
Mỗi thôn chọn một khu rừng nguyên sinh để làm lễ cúng rừng. (Ảnh tư liệu dùng để minh họa).
Rừng không chỉ là nguồn sống, nơi chở che, mà còn trở thành người bạn lớn tâm giao
Theo kiến giải của người dân địa phương, nguyên nhân cốt lõi để người Mông Nà Hẩu có tục Cúng rừng (hay còn gọi là Tết rừng) vào các dịp đầu năm là bởi, Nà Hẩu là xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu và là nơi định cư lâu đời của các dòng họ người Mông. Trong điều kiện xa xôi, tách biệt, giao thông đi lại vô cùng khó khăn đó, đời sống sinh kế của bao thế hệ đồng bào Mông nơi đây càng trở nên phụ thuộc vào rừng và môi trường thiên nhiên. Rừng không chỉ là nguồn sống, nơi chở che, mà còn trở thành người bạn lớn tâm giao hàng ngày với người Mông Nà Hẩu ở chốn thâm sơn cùng cốc này.
Cho nên Tết rừng đã có từ khi người Mông Nà Hẩu di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian, tạo ra sắc thái văn hóa riêng của người Mông nơi đây. Theo truyền thống thì Tết rừng Nà Hẩu sẽ được tổ chức vào ngày âm lịch cuối cùng của tháng Giêng hàng năm. Vào ngày đó, cả 3 thôn của xã (gồm: Thôn Ba Khuy, thôn Trung Tâm và thôn Bản Tát) đều lựa chọn cho mình một cánh rừng nguyên sinh thuộc thôn để tổ chức lễ cúng.

Người Mông xã Nà Hẩu chuẩn bị lễ vật làm Tết cúng rừng. (Ảnh tư liệu dùng để minh họa)

Ăn Tết rừng cùng đồng bào Mông xã Nà Hẩu. (Ảnh tư liệu dùng để minh họa)
Những năm gần đây, Tết rừng được huyện Văn Yên chú trọng đẩy mạnh đầu tư và tuyên truyền, nhằm lan tỏa phong tục biết ơn rừng, ý thức giữ gìn rừng nguyên sinh của người Mông xã Nà Hẩu nói riêng và nhân dân huyện Văn Yên nói chung. Đồng thời, quảng bá nhân rộng phát triển nét đẹp văn hóa cộng đồng các dân tộc, thu hút khách du lịch thăm quan rừng sinh thái, khám phá sự kỳ thú của cánh rừng nguyên sinh, thưởng thức các sản phẩm ẩm thực của người dân làm ra, từ đó tạo điều kiện phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái bền vững.
Ông Lê Thành Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: Năm nay "Tết rừng" của đồng bào Mông xã Nà Hẩu được tổ chức từ ngày 26/2 - 27/2/2025 (tức ngày 29 – 30 tháng Giêng năm Ất Tỵ) tại xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên. Đặc biệt hơn, khi năm nay "Tết rừng" hay "Lễ cúng rừng của người Mông, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái" vinh dự được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công bố Quyết định và trao chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nhiều hoạt động thú vị, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân và du khách gần xa
Cũng theo Phó Chủ tịch huyện Lê Thành Hùng, Lễ công bố Quyết định và trao chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Lễ cúng rừng của người Mông, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái diễn ra vào lúc 20h00’, ngày 26/2/2025 (ngày 29 tháng Giêng năm Ất Tỵ), tại sân vận động xã Nà Hẩu. Sau lễ công bố là chương trình nghệ thuật đặc sắc, với chủ đề "Âm vang núi rừng - sáng bừng Nà Hẩu", và màn bắn pháo hoa kết thúc chương trình.
Về nghi lễ cúng rừng, bắt đầu từ 08h00’, ngày 27/2/2025 (ngày 30 tháng Giêng năm Ất Tỵ), tại 03 điểm cúng rừng truyền thống của xã Nà Hẩu (thôn
Trung Tâm, thôn Bản Tát, thôn Ba Khuy). Kết thúc lễ cúng, du khách sẽ được trải nghiệm ăn Tết rừng cùng đồng bào dân tộc Mông.

Không khi vui chơi lễ hội rộn ràng ở các bản Mông. (Ảnh tư liệu dùng để minh họa)

Bà con địa phương cùng lực lượng Kiểm lâm tuần tra bảo vệ những cánh rừng nguyên sinh - nguồn sống, nơi chở che, và là người bạn lớn tâm giao hàng ngày với người Mông Nà Hẩu ở chốn thâm sơn cùng cốc này. (Ảnh tư liệu dùng để minh họa).
Được biết, bên cạnh những sự kiện chính còn nhiều hoạt động thú vị khác, hứa hẹn sẽ thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân và du khách gần xa, như: Đêm hội đại ngàn với chủ đề "Cùng say giữa đại ngàn", diễn ra vào lúc 21h30’, ngày 26/2/2025 (ngày 29 tháng Giêng năm Ất Tỵ); "Giải chạy khám phá giữa đại ngàn", bắt đầu từ 07h30’, ngày 26/2/2025 (ngày 29 tháng Giêng năm Ất Tỵ); Tổ chức thi đấu và biểu diễn các trò chơi dân gian, tiết mục văn hóa văn nghệ của người Mông, từ 8h00’, ngày 26/2/2025 đến 16h00’, ngày 27/2/2025; Tổ chức Chợ quê người Mông với chủ đề "Chợ phiên giữa đại ngàn", với quy mô 20 gian hàng, trong 02 ngày, ngày 26-27/02/2025, tại sân vận động xã Nà Hẩu.
Tiếp đến là các hoạt động tham quan, du lịch: Mô hình rèn cơ khí truyền thống của người Mông tại gian hàng chợ quê; mô hình thêu thổ cẩm trang phục người Mông tại hộ gia đình bà Mua Thị Sâu, Giàng Thị Dở (thôn Bản Tát); trải nghiệm hoạt động bắt ốc tại hộ gia đình ông Giàng A Châu và bà Ly Thị Dua. Thăm quan, trải nghiệm các điểm du lịch: Săn mây đỉnh Ba Khuy; thác
Bản Tát, thác Tiên, Hang Dơi, Hang Vàng, rừng nguyên sinh. Thăm quan, trải nghiệm thưởng thức các món ẩm thực: cá tầm, gà đen, lợn bản địa, ốc dạ, rau dớn, rau cải, rau đắng – sản phẩm của người Mông Nà Hẩu tại các gian hàng chợ quê. Thăm quan, trải nghiệm thưởng thức các tiết mục dân ca, dân vũ của người Mông: kèn môi, kèn lá, múa khèn, múa gậy sênh tiền, hát đối (tại khu vực đối diện điểm lên cúng rừng thôn Bản Tát).
Phạm Quỳnh
Ảnh: do Hạt Kiểm lâm huyện Văn Yên cung cấp