Tạo thói quen sử dụng xe buýt cho người dân

Thứ năm, 01/12/2022 - 08:00

Những năm gần đây, các tuyến xe buýt trên địa bàn thành phố Hà Nội đã giải quyết nhu cầu đi lại bằng phương tiện công cộng của người dân, góp phần giảm ùn tắc giao thông khi đô thị ngày càng phát triển. Nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, hạn chế xe cá nhân, Thành phố hiện đang có nhiều chính sách để khuyến khích người dân sử dụng xe buýt.

Hơn 1 năm nay, ông Nguyễn Văn Bình ở phường Văn Khê, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội chọn xe buýt làm phương tiện đi làm, đi chơi... Ông Bình cho biết, ông đã sử dụng xe buýt từ vài năm nay, với ông đây là phương tiện giao thông vừa rẻ lại rất thuận tiện.

Chúng tôi đã có tuổi, đi xe máy ngoài đường phố rất nguy hiểm nên từ mấy năm nay, tôi thường sử dụng xe buýt bởi vừa có điều hòa tránh nắng, tránh mưa lại an toàn. Trước đây đi xe buýt chúng tôi được hỗ trợ mỗi tháng chỉ phải đóng 100 nghìn đồng nhưng mới đây Thành phố có chủ trương phát thẻ xe buýt miễn phí cho người trên 60 tuổi, người có công với cách mạng..., việc làm này mang đầy ý nghĩa nhân văn giúp chúng tôi càng muốn lựa chọn xe buýt làm phương tiện đi lại chính mỗi ngày”, ông Bình cho hay.

Người dân xếp hàng làm thẻ xe buýt miễn phí tại Bến xe Yên Nghĩa

Không chỉ riêng ông Bình, chị Nguyễn Lan Anh (phường Văn Khê, quận Hà Đông) cho hay, từ 3 tháng nay chị thường xuyên đi làm bằng xe buýt, từ nhà chị ra khu vực đường Quang Trung chỉ mất 10 phút đi bộ, chuyến xe buýt nhanh BRT 04 chạy qua ngay sát công ty chị, vì sự tiện lợi đó, chị đã chọn đi xe buýt vừa tránh nắng, vừa an toàn, bớt bụi bẩn.

Bạn Tuấn Anh, học sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Huệ (Hà Đông) chia sẻ: “Bản thân em đã học xa nhà được khoảng 4 năm, tức là từ lớp 6 đã quen với việc đi lại từ nhà đến trường bằng xe buýt. Sáng nào, em cũng dậy sớm đón xe, chiều lại hối hả lên xe trở về nhà. Hành động lặp đi lặp lại đó gần như trở thành thói quen của em suốt mấy năm qua. Đi xe buýt có rất nhiều điểm lợi ích, ví dụ, tập cho mình thói quen đúng giờ, tận hưởng thời gian nghỉ ngơi trong lúc di chuyển và đặc biệt cực kỳ an toàn. Em nghĩ, sử dụng xe buýt hay các phương tiện công cộng là một cách văn minh để đảm bảo an toàn giao thông”.

Quả vậy, hiện nay,tai nạn giao thông đang là vấn đề lớn, được cả xã hội quan tâm. Ở nước ta, mỗi năm tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, gây thiệt hại về vật chất hàng nghìn tỷ đồng, chưa kể đến các chi phí cho những người tàn tật và mất khả năng lao động.

Phương tiện giao thông công cộng nói chung và xe buýt nói riêng rất phổ biến và đa dạng với nhiều nước trên thế giới. Hệ thống giao thông công cộng luôn được đầu tư, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và giải quyết được tình trạng nan giải của đô thị: Tắc đường cục bộ. Bên cạnh đó, hoạt động vận tải hành khách công cộng nhằm khuyến khích người dân sử dụng để giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Thực tế, phương tiện công cộng, cụ thể là xe buýt hiện tồn tại một số vấn đề như cũ kỹ, mùi khó chịu, phủ đầy bụi, thường phanh gấp, vượt ẩu. Thậm chí, một số bạn trẻ đã có trải nghiệm không hay khi bị móc túi, quấy rối hay thái độ của một số tài xế và tiếp viên khi phục vụ khách còn thô lỗ, cộc cằn... Một rào cản vô cùng lớn, mang tính quyết định cao đó là xe buýt trễ chuyến, ra vào bến nhiều làm kéo dài thời gian di chuyển cần thiết. Hơn nữa, việc di chuyển từ trạm vào điểm cần đến có khi mất một khoảng cách xa.

Đánh giá về chất lượng dịch vụ của hệ thống xe buýt hiện nay, chị Lan Anh cho biết: “ Vào giờ cao điểm, lượng người dân đi xe buýt rất đông, không chỉ có mỗi học sinh, sinh viên mà nhiều người cũng chọn phương tiện này để đi làm, đặc biệt ý thức người dân được nâng cao hơn, trên xe buýt ít xảy ra tình trạng trộm cắp, gây mất trật tự chung, lái, phụ xe thân thiện, luôn niềm nở hướng dẫn khách ở từng điểm dừng, đỗ”.

Để có được sự đánh giá hài lòng của người dân, thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư đổi mới phương tiện cũng như có nhiều giải pháp nhằm hạn chế những khuyết điểm trên. Cụ thể, các công ty khai thác, vận hành phương tiện công cộng đẩy mạnh nỗ lực trong việc xây dựng quy tắc ứng xử cho tài xế và tiếp viên, hình ảnh thân thiện của tài xế, nhân viên... Đồng thời, các đơn vị cũng mạnh dạn đầu tư mới hệ thống xe, chuẩn hóa quy tắc ứng xử cùng việc đào tạo bài bản, giám sát chặt chẽ để dần nâng cao chất lượng. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội về việc ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn trên địa bàn thành phố, Tổng công ty Vận tải Hà Nội đã tiến hành cấp thẻ đi xe buýt miễn phí cho những người có công với cách mạng, người khuyết tật, người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), người thuộc hộ nghèo.

Ảnh minh họa

Chính sách mới này được đề ra nhằm khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện công cộng hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Chủ trương này của Thành phố được người dân đánh giá cao. Ngay sau khi được triển khai rất đông người dân Thủ đô hào hứng, phấn khởi đến các Trạm điều hành và bán vé tháng xe buýt để làm thủ tục đăng ký thẻ sử dụng phương tiện công cộng miễn phí.

Quan trọng hơn cả, người trẻ cần nhận thức được ý nghĩa của việc sử dụng phương tiện công cộng trong việc giữ vững an toàn giao thông đô thị và cũng chính là bảo đảm an toàn cho chính các bạn và những người xung quanh.

Các giải pháp bước đầu đã mang lại một số kết quả khả quan, lượng khách hàng tăng dần. Theo tin từ Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội, trong 9 tháng của năm 2022, sản lượng vận chuyển hành khách bằng xe buýt của Thủ đô đạt 212,7 triệu lượt hành khách (tăng 25,1% so với thực hiện cùng kỳ 2021). Tính đến hết tháng 9-2022, mạng lưới vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn thành phố gồm 154 tuyến (trong đó: 132 tuyến buýt trợ giá; 8 tuyến buýt không trợ giá; 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City tour).

Mạng lưới xe buýt tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã (đạt tỷ lệ 100%); 510/579 số xã, phường thị trấn (đạt 88,1%); 65/75 bệnh viên (đạt 87%); 192/286 số trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông (đạt 67%); 27/27 khu công nghiệp lớn (đạt 100%); 33/37 khu đô thị (đạt 89,2%); 22/24 làng nghề (đạt 91,6%), 23/25 khu di tích lịch sử văn hóa, khu du lịch (đạt 92%) và kết nối với 7 tỉnh, thành lân cận (Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc).

Tuy nhiên, để người dân tiếp tục “mặn mà” hơn với phương tiện công cộng thì ngoài sự nỗ lực của ngành giao thông vận tải và các doanh nghiệp, rất cần sự hỗ trợ, đồng hành của chính quyền các cấp trong việc triển khai quyết liệt hơn công tác lập lại trật tự đô thị, tạo sự thông thoáng cho lòng đường, vỉa hè, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với xe buýt…

Cùng những giải pháp ưu tiên nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm giá vé thì yếu tố quan trọng là xe buýt phải thực sự thể hiện ưu thế so với các phương tiện giao thông cá nhân, có như vậy mới thu hút người dân chuyển từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng xe buýt, từ đó mới hy vọng giải tỏa áp lực giao thông, bài toán nan giải ở Hà Nội.

T.H