TECHFEST MEKONG 2022: “Khát vọng vùng đất Chín Rồng”

Thứ tư, 19/10/2022 - 14:47

TNV - Ngày 19-20/10 tại Cần Thơ đã diễn ra Ngày hội khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Vùng ĐBSCL - TECHFEST Mekong 2022 với chủ đề “Khát vọng vùng đất Chín Rồng” dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, Bộ Khoa học và Công nghệ, được tổ chức bởi Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ (Sở KH&CN), Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Cục PTTTDN), Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, Văn phòng Đề án 844, Chi nhánh VCCI tại Cần Thơ, với sự đồng hành truyền thông Vàng của Tập đoàn Qualcomm Việt Nam, các Làng công nghệ quốc gia, các nhóm khởi nghiệp cùng một số đại diện đại sứ quán, đại biểu trong, ngoài tỉnh tại Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc.

Khai mạc Ngày hội khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Vùng ĐBSCL - TECHFEST Mekong 2022 với chủ đề “Khát vọng vùng đất Chín Rồng”

Mệnh danh là “Vùng đất Chín Rồng” – ĐBSCL là vùng đất giữ vị thế hết sức quan trọng cả về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, trong giao thương với các nước ASEAN và tiểu vùng sông Mekong. ĐBSCL có rất nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, trở thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, sớm tiếp cận nền kinh tế thị trường. Đồng thời, vùng có nhiều thế mạnh để hoạt động khoa học và công nghệ phát triển, liên kết trong nghiên cứu và ứng dụng, tạo nên những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao.

Với thông điệp “Khát vọng vùng đất Chín Rồng” TECHFEST Mekong 2022 lan tỏa khát vọng vươn lên từ một vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên; đặc biệt chính những người dân ĐBSCL – những chủ thể sáng tạo muốn vươn lên khẳng định mình với ý chí chinh phục trở ngại để phát huy những giá trị vượt trội của ĐBSCL thông qua hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đồng thời, mong muốn biến khát vọng thành hành động thiết thực và hiệu quả, biến tiềm lực thành nguồn lực để phát triển; thúc đẩy sự sáng tạo trong tư duy, bứt phá trong hành động tiến đến nâng tầm vị thế các sản phẩm/dịch vụ ĐMST Vùng ĐBSCL trên trường quốc tế.

Công bố dự án hỗ trợ doanh nghiệp nhượng quyền tăng tốc và vươn ra toàn cầu

Nằm trong khuôn khổ của sự kiện, Diễn đàn khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng Sông Cửu Long là một trong các hoạt động quan trọng diễn ra ngay sau Lễ khai mạc Ngày hội, với sự đồng hành của Tập đoàn Qualcomm Việt Nam. Diễn đàn với sự quy tụ của các lãnh đạo, chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm trong đổi mới sáng tạo hướng tới tập trung phát triển thế mạnh sẵn có của vùng ĐBSCL, từ đó đưa ra những gợi mở, giải pháp mới đáp ứng yêu cầu của bối cảnh. Đồng thời, Diễn đàn cũng thúc đẩy phát triển đổi mới sáng tạo mở từ khu vực tư nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Vùng ĐBSCL tạo cơ hội giao lưu, bày tỏ quan điểm của đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, Tập đoàn trong nước và quốc tế, các chuyên gia xoay quanh chủ đề của buổi tọa đàm.

Mở đầu là bài tham luận của Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN TP. HCM về “Phát triển liên kết vùng trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐBSCL: Thực tiễn và một số giải pháp chiến lược”; Ông Martin Kim - Giám đốc Shinhan Future’s Lab Việt Nam với chủ đề về “ĐMST mở, kinh nghiệm thực tiễn và một số gợi mở”; Tiếp theo Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo - Giám đốc Phát triển kinh doanh cấp cao, Tập đoàn Qualcomm, chia sẻ về “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam thông qua các lĩnh vực trọng điểm” như 5G-6G, IoT, trí tuệ nhân tạo, nhân lực công nghệ số .v.v..; và Bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư thiên thần Đông Nam Á với câu chuyện “Góc nhìn thị trường toàn cầu - Những điều startup Mekong cần để vươn ra biển lớn”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo – Giám đốc Phát triển kinh doanh cấp cao, Tập đoàn Qualcomm chia sẻ tham luận tại Diễn đàn

Một số chủ đề được thảo luận giữa của các lãnh đạo, chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm về đổi mới sáng tạo trong Tọa đàm Phá băng 2, thuộc Diễn đàn:

Ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục PTTTDN chia sẻ góc nhìn về hướng tiếp cận và cách thức vận hành, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST vùng với Cần Thơ là hạt nhân của vùng ĐBSCL, từ đó gợi mở sáng kiến phát triển mạng lưới chuyên gia dẫn dắt khởi nghiệp sáng tạo ở địa phương gắn với ĐMST mở từ Hợp tác xã, doanh nghiệp SMEs…Và ông cho rằng, đào tạo về tư duy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là vấn đề cần ưu tiên cho phát triển khoa học công nghệ của vùng, đồng thời cần kết nối con người với con người phát triển hệ sinh thái Vùng DBSCL và kinh tế - xã hội.

Ông Ngô Anh Tín – Giám đốc Sở KH&CN Cần Thơ chia sẻ về những khó khăn, điểm nghẽn trong phát triển KHCN và ĐMST của địa phương và nhu cầu từ thực tiễn trong phát triển khởi nghiệp ĐMST giai đoạn tới;

Bà Nguyễn Thị Thương Linh – Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Cần Thơ  với câu chuyện tầm quan trọng trong phát triển khoa học công nghệ và ĐMST liên ngành/đa ngành để phát huy tối đa thế mạnh vùng. Bà cũng chia sẻ thêm hiện ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức to lớn như kinh tế suy thoái, chịu tác động nặng nề của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, đồng thời khả năng hấp thụ công nghệ và tư duy ĐMST của các doanh nghiệp SMEs trong vùng còn hạn chế. Vì vậy bà mong muốn trong những chính sách đưa ra, cần có những chính sách ưu tiên làm bàn đạp để vùng thúc đẩy kinh tế, phát triển công nghệ.

Các diễn giả tham gia Tọa đàm.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo – Giám đốc Phát triển kinh doanh cấp cao, Tập đoàn Qualcomm sẽ đưa ra những nhận định về nguồn nhân lực, kinh nghiệm từ tập đoàn trong quản trị và vận hành doanh nghiệp khởi nghiệp, dự đoán xu hướng/tốc độ phát triển trong thời gian tới và lời khuyên cho hoạt động phát triển doanh nghiệp. Cụ thể, trong thế giới di dộng, chúng ta mất tới 10 năm để phát triển 1G, tuy nhiên, với tốc độ phát triển công nghệ như hiện nay, bà tin rằng việc phát triển lên 5G,6G sẽ nhanh hơn rất nhiều. Đồng thời bà cũng hy vọng các doanh nghiệp của vùng tham gia QVIC để cùng với sự giúp đỡ của Qualcomm có bước phát triển vững chắc.

Ông Martin Kim - Giám đốc Shinhan Future’s Lab Việt Nam chia sẻ về hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam trong nhiều năm thông qua các chương trình thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST tại nhiều địa phương nói chung và Cần Thơ nói riêng. Với Shinhan Future's Lab, ông cho rằng Cần Thơ là một trong những điểm đến lý tưởng với những hoạt động nông nghiệp, thuỷ sản sôi nổi và nền tảng cơ sở hạ tầng cơ bản cùng những nét đặc trưng khác biệt. Ông Martin Kim cũng gợi ý việc phát triển chuỗi cung ứng là một vấn đề quan trọng, cần trả lời những câu hỏi cung cấp từ đâu đến đâu, cung cấp thế nào và làm sao có thể mở rộng thị trường tiềm năng? Đi cùng vấn đề chuỗi cung ứng thì vấn đề về giao thông và logistic cũng rất quan trọng.

Ông Huỳnh Kim Tước – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN TP. HCM  đưa ra gợi ý sáng kiến về phát triển trung tâm ĐMST lấy thành phố Cần Thơ là hạt nhân trung tâm, cùng các địa phương khác liên kết phát triển các lĩnh vực thế mạnh.

Thanh Niên