
Tây Hồ là một thắng cảnh, địa danh văn hóa lịch sử nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội - Ảnh minh họa
Vùng đất Tây Hồ luôn hiện lên với những giá trị văn hóa lịch sử đặc sắc, là mảnh đất "rồng thiêng hội tụ" với thế đất "long phượng trình tường, phượng hoàng ẩm thủy", là trung tâm của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, là một thắng cảnh, địa danh văn hóa lịch sử nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội.
Hiện nay, hồ Tây đang là một thắng cảnh, địa danh văn hóa lịch sử nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội gắn liền với diện tích mặt nước rộng lớn 526 ha, với 71 di tích lịch sử văn hóa đặc sắc xung quanh Hồ như: Chùa Trấn Quốc, Chùa Kim Liên, Phủ Tây Hồ, Đền Đồng Cổ, Đền Voi Phục... Bên hồ Tây còn có nhiều làng nghề nổi tiếng từ xa xưa như nghề làm giấy Dó ở An Thái Bưởi, làng đào Nhật Tân, quất Tứ Liên, xôi Phú Thượng, trà sen Quảng An... Những hệ giá trị khác nhau về cảnh quan, kiến trúc, lịch sử, văn học… đã nâng tầm hồ Tây như một Báu vật Quốc gia, gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của Kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay.
Với bề dày truyền thống lịch sử, Tây Hồ mang trong mình nhiều giá trị văn hóa không chỉ có di sản vật thể là các công trình di tích với kiến trúc đặc sắc mà còn rất nhiều di sản văn hóa phi vật thể độc đáo. Năm 2024, "Nghề Xôi Phú Thượng", "Nghề ướp trà sen Quảng An" và "Nghề trồng đào Nhật Tân" cũng đã được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Xôi Phú Thượng, Trà Sen Quảng An giờ đây không chỉ "vang danh" trong đời thường, mà còn được góp mặt trong những lễ khánh tiết quan trọng mang tầm vóc quốc gia. Cành hoa đào Nhật Tân – biểu tượng của mùa xuân xứ Bắc đã tới với mọi miền Tổ quốc. Đồng thời, Lễ hội Đình Nhật Tân cũng đang được đề xuất công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Năm 2024, Quận Tây Hồ cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Sở Văn hóa và Thể thao, với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nhà khoa học, đã thành công đề xuất Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia đối với Đôi rồng đá thành bậc Đình Trích Sài. Những nỗ lực trong bảo tồn và nâng tầm giá trị di sản của Quận Tây Hồ bước đầu đã có những kết quả tích cực, là tiền đề cho việc phát huy giá trị di sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội quận.
Theo Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND Quận Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng, Quận Tây Hồ xác định cần phải nâng tầm giá trị di sản và phát huy giá trị của di sản để phát triển văn hóa, thúc đẩy sự quan tâm của người dân với văn hóa.
Trên cơ sở đó, quận Tây Hồ đã chỉ đạo xây dựng và thực hiện các đề án phát triển kinh tế gắn với phát triển du lịch trên nền tảng di sản văn hóa như: Đề án "Khôi phục, phát triển trồng cây sen trên một số hồ nhỏ xung quanh khu vực Hồ Tây" với 7.000 cây giống sen Bách diệp đã được gieo xuống 7ha của hồ Đầu Đồng và hồ Thủy Sứ. Mùa Sen bách diệp ở hồ Tây năm 2024 đã nở rộ rực rỡ, thu hút đông đảo người dân đến chiêm ngưỡng, tạo tiền đề tổ chức Lễ hội Sen Hà Nội lần đầu tiên năm 2024 thành công tốt đẹp, thu hút gần 50.000 lượt người tới tham quan, mua sắm.
Các đề án phát triển làng nghề hoa đào Nhật Tân, quất cảnh Tứ Liên gắn với phát triển dịch vụ du lịch được triển khai thực hiện đồng bộ với việc quy hoạch, đầu tư nâng cấp hạ tầng kĩ thuật vùng trồng đào, quất; định kỳ hàng năm tổ chức Hội thi "Tinh hoa nghệ thuật Hoa Đào, Quất cảnh" và Lễ hội hoa Xuân vào dịp trước Tết Nguyên đán ngày càng thu hút đông đảo người dân và du khách đến thăm quan, mua sắm.
Các sự kiện văn hóa đặc sắc thời gian qua diễn ra tại quận Tây Hồ đều nhận được sự quan tâm, ủng hộ, ghi nhận tích cực của đông đảo nhân dân, giới văn nghệ sỹ sinh sống trên địa bàn. Mỗi sự kiện đều giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước những nét văn hóa đặc sắc riêng của mảnh đất và con người Tây Hồ, với điểm nhấn đặc biệt. Qua đó khơi dậy được lòng tự hào, khát vọng cống hiến, tình yêu Tây Hồ, thúc đẩy mỗi người chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động chung xây dựng và phát triển quận.
Đầu năm 2025, quận Tây Hồ vinh dự được UBND Thành phố Hà Nội lựa chọn là địa điểm tổ chức chương trình "Hoà nhạc ánh sáng - Chào năm mới 2025" là chương trình nghệ thuật được đầu tư công phu, kết hợp giữa công nghệ ánh sáng hiện đại và di sản âm nhạc truyền thống, được tổ chức tại không gian văn hóa đặc biệt Hồ Tây. Đây là sự kiện mở màn Lễ hội ánh sáng Quốc tế Hà Nội (Hanoi International Light Festival 2025) và được kỳ vọng sẽ trở thành sự kiện thường niên được công chúng chờ đón.
Cùng với định hướng của Thành ủy Hà Nội về việc đưa văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh và đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn quyết định sự phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô, Tây Hồ cũng mang một khát vọng lớn lao về việc xây dựng Quận trở thành một Trung tâm văn hóa dịch vụ du lịch mới của Thủ đô và phát triển công nghiệp văn hóa xứng tầm với những giá trị, tiềm năng sẵn có của quận. Khát vọng đó từng bước được khơi dậy, truyền cảm hứng và hiện thực hóa bằng những chương trình, hành động cụ thể, mang dấu ấn đặc sắc riêng của quận Tây Hồ.
Theo Chinhphu