Táo bạo biến nương chè cằn cỗi thành trại chăn nuôi gà đen qui mô lớn

Thứ ba, 19/05/2020 - 11:25

TNV - Tự hào về Vàng A Công, ông Mùa A Kỷ (Bí thư Chi bộ bản Lý Háng Tâu) vui mừng nói, tập quán của người Mông chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, nay thấy A Công là đảng viên trẻ tiêu biểu, có mô hình chăn nuôi qui mô lớn cho hiệu quả kinh tế cao, nên nhiều hộ ở các xã lân cận trong vùng muốn học hỏi làm theo. Bà con đến xem ai cũng khen, trước đây nương chè cằn cỗi, nếu không có A Công táo bạo đầu tư thì có lẽ bây giờ vẫn là đất trống để hoang?!.

Một trong 9 hộ chăn nuôi gia cầm qui mô lớn nhất huyện

Tốt nghiệp chuyên ngành chăn nuôi thú y năm 2016 khi 22 tuổi, chàng trai bản Mông xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái không viển vông thử tìm vận may ở các thành phố, đô thị, mà quyết chí về nhà khởi nghiệp bằng việc đầu tư chăn nuôi gà đen qui mô lớn. Bởi Vàng A Công thấy “Chăn nuôi ở quê hương mình còn nhỏ lẻ, nếu biết đầu tư phát triển thì chắc cũng được ăn”.

Lứa gà 600 con của vợ chồng A Công đến tháng 6/2020 xuất bán phục vụ
khách du lịch Mùa nước đổ . (Ảnh: NVCC)

Cuối năm 2016, được Tổ tiết kiệm vay vốn do Hội Phụ nữ xã hướng dẫn làm thủ tục, A Công được Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp huyện giải ngân cho vay 100 triệu đồng, gom góp với chút tiền nhà cộng vay thêm bà con trong bản được hơn 150 triệu đồng cả thảy, A Công mua một nương chè tương đối bằng phẳng gần nương chè của nhà và xây dựng trại chăn nuôi rộng 120 m 2 mái lợp proximang tường xây 30cm và rào lưới thép xung quanh.

Lứa gà đen đầu tiên 1.000 con được A Công xuống giống vào đầu năm 2017, sau 5 tháng chăm sóc trừ chi phí giống và thức ăn vợ chồng anh thu được gần 40 triệu đồng. Làm xong việc tiêu độc khử trùng chuồng trại, anh vào tiếp lứa thứ 2 cũng 1.000 con giống gà đen đến cuối năm cho thu bán, lãi thu được như lứa trước.

Vào gối lứa mới gần 1000 con để bán vào dịp Mùa lúa chín trên Danh thắng Ruộng bậc thang. (Ảnh: NVCC)

Để tăng hiệu quả chăn nuôi lên 3 lứa/năm, tháng 3/2018, A Công làm thêm trại úm gà con 50 m 2 , đến đầu năm 2019 san gạt nốt diện tích nương chè cằn cỗi còn lại của gia đình đầu tư xây tiếp trại gà thứ 3 rộng 120 m 2 . Nhờ vậy, trong năm 2018 và 2019 đều đặn gia đình A Công thu 3 lứa/năm, mỗi lứa từ 1.000 – 1.500 con, trọng lượng bình quân mỗi con 1,5kg, với giá bán 120.000 đồng/kg đã mang lại thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm.

Từ hộ nghèo có thu nhập bếp bênh, chỉ sau 1 năm đầu tư chăn nuôi qui mô lớn, gia đình A Công đã vươn lên thoát nghèo, có thu nhập ổn định và là hộ điển hình phát triển kinh tế của bản, của xã; đồng thời là 1 trong 9 hộ chăn nuôi gia cầm theo hướng hàng hóa qui mô lớn trong toàn huyện – Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT Phạm Tiến Lâm phấn khởi cho biết.

“Nuôi giống gà đen này có ưu điểm là dễ chăm sóc, có sức đề kháng tốt, cho chất lượng thịt thơm ngon nên dễ tiêu thụ, nhưng nhược điểm là trọng lượng nhỏ, chậm lớn… Về mùa đông nhiệt độ miền núi xuống thấp, nên cần chú ý biện pháp sưởi ấm cho gà”, Vàng A Công chia sẻ kinh nghiệm.

Chủ động phòng ngừa các loại bệnh, nhạy bén nắm bắt thị trường

Theo phân tích của Trưởng phòng Phạm Tiến Lâm, tuy thời tiết miền núi khắc nghiệt nhưng là thanh niên có kiến thức chuyên ngành thú y, nên A Công rất chủ động khâu tiêm, nhỏ thuốc phòng ngừa các loại bệnh thường xảy ra cho gà như: gà rù, đậu gà, ỉa phân trắng…. Do vậy, tỷ lệ gà sống rất cao (95%), đàn gà sinh trưởng tốt.

A Công nói thêm: “ Ngoài các loại thuốc mua sẵn, em còn giã nước tỏi cho gà uống để tăng sức đề kháng và tự tay nhỏ/tiêm vắc xin cho từng con gà để nâng cao hiệu quả công tác phòng bệnh và tiết kiệm chi phí”.

Đồi chè cằn cỗi giờ đã biến thành trại nuôi gà qui mô lớn. (Ảnh: P. Quỳnh)

“Lứa gà đầu tiên xuất bán, mình thường phải chở ra thị trấn huyện đến từng nhà hàng để giới thiệu sản phẩm, thấy chất lượng gà đảm bảo, từ lứa sau, các nhà hàng, tiểu thương và hộ gia đình có đám xứ cỗ bàn thường gọi đặt trước, nên việc tiêu thụ cũng thuận lợi hơn”, A Công nhớ lại.

Tự hào về Vàng A Công, ông Mùa A Kỷ (Bí thư Chi bộ bản Lý Háng Tâu) vui mừng nói, tập quán của người Mông chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, nay thấy A Công là đảng viên trẻ tiêu biểu, có mô hình chăn nuôi qui mô lớn cho hiệu quả kinh tế cao, nên nhiều hộ ở các xã lân cận trong vùng muốn học hỏi làm theo. Bà con đến xem ai cũng khen, trước đây nương chè cằn cỗi, nếu không có A Công táo bạo đầu tư thì có lẽ bây giờ vẫn là đất trống để hoang?!.

Được biết, để động viên cho tinh thần khởi nghiệp táo bạo của A Công, phòng Nông nghiệp huyện đã triển khai hỗ trợ mô hình chăn nuôi gà đen qui mô lớn theo hướng hàng hóa của A Công 15 triệu đồng, Huyện đoàn đã đưa A Công vào Tổ hợp tác gồm 5 bạn trẻ có cùng sở thích nuôi gà để tư vấn chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời tổ chức cho các bạn đi thăm quan học tập một số mô hình chăn nuôi hiệu quả trong huyện cũng như kết nối tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm ở Thị xã Nghĩa Lộ.

Đặc biệt, trong năm 2019 Huyện đoàn đã tiến cử A Công tham gia 2 lớp tập huấn khởi nghiệp do Tỉnh đoàn Yên Bái tổ chức. “Sau khóa học, mình đã có thêm nhiều kiến thức mới về thị trường, quản lý dòng tiền để khỏi bị xâm tiêu và đầu tư có hiệu quả nhất” A Công kể.

Từ đó, có hiệu quả chăn nuôi đến đâu A Công mới mở rộng đầu tư trại nuôi gà đến đấy, nên tổng kinh phí đầu tư cả 3 trại gà và căn nhà tôn để tiện cho việc chăn nuôi của gia đình lên tới 400 triệu đồng nhưng A Công chỉ còn nợ ngân hàng gần 100 triệu đồng, nếu chăn nuôi thuận lợi chỉ 1 năm là dư trả nợ.

Tổ hợp tác chăn nuôi gà xã Púng Luông. (Ảnh: NVCC)

Một ngày cuối tháng Tư năm 2020, chúng tôi đến thăm chỉ có chị Lù Thị Sênh (vợ A Công) ở trại chăm gà. Tuy chưa nói sõi tiếng tiếng phổ thông, nhưng chị Sênh đã nhanh nhẩu cho biết: “ Đầu năm nay do có dịch Covid, nên chỉ nuôi 600 con thôi. Tháng 7 bán cho khách du lịch Mùa nước đổ . Rồi lại tiếp tục nuôi bán cho du lịch Mùa lúa chín và dịp tết”.

Nghe xong, Trưởng phòng Nông nghiệp Phạm Tiến Lâm, Phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đồng Gia Nghĩa và tôi đều giật mình vui mừng, vì bà con bản Mông đã nhạy bén nắm bắt tin tức thời sự, thị trường vận dụng linh hoạt vào làm ăn, mừng vì du lịch Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã tạo sức bật cho sản xuất chăn nuôi hàng hóa qui mô lớn của bà con các dân tộc thiểu số phát triển.

Trao đổi qua điện thoại với tôi, A Công bật mí: Dịp cuối năm nay và đầu năm sau sẽ đầu tư mua máy tự sản xuất con giống cho mình và cung cấp cho các hộ đang có nhu cầu đầu tư chăn nuôi gia cầm; đồng thời phấn đấu trở hết nợ ngân hàng trong năm 2021./.

Sau 3 năm triển khai thực hiện “Đề án phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa”, tổng đàn gia cầm năm 2019 toàn huyện Mù Cang Chải ước đạt 193 nghìn con, tăng 17,6% so với năm 2015, đạt 96,5% mục tiêu của Đề án đến năm 2020; trong đó gà đen địa phương khoảng 50 nghìn con.

Phương thức chăn nuôi của người dân đang dần được chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung qui mô lớn theo hướng hàng hóa. Người dân đã chú trọng đến việc làm chuồng trại, dự trữ thức ăn cho gia súc vào mùa đông, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.

Hiện trên địa bàn huyện có 255 hộ chăn nuôi gia cầm từ 50 con/lứa, trong đó có 9 cơ sở chăn nuôi gia cầm từ 1.000 con trở lên.

Qua rà soát, huyện Mù Cang Chải có 16 sản phẩm đặc sản, chủ lực, trong đó có 6 sản phẩm chăn nuôi gồm: Trâu bò thịt, dê cỏ, lợn đen, cá nước lạnh, gà đen địa phương, mật ong. Sản phẩm mật ong đã được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; đã được in bao bì, chai lọ và nhãn hiệu đối với sản phẩm mật ong rừng tự nhiên Mù Cang Chải. Sản phẩm gà đen địa phương của huyện đang được đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Gà xương đen Mù Cang Chải”.

3 năm qua, huyện chỉ đạo xây dựng được 50 mô hình chăn nuôi theo hướng hàng hóa; hỗ trợ trực tiếp cho 22 mô hình, trong đó có 5 mô hình chăn nuôi gà. Dự án Giảm nghèo giai đoạn 2 năm 2016 – 2017, huyện đã thực hiện hỗ trợ  26.450 con giống gia cầm các loại cho các hộ nghèo.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện “Đề án phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa” trên địa bàn huyện Mù Cang Chải mới chỉ đạt được những kết quả bước đầu, chưa tạo được sự chuyển biến rõ rệt; sản xuất chăn nuôi vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm chưa cao; việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi của người dân vẫn còn hạn chế.

Các hình thức tổ chức, liên kết trong chăn nuôi mới ở bước manh nha, chưa phát triển; số doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi còn rất khiêm tốn. Ngoài ra, chưa có hệ thống giết mổ chế biến đảm bảo vệ sinh môi trường, công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được đẩy mạnh, chưa hình thành được các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho người chăn nuôi.

Huyện phấn đấu hết năm 2020 tổng đàn gia súc chính đạt 70.200 con, đàn dê đạt 5.600 con, đàn gia cầm đạt 200.000 con, đàn ong 10.000 tổ; từ các mô hình hỗ trợ người dân tự nhân rộng ra khoảng 200 mô hình chăn nuôi, trong đó 15 hộ nuôi từ 1.000 con gia cầm trở lên.

Phạm Quỳnh