau khi phá dỡ công trình nhà ở, công trình kỹ thuật là tài sản công; ứng trước tiền của nhà đầu tư cho đơn vị hoặc tổ chức, cá nhân thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng; nghiên cứu đề xuất phương án sử dụng nhà ở xã hội, mua nhà ở thương mại để phục vụ tái định cư.
Bộ TN&MT đã rà soát dự thảo nghị định cùng với các dự thảo nghị định khác quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai để hoàn thiện phạm vi điều chỉnh của Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và mọi vấn đề, nội dung liên quan.
Đại diện Bộ Tài chính đã thống nhất với phương án tiếp thu, chỉnh sửa của Bộ TN&MT về quy định giải quyết vật tư, vật liệu, tài sản thu hồi còn sử dụng được sau khi phá dỡ nhà, công trình xây dựng, công trình hạ tầng kỹ thuật là tài sản công như thanh lý tài sản nhà nước.
Về cơ chế ứng tiền giải phóng mặt bằng của nhà đầu tư, đại diện Bộ Tài chính đề nghị nêu rõ nơi nhận là tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ TN&MT thiết kế điều khoản phân cấp cho địa phương chịu trách nhiệm về lập dự toán, phê duyệt, sử dụng, quyết toán chi tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, "cụ thể, khả thi, không đẩy việc khó xuống địa phương".
Về chính sách bố trí tái định cư, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ TN&MT) Đào Trung Chính cho biết dự thảo Nghị định mới quy định về đất tái định cư, nhà tái định cư, trong khi đó nhiều địa phương rất mong muốn thí điểm sử dụng nhà ở xã hội, mua nhà ở thương mại để phục vụ tái định cư.
Đại diện UBND TPHCM, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Khánh Hoà đề nghị cho phép các hộ dân thuộc diện được bồi thường, tái định cư nhưng địa phương không có quỹ đất, quỹ nhà tái định cư thì được ưu tiên mua nhà ở xã hội; sử dụng ngân sách nhà nước mua nhà ở thương mại phục vụ tái định cư khi giải phóng mặt bằng cho dự án đầu tư công; phương án xử lý tình huống nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích lớn hơn diện tích suất tái định cư tối thiểu…
"Cơ quan soạn thảo phải đưa thực tiễn vào văn bản để tháo gỡ khó khăn, thực hiện đồng bộ các giải pháp trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất", Phó Thủ tướng nói và lưu ý phải lo cho cả những đối tượng không đủ điều kiện để bồi thường, bố trí tái định cư.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh quan điểm cấp giấy chứng nhận cho tất cả trường hợp đủ điều kiện, khuyến khích người sử dụng đất đến đăng ký cấp giấy chứng nhận để phục vụ công tác quản lý của Nhà nước - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Thay đổi tư duy, phương pháp điều tra, đo đạc đất đai
Báo cáo về dự thảo Nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai, Bộ TN&MT cho biết đã tiếp thu, chỉnh lý các điều, khoản: Bỏ quy định bản vẽ tách thửa đất, hợp thửa đất do người sử dụng lập; chỉnh sửa số lượng chuyên gia tư vấn; sửa đổi đối tượng, mức ghi nợ tiền sử dụng đất khi cấp Giấy chứng nhận lần đầu; bổ sung trách nhiệm của chủ đầu tư trong thực hiện thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận cho người mua trong dự án bất động sản; huy động thêm các nguồn lực khác cho hoạt động xây dựng, nâng cấp hệ thống thông tin quốc gia…
Tuy nhiên, một số nội dung Bộ TN&MT chưa thể hiện cụ thể: Rà soát các tiêu chí, tiêu chuẩn nhằm nâng cao hiệu quả công tác điều tra cơ bản đất đai, tiết kiện ngân sách nhà nước; khuyến khích số hoá dữ liệu hướng đến quản lý đất đai theo thời gian thực; quy định rõ hơn đối tượng, số lượng, điều kiện đối với cơ quan cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai như cung cấp dịch vụ đo đạc địa chính; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận, cập nhật biến động hồ sơ địa chính;…
Tại cuộc họp, các ý kiến cũng thảo luận về cơ sở pháp lý đối với quy định mở rộng đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất khi được cấp giấy chứng nhận lần đầu; thẩm quyền quy định chi tiết quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; trách nhiệm của Bộ TN&MT, UBND cấp tỉnh hướng dẫn triển khai việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và giao dịch điện tử về đất đai.
Ông Mai Văn Phấn, Cục trưởng Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai (Bộ TN&MT) cho biết dự thảo Nghị định quy định những khu vực cần đo lập bản đồ địa chính mới (chưa đo đạc, đo dạc thủ công sai số quá 70%), khu vực đã đo đạc các hệ toạ độ khác nhau thì được chỉnh lý để số hoá. Loại đất thực hiện điều tra, đánh giá cơ bản là đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng. Quá trình triển khai đo đạc được tiến hành đồng thời với đăng ký, cấp giấy chứng nhận, cập nhật cơ sở dữ liệu.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần thay đổi tư duy, phương pháp, công nghệ điều tra cơ bản đất đai, đo đạc, lập hồ sơ địa chính,… trong đó cần quy định rõ chỉ tiêu cơ bản cần điều tra, tránh tình trạng tiến hành làm tràn lan, không đủ nguồn lực, thiếu hiệu quả.
"Dữ liệu thu thập từ quá trình điều tra, cập nhật hồ sơ địa chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến về đất đai phải là thông tin sống, chính xác", Phó Thủ tướng nói và chỉ ra một số điểm cần làm rõ đối với thông tin, dữ liệu đất đai như mô hình vận hành, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, khai thác, chia sẻ,… bảo đảm thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Mục tiêu là quản lý dữ liệu đất đai theo thời gian thực, trên môi trường mạng, cải cách thủ tục hành chính đăng ký, cấp giấy chứng nhận, nâng cao tính minh bạch, hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng trách nhiệm cho địa phương như thời hạn hoàn thành thủ tục đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận,… đáp ứng yêu cầu chính đáng của người sử dụng đất.
Về việc mở rộng đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất khi cấp giấy chứng nhận lần đầu, Phó Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm cấp giấy chứng nhận cho tất cả trường hợp đủ điều kiện, khuyến khích người sử dụng đất đến đăng ký được cấp giấy chứng nhận để phục vụ công tác quản lý của Nhà nước và yêu cầu cơ quan soạn thảo lấy ý kiến thành viên Chính phủ.
Minh Khôi/chinhphu