Các đại biểu tham dự Diễn đàn "Phụ nữ tiên phong phát triển kinh tế tuần hoàn" (Ảnh: Sỹ Tùng)
Tham dự Diễn đàn có: Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng ban Tuyên giáo TW Hội LHPN Việt Nam; TS. Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường; ThS. Trần Thị Cẩm Thúy, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường; PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường; TS. Nguyễn Thị Phương Mai, Phó Viện trưởng Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo; TS. Vũ Văn Doanh, Phó Trưởng Khoa Môi trường, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội; ThS. Trần Thị Mỹ Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP nghiên cứu, đầu tư và phát triển xơ sợi tự nhiên Việt Nam; ông Lê Văn Thanh, cán bộ tổ chức Liên minh châu Âu tại Việt Nam; bà Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hà Nội; bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng ban Hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh; ThS. Lê Thị Minh Ánh, chuyên gia Cục Kiểm soát ô nhiễm Môi trường; cùng các đại biểu là hội viên, phụ nữ thuộc các quận, huyện tại Thành phố Hà Nội và đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương phát biểu khai mạc (Ảnh: Sỹ Tùng)
Phát biểu khai mạc diễn đàn, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cho biết diễn đàn là hoạt động cụ thể hóa Chương trình phối hợp tuyên truyền về quản lý chất thải, phân loại chất thải rắn sinh hoạt giai đoạn 2024 - 2027 của Bộ Tài nguyên & Môi trường và Hội LHPN Việt Nam, đồng thời là nơi trao đổi, chia sẻ thông tin các hoạt động thực tiễn trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt, bảo vệ môi trường góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn.
Phụ nữ là lực lượng nòng cốt, chủ động, sáng tạo trong công tác bảo vệ môi trường
Trong bối cảnh dân số tăng nhanh và kinh tế - xã hội phát triển, vấn đề chất thải rắn sinh hoạt đã và đang trở thành một thách thức lớn đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Tại Việt Nam, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi ngày lên đến gần 68 nghìn tấn. Tuy nhiên, 70% lượng chất thải này vẫn được xử lý qua các phương pháp chôn lấp, đốt bỏ - phương thức gây lãng phí tài nguyên đất, nước, và còn dẫn đến ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, phần lớn rác thải có thể tái chế, tái sử dụng lại không được phân loại tại nguồn, dẫn đến sự lãng phí không nhỏ. Việc tái chế chất thải rắn sinh hoạt không chỉ mang ý nghĩa bảo vệ môi trường mà còn thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường 2020 và cam kết phát thải ròng bằng không của Việt Nam vào năm 2050 tại COP 26.
Hơn 250 đại biểu là hội viên phụ nữ trên địa bàn Thủ đô tới tham dự và đưa ra nhiều ý kiến thảo luận (Ảnh: Sỹ Tùng)
Theo bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, phụ nữ đóng vai trò tiên phong trong công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn. Họ là lực lượng quan trọng, chủ động sáng tạo trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế tuần hoàn - mô hình kinh tế hướng đến tái sử dụng tối đa tài nguyên và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Tại Việt Nam, tỉ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đứng đầu khu vực Đông Nam Á, với 27,2% nữ giám đốc hoặc chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, và hơn 20% trong tổng số doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ.
Trong những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã hợp tác với nhiều bộ, ngành và địa phương để triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường, như phong trào "Chống rác thải nhựa", đề án "Trồng một tỷ cây xanh" và chương trình "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch".
Hội phụ nữ các cấp đã tập trung nâng cao nhận thức, khuyến khích hội viên và cộng đồng tham gia thu gom, tái chế chất thải theo hướng tuần hoàn. Nhiều sáng kiến môi trường an toàn, sản phẩm thân thiện đã được thực hiện và lan tỏa trong cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế bền vững. Qua Diễn đàn này, bà Nguyễn Thị Minh Hương bày tỏ mong muốn hội viên phụ nữ tiếp tục là nhân tố chủ động trong quản lý chất thải rắn tại nguồn, thúc đẩy tiêu dùng xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn.
Vai trò của phụ nữ và cộng đồng trong phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn
Trong phiên đầu tiên của Diễn đàn, ThS. Lê Thị Minh Ánh, chuyên gia Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), đã trình bày tham luận “Quy định trong công tác quản lý, phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo Luật Bảo vệ Môi trường 2020”. Theo ThS. Lê Thị Minh Ánh, quan điểm tiếp cận của Luật Bảo vệ Môi trường 2020 coi chất thải là tài nguyên với mục tiêu tận dụng tối đa giá trị của các sản phẩm thải bỏ và thúc đẩy một nền kinh tế tuần hoàn cho sự phát triển bền vững. Theo đó, mọi chất thải đều được nghiên cứu để tái chế và xử lý theo phương thức phù hợp nhằm giảm thiểu tối đa chất thải phải xử lý ra môi trường, tiến tới một xã hội không còn chất thải. Ưu tiên trong quản lý chất thải rắn (CTR), tận dụng tối đa giá trị chất thải rắn, sản phẩm thải bỏ để giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên, giảm tác động xấu đến môi trường.
ThS. Lê Thị Minh Ánh, chuyên gia Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường trình bày ham luận “Quy định trong công tác quản lý, phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020” (Ảnh: Sỹ Tùng)
Nguyên tắc này dựa trên thứ tự ưu tiên từ giảm thiểu tới tái sử dụng sản phẩm thải bỏ, hoặc sửa chữa, nâng cấp để kéo dài thời gian sử dụng, tận dụng thành phần, linh kiện thải,… Theo đó, CTR được chia thành chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (không phải chi trả chi phí thu gom, vận chuyển); chất thải thực phẩm (được tận dụng, tái chế làm thức ăn chăn nuôi, phân hữu cơ vi sinh) và chất thải rắn sinh hoạt khác.
Theo quy định hiện nay, việc phân loại rác thải tại nguồn chậm nhất là trước này 31/12/2024. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại Công văn số 9368/BTNMT-KSONMT về việc hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt.
Lợi ích khi phân loại CTRSH: Tận dụng tối đa các thành phần có trong rác thải, áp dụng các phương pháp xử lý phù hợp với từng loại rác thải để tiết kiệm tài nguyên, chi phí cho xử lý chất thải; tiết giảm lượng chất thải phải xử lý; mang lại lợi ích cho chính chủ nguồn thải từ việc tận dụng chất thải tái chế và phân compost tự chế biến; góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường với việc giảm lưu lượng và nồng độ của nước rỉ rác, giảm lượng khí metan gây hiệu ứng nhà kính tại các bãi chôn lấp; giảm diện tích chôn lấp; góp phần giảm thiểu tổng lượng chất thải trong cộng đồng thải ra môi trường nhằm giảm tải cho môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý; Góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường.
Chia sẻ về kinh nghiệm của một số quốc gia về phân loại chất thải rắn sinh hoạt, TS. Vũ Văn Doanh, Phó Trưởng khoa Môi trường, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết tại Hàn Quốc, chính phủ đã triển khai chương trình phân loại rác từ năm 1995, bắt đầu ở các khu vực phát triển. Rác thải được phân loại vào ba loại túi đặc biệt: rác thông thường, rác tiêu hủy và rác thực phẩm.
Người dân mua túi rác tại siêu thị và chỉ được sử dụng trong địa phương đó. Túi rác có dung tích từ 5 đến 50 lít, tương ứng phí phải trả dao động từ 0,12 đến 1 USD, và 60% chi phí xử lý do chính quyền địa phương chi trả. Đối với rác cồng kềnh, người dân phải trả phí từ 10 đến 20 USD mỗi đơn vị. Vi phạm quy định phân loại hoặc không sử dụng túi theo yêu cầu sẽ bị phạt 100.000 won (khoảng 2 triệu đồng). Đáng chú ý, tỷ lệ rác tái chế tại Hàn Quốc đạt 60-70%, trong đó lợi nhuận từ thu gom bù đắp 30-40% chi phí xử lý, phần còn lại được chính phủ hỗ trợ.
TS. Vũ Văn Doanh, Phó Trưởng khoa Môi trường, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, chia sẻ kinh nghiệm của các nước trên thế giới về phân loại xử lý rác thải sinh hoạt (Ảnh: Sỹ Tùng)
Trong khi đó, Nhật Bản chú trọng vào giáo dục ý thức phân loại rác ngay từ nhỏ. Sách giáo khoa tiểu học tại quốc gia này có các bài học về các loại rác, cách thu gom và xử lý rác, và học sinh cũng tham gia dọn vệ sinh lớp học. Mỗi địa phương ở Nhật có hệ thống quản lý chất thải khác nhau. Người dân Nhật Bản phải phân loại, làm sạch rác theo hướng dẫn, và đảm bảo đổ rác đúng ngày với túi màu đúng quy định. Nếu không tuân thủ, rác sẽ bị trả về cho chủ nhà và người vi phạm sẽ bị xử phạt.
Tại Philippines, Chính phủ nước này hoàn thiện xây dựng hoàn thiện cở sở pháp lý trong việc xử lý rác thải từ những năm 2000. Theo Luật Cộng hòa 9003, các Cơ sở thu hồi vật liệu (MRF) ở mỗi khu vực được thàn lập. Chính phủ nước này cũng cấm đốt tấc cả các loại rác lộ thiên.
Phát biểu tại Diễn đàn, bà Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hà Nội đã trao đổi kinh nghiệm trong tuyên truyền vận động hội viên, phụ nữ Thủ đô thực hiện phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn hướng đến kinh tế tuần hoàn.
Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của phụ nữ và tổ chức Hội phụ nữ trong việc chủ động tham gia giải quyết những vấn đề về môi trường của Thành phố, trong nhiều năm qua, Hội LHPN Hà Nội đã chỉ đạo Hội LHPN các quận/huyện và cơ sở đổi mới các phương thức truyền thông nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ về bảo vệ môi trường; xây dựng được nhiều mô hình, cách làm hay có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng như: “Biến điểm chân rác thành vườn hoa phụ nữ tự quản”, “Đoạn đường/tuyến phố bích họa, nở hoa do phụ nữ tự quản”, “Đổi phế liệu lấy cây xanh”, “sạch đồng ruộng”, “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa dùng 1 lần”, “Thùng rác thân thiện”, gần đây là các mô hình “Phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình”; “Xử lý rơm rạ sau thu hoạch”; “Trạm rác văn minh”; “Ngôi nhà pin”….
Bà Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm trong tuyên truyền vận động hội viên, phụ nữ Thủ đô thực hiện phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn (Ảnh: Sỹ Tùng)
Không chỉ dừng ở việc tuyên truyền, phân loại, xử lý rác thải, để có thể khai thác triệt để hiệu quả từ rác thải, các cấp Hội phụ nữ Thủ đô đã linh hoạt, đổi mới các mô hình, cách làm hay, hướng tới thúc đẩy kinh tế tuần hoàn từ rác. Theo bà Lê Thị Thiên Hương, chất thải rắn sinh hoạt được phân loại và tận dụng triệt để giá trị sẽ là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, nếu khai thác tốt sẽ tạo ra nguồn thu để tái đầu tư tại địa phương, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, chất thải rắn sinh hoạt có thể trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào của lĩnh vực sản xuất khác. Tuy nhiên, việc triển khai, nhân rộng hiệu quả của các mô hình phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt hướng tới kinh tế tuần hoàn nói chung vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, khiến các mô hình chưa phát huy được hết giá trị.
Giới thiệu mô hình phân loại và xử lý chất thải hữu cơ bằng phương pháp sử dụng vi sinh bản địa IMO, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng ban Hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh cho biết: Hội đã triển khai mô hình phân loại và xử lý chất thải hữu cơ bằng vi sinh bản địa (IMO) tại địa phương nhằm góp phần bảo vệ môi trường.
Hội đã tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn phân loại rác tại các hộ gia đình và chuyển giao công thức tự làm men vi sinh IMO để xử lý chất thải hữu cơ sinh hoạt, khử mùi từ nước thải và phân chuồng trong chăn nuôi. Thôn Phú Dư, xã Quỳnh Phú được chọn làm mô hình điểm với chương trình "Phụ nữ phân loại và xử lý rác thải hữu cơ bằng vi sinh IMO" với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Ưu điểm của mô hình này cho phép người dân tự làm vi sinh IMO tại nhà với nguyên liệu sẵn có, chi phí thấp, và có nhiều ứng dụng như pha loãng làm dung dịch khử mùi hôi, sử dụng làm phân bón hữu cơ hoặc thuốc bảo vệ thực vật.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng ban Hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh giới thiệu mô hình phân loại và xử lý chất thải hữu cơ bằng phương pháp sử dụng vi sinh bản địa IMO (Ảnh: Sỹ Tùng)
Dựa trên thành công này, Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh đã nhân rộng mô hình trên toàn tỉnh với sự tham gia của 48.845 hộ gia đình (chiếm 24,1%) và 85 xã (tương đương 67,4% số xã) thành lập các tổ Phụ nữ triển khai phân loại và xử lý tại hộ gia đình. Để lan tỏa hiệu quả, các cấp Hội đã tổ chức 731 lớp tập huấn cho 131.580 người và 965 cuộc truyền thông về phân loại rác và kỹ thuật vi sinh IMO, tiếp cận 176.896 lượt người. Qua đó, 46.835 hộ gia đình hội viên (23%) đã thực hiện phân loại rác tại nguồn và sử dụng men vi sinh IMO. Nhiều cơ sở Hội được giao nhiệm vụ thành lập các tổ chuyên sản xuất vi sinh IMO để xử lý rác hữu cơ và các bãi rác tập trung, góp phần cải thiện môi trường địa phương.
Phụ nữ tiên phong phát triển kinh tế tuần hoàn
Trong phần thảo luận của Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung bàn luận sâu sắc về chủ đề “Phụ nữ tiên phong phát triển kinh tế tuần hoàn”. Phần trao đổi có sự tham gia của các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp: PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường; TS. Nguyễn Thị Phương Mai, Phó Viện trưởng Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo; ThS. Trần Thị Mỹ Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần nghiên cứu, đầu tư và phát triển xơ sợi tự nhiên Việt Nam và TS. Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường.
Các đại biểu tham gia thảo luận, trả lời các câu hỏi về chủ đề “Phụ nữ tiên phong phát triển kinh tế tuần hoàn" (Ảnh: Sỹ Tùng)
Mở đầu, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), đã có những chia sẻ sâu sắc về bối cảnh kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam hiện nay. Ông khẳng định rằng việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam có những thuận lợi nhất định, nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức.
Một trong những lợi thế lớn trong triển khai kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam là sự hỗ trợ mạnh mẽ từ khung pháp lý và các chính sách nhà nước. Các quy định như phân loại rác thải tại nguồn sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, và Việt Nam cũng đang thực hiện chính sách thu phí đối với các tổ chức, cá nhân xả thải, nhằm khuyến khích việc giảm thiểu và tái chế rác thải.
Các sáng kiến khuyến khích "kinh tế xanh" và dán nhãn "xanh" cho các sản phẩm thân thiện với môi trường cũng đang dần được áp dụng, tạo đòn bẩy cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi kinh tế tuần hoàn. Dù có nhiều thuận lợi từ chính sách và pháp lý, quá trình triển khai kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam vẫn đối diện với những khó khăn lớn, mà theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, đó là vấn đề về tài chính, công nghệ, và nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ nhận định phụ nữ đóng vai trò tiên phong, đặc biệt trong quản lý rác thải và tái chế, từ đó góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững. Ông cho rằng, phụ nữ không chỉ đóng góp vào việc duy trì môi trường xanh, sạch đẹp mà còn là lực lượng lao động thiết yếu trong ngành tái chế và phân loại rác thải, đặc biệt khi phân loại tại nguồn sắp trở thành bắt buộc vào năm 2025. Ông mong muốn, Hội Liên hiệp Phụ nữ và các hội viên tiếp tục đi đầu, tạo động lực cho cộng đồng thực hiện phân loại rác thải.
Các ấn phẩm tuyên truyền về phân loại xử lý rác thải rắn sinh tại nguồn cũng được giới thiệu tại Diễn đàn (Ảnh: Sỹ Tùng)
TS. Nguyễn Thị Phương Mai chia sẻ về mối tương quan giữa việc phân loại rác thải sinh hoạt và phát triển kinh tế tuần hoàn. Bà khẳng định rằng phụ nữ là động lực chính trong công tác quản lý rác thải gia đình, đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các hành động bền vững. Theo bà, phụ nữ không chỉ tham gia trực tiếp vào hoạt động tái chế mà còn tiên phong thực hiện, giám sát các thành viên trong gia đình về xử lý rác.
Với vai trò chủ chốt trong chi tiêu, phụ nữ cũng có thể tạo ra sự thay đổi tích cực khi ưu tiên sản phẩm thân thiện với môi trường. TS. Mai cũng đề xuất các cơ quan quản lý cần tạo điều kiện để doanh nghiệp nữ tiếp cận nguồn vốn công bằng hơn, đồng thời nâng cao năng lực thông qua các khóa đào tạo, hỗ trợ để phát triển chuỗi kinh tế tuần hoàn.
Từ góc độ doanh nghiệp, ThS. Trần Thị Mỹ Hải đã chia sẻ dự án nghiên cứu và phát triển xơ sợi từ lá dứa - một bước đột phá hướng đến thời trang xanh cao cấp. ThS. Trần Thị Mỹ Hải cho biết Việt Nam hiện có hàng nghìn tấn xơ dứa bị bỏ phí mỗi năm, tạo ra tác động tiêu cực đến môi trường. Dự án của bà không chỉ tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường mà còn mở ra cơ hội tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, bà mong muốn có sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước để thu mua nguồn xơ dứa và phát triển nhà máy sản xuất xơ bông hóa.
Diễn đàn cũng là dịp cho các doanh nghiệp giới thiệu những sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường tới các hội viên phụ nữ (Ảnh: Sỹ Tùng)
Trong buổi tọa đàm, TS. Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, đã có những chia sẻ quan trọng về vai trò của báo chí và truyền thông trong việc nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng về phân loại rác sinh hoạt tại nguồn để bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của phụ nữ.
TS. Đào Xuân Hưng nhấn mạnh rằng Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, cùng với các cơ quan báo chí khác, đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc truyền thông lan tỏa các tấm gương phụ nữ điển hình trong công tác bảo vệ môi trường, và các hoạt động phân loại chất thải tại nguồn.
Tổng biên tập Tạp chí và Môi trường chỉ rõ rằng, thông qua báo chí, những hành động cụ thể về bảo vệ môi trường, những điển hình của phụ nữ trong việc giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp và nhiều mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn thành công đã được đưa tin rộng rãi, giúp thúc đẩy ý thức cộng đồng. Ví dụ như tại Hà Nội, mô hình "Con đường phụ nữ tự quản" đã trở thành một biểu tượng của nỗ lực bảo vệ môi trường, góp phần lan tỏa văn hóa giữ gìn vệ sinh công cộng và trách nhiệm xã hội.
Ngoài ra, TS. Đào Xuân Hưng còn đề cập đến một điểm đáng chú ý là việc báo chí có trách nhiệm không chỉ trong việc nêu gương mà còn trong việc phê phán và phản ánh những hành vi vi phạm môi trường. Ông lấy ví dụ về tình trạng đổ rác thải, vật liệu phế thải, thậm chí đổ trộm tại một số khu vực công cộng.
Nhờ vào sự lên tiếng mạnh mẽ của báo chí, hiện tượng này đã được cải thiện đáng kể, và các khu dân cư, trong đó có nhiều phụ nữ, đã chung tay thu dọn và quản lý vệ sinh môi trường tốt hơn. Bên cạnh đó, TS. Hưng chia sẻ về một số sự kiện tiêu biểu mà Tạp chí đã tổ chức để thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế tuần hoàn như Diễn đàn Môi trường lần thứ III - Năm 2024, với chủ đề: “Quản lý chất thải rắn sinh hoạt và vai trò của doanh nghiệp” được tổ chức hồi tháng 6/2024 với sự tham gia của nhiều đại diện từ 63 tỉnh, thành, cùng các mô hình tiên tiến trong việc phân loại rác và tái chế.
TS. Đào Xuân Hưng cho rằng, nhờ có những diễn đàn như vậy, sẽ góp phần truyền thông nâng cao ý thức cộng đồng về kinh tế tuần hoàn, đặc biệt trong các cấp Hội Phụ nữ, đã được nâng cao rõ rệt. “Thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, là yếu tố cơ bản để bảo vệ môi trường và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên từ chất thải để thực hiện chu trình phát triển kinh tế tuần hoàn đảm bảo phát triển bền vững. Để làm tốt được việc đó cần sự chung tay của cả cộng đồng, trong đó vai trò của phụ nữ là yếu tố quan trọng việc phân loại rác tại nguồn và tuyên truyền nâng cao nhận thức, hành động tham gia tích cực của mỗi người dân trong việc bảo vệ môi trường sống”, TS. Đào Xuân Hưng nhấn mạnh.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Diễn đàn (Ảnh: Sỹ Tùng)
Diễn đàn đã khẳng định vai trò tiên phong của phụ nữ trong công cuộc bảo vệ môi trường, không chỉ là người vận động mà còn là người trực tiếp thực hiện và hướng dẫn các hành động bảo vệ môi trường ngay từ trong gia đình. Thông qua những chia sẻ quý giá từ các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp, có thể thấy rằng phụ nữ đang, và sẽ tiếp tục là lực lượng nòng cốt trong quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn bền vững của Việt Nam.
Ngọc Huyền/tainguyenvamoitruong.vn