Tạo dựng lòng tin của nhân dân thông qua những việc làm cụ thể

Thứ bảy, 24/10/2020 - 09:03

Theo Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, báo cáo quan trọng của Chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV rất thẳng thắn, sát thực tế, nghiêm túc khẳng định “cái được” và “chưa được”, nguyên nhân của vướng mắc cũng được phân tích rất rõ.

Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH. Ảnh: VGP/Nhật Nam

Sáng 20/10, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2020 và 5 năm 2016-2020; dự kiến Kế hoạch năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2021-2025.

Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH về những báo cáo quan trọng này của Chính phủ.

Xin bà cho biết nhận xét của mình về bài phát biểu của Thủ tướng tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV?

Tôi rất hoan nghênh báo cáo của Thủ tướng trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, đặc biệt qua quá trình theo dõi chỉ đạo, điều hành chung. Báo cáo này có tính khái quát rất rõ những vấn đề lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, trong đó Thủ tướng là người đứng đầu. Tôi rất đồng tình với những nhận định và kết quả đạt được của 5 năm cũng như năm 2019 và một phần của năm 2020.

Người dân cũng ghi nhận cố gắng của Chính phủ nhiệm kỳ này (2016-2021): Quyết liệt, gần dân, lắng nghe ý kiến của dân và xử lý được những vấn đề cụ thể, đáp ứng được mong mỏi của dân.

Bà có nhận xét gì về các chương trình cải cách, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ nhằm thúc đẩy cải cách và tổ chức thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của đất nước?

Thứ nhất, tôi đánh giá rất cao chỉ đạo trong cải cách hành chính, đã tạo cơ hội thông thoáng cho tổ chức, cá nhân có điều kiện đầu tư kinh doanh và phát triển.

Thứ hai, thủ tục hành chính được đơn giản hóa cũng là một thành tựu rất đáng ghi nhận.

Thứ ba, Chính phủ nhiệm kỳ này, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, rất quyết liệt lắng nghe và giải quyết những vấn đề liên quan đến đời sống nhân dân, những vấn đề người dân quan tâm, Thủ tướng đã nhiều lần trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe, trên cơ sở đó chỉ đạo thành viên Chính phủ có liên quan tham mưu, đề xuất chính sách và quyết định phương án ứng phó, xử lý.

Người dân đánh giá cao sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, sự gần dân, lắng nghe dân, quan tâm đến khó khăn, bức xúc của dân để xử lý. Chính vì vậy đã huy động được nguồn lực ở trong nước rất hiệu quả, doanh nghiệp trong nước tin tưởng, mạnh dạn có những quyết định đầu tư. Đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài rất yên tâm khi thấy Thủ tướng xông xáo, Chính phủ quyết liệt, nhờ đó đầu tư vào Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng, phát triển.

Về định hướng của giai đoạn tới, Chính phủ đã bám vào chương trình, kế hoạch, các chỉ đạo chung, các nghị quyết của Trung ương để có những chỉ đạo, mục tiêu cụ thể về các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội, đã có những chủ trương, định hướng, kế hoạch dài hạn, cụ thể. Tôi thấy rằng, với giai đoạn tới, những mục tiêu ấy là phù hợp.

Báo cáo của Thủ tướng đã thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc, nhiệm kỳ tới chắc chắn phải khắc phục được. Trong đó tôi rất quan tâm đến những vấn đề đã xây dựng và tổng kết mô hình, đánh giá mô hình đó được gì, chưa được gì để thời gian tới làm cho chắc hơn. Ví dụ như việc tổ chức, sắp xếp các đơn vị hành chính có những kết quả đã được khẳng định song vẫn còn có những ý kiến về những vấn đề chưa được, thời gian tới phải đánh giá, tổng kết làm cơ sở để nhiệm kỳ tới sẽ có những bước đi thận trọng, bình tĩnh nhưng hiệu quả.

Một số mô hình đã có và làm có hiệu quả thì nên tiếp tục nhân rộng. Ví dụ mô hình nhà chống lũ cho đồng bào miền Trung. Qua những thời điểm thiên tai bão, lũ vừa qua mới thấy mô hình nhà chống lũ này rất hiệu quả, nhưng việc nhân rộng mô hình hạn chế tại sao?

Bà có nhận xét gì về những chỉ đạo sáng suốt và quyết liệt của Chính phủ để đất nước vượt qua đại dịch COVID-19, đạt được mức tăng trưởng khá so với các nước trên thế giới trong năm nay?

Thời gian qua, Thủ tướng là người đứng đầu cùng tập thể Chính phủ đã quyết liệt, bằng nhiều biện pháp tích cực, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp để ngăn chặn COVID-19, mang lại bình an cho dân. Đó là điều khiến toàn dân hân hoan, là thành tựu rất lớn, không những nhân dân rất cảm ơn Chính phủ, thế giới cũng phải ghi nhận.

Trong điều kiện như vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ rất sáng suốt trong tổ chức thực hiện việc dập dịch, chống dịch, đẩy mạnh phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Chính phủ đã có những giải pháp khiến người dân rất hoan nghênh.

Từng phụ trách lĩnh vực LĐTBXH, tôi đánh giá rất cao quyết tâm của Thủ tướng, trong điều kiện kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19 nhưng Chính phủ vẫn rất quan tâm, chỉ đạo tập trung giải quyết những vấn đề an sinh xã hội, những tồn đọng về chính sách người có công rất quyết liệt.

Đặc biệt, nhóm yếu thế, trong đó có người cao tuổi, được Chính phủ quan tâm. Trước vấn đề già hóa dân số, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong giai đoạn từ nay đến 2030. Quyết định này khiến người cao tuổi rất phấn khởi.

Trong tất cả các hoạt động của Hội Người cao tuổi cấp Trung ương liên quan đến triển khai Tháng hành động vì Người cao tuổi, cũng như triển khai các công tác của Hội, đồng chí Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về người cao tuổi Vũ Đức Đam đều có mặt để lắng nghe ý kiến của người cao tuổi và thay mặt Thủ tướng chỉ đạo thực hiện chính sách đối với người cao tuổi. Chính vì vậy, người cao tuổi đánh giá cao sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhất là Chính phủ.

Xin cảm ơn bà!

Phương Liên (thực hiện)/Chinhphu