TNV - Từ vị trí thứ 18 về thu hút vốn đầu từ nước ngoài (FDI) vào cuối năm 2022, tỉnh Thái Bình đã bứt phá ngoạn mục vươn lên vị trí thứ 5 toàn quốc và gia nhập vào nhóm “tỷ đô” về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2023, Thái Bình cũng đạt nhiều kết quả nổi bật khác, trong đó GRDP tăng 7,37% - tăng gấp 1,5 lần so với bình quân chung của cả nước, xếp thứ 7/11 tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 20/63 tỉnh, thành phố.
Theo đó, năm 2022 tỉnh Thái Bình thu hút 308 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, thì năm 2023 con số này cán mốc 2,79 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay và xếp thứ 5 toàn quốc. Cùng đó, thu hút vốn đầu tư của tỉnh đạt 98.256,6 tỷ đồng, gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm 2022. Năm 2023 cũng là năm thứ hai liên tiếp tỉnh Thái Bình vượt mốc 1.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.
Ông Ngô Đông Hải (Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình) trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dư án Điện khí LNG 1,99 tỷ USD với sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Đây là kết quả của việc tỉnh Thái Bình đã tổ chức thành công nhiều sự kiện, hoạt động để quảng bá, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm: Ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Bộ Y tế, Công ty cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP), Tổng công ty Nhà đất Hàn Quốc (LH); các hội nghị kết nối cung cầu, hội thảo xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Việt Nam - Hàn Quốc; tổ chức thành công các đoàn công tác của tỉnh đi xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Úc, Vương quốc Anh,...
Đặc biệt, Chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day”, với sự có mặt của Ngài Cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam và các tổ chức, doanh nghiệp của Hàn Quốc tại Việt Nam là sự kiện mang tầm vóc quốc tế, để lại tiếng vang lớn, nâng tầm vai trò, vị thế và hình ảnh của tỉnh, góp phần quảng bá môi trường đầu tư tiềm năng, thân thiện, tin cậy của tỉnh đến bạn bè trong và ngoài nước.
Theo thông tin từ Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, cùng với điểm sáng về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, còn có 8 kết quả nổi bật khác của tỉnh đạt được trong năm 2023.
Kinh tế của tỉnh tăng gấp 1,5 lần bình quân chung cả nước
Đó là, tổng sản phẩm (GRDP, theo giá so sánh năm 2010) trên địa bàn tỉnh ước đạt 67.948 tỷ đồng, tăng 7,37% so với năm 2022 (tăng gấp 1,5 lần so với bình quân chung của cả nước, xếp thứ 7/11 tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 20/63 tỉnh, thành phố). Năm 2023 là năm đầu tiên cơ cấu công nghiệp và xây dựng tăng, chiếm 45% cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục nằm trong tốp dẫn đầu cả nước.
Chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day”, với sự có mặt của Ngài Cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam và các tổ chức, doanh nghiệp của Hàn Quốc tại Việt Nam.
Để có được kết quả trên, ngay từ đầu năm, tỉnh đã thành lập nhiều Tổ công tác, Ban Chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, như: Thành lập Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Tổ trưởng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; Ban Chỉ đạo thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh; 03 Tổ công tác chỉ đạo giải quyết các công việc còn tồn tại, vướng mắc do 03 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Tổ trưởng; Tổ công tác hỗ trợ triển khai dự án nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình; tổ chức Đoàn công tác của tỉnh làm việc với 05 huyện về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân đầu tư công và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh.
Tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư sản xuất, kinh doanh các doanh nghiệp. Năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh nhận được 350 kiến nghị của các cơ quan, doanh nghiệp, kịp thời rà soát, trực tiếp giải quyết 139/350 đề xuất, kiến nghị tại các cuộc làm việc; chỉ đạo các sở, ngành giải quyết xong 170/350 đề xuất, kiến nghị.
Khu Kinh tế Thái Bình thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, trở thành động lực phát triển kinh tế của tỉnh.
Cũng trong năm vừa qua, tỉnhchỉ đạo hoàn thành nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh bảo đảm chất lượng, khoa học, có tầm nhìn dài hạn, nhiều định hướng, đột phá, phát triển mới và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Công tác lập, quản lý quy hoạch, chỉnh trang, phát triển đô thị được quan tâm chỉ đạo và có nhiều chuyển biến rõ nét, giải quyết được nhiều điểm nghẽn, nút thắt, hoàn thành một số công trình quan trọng góp phần thay đổi diện mạo đô thị, mở rộng không gian, tạo điểm nhấn cảnh quan kiến trúc văn minh và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân trên địa bàn thành phố (Công viên Kỳ Bá, Hồ Ty Rượu, đường Ngô Quyền, đường Đinh Tiên Hoàng,...).
Hoàn thành thủ tục và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình (CT.08) theo phương thức đối tác công; chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm như: tuyến đường bộ ven biển, đường ĐT.454 (đường 223 cũ) từ Thành phố đi cầu Sa Cao và thị trấn Hưng Hà,…
Đồng thời, lựa chọn, triển khai 25 dự án phát triển nhà ở với tổng mức vốn đầu tư trên 22.600 tỷ đồng. Hoạt động thương mại - dịch vụ duy trì ổn định; thị trường hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người dân.
Khu Kinh tế Thái Bình được tập trung xây dựng và trở thành động lực phát triển kinh tế của tỉnh
Về tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản và xây dựng nông thôn mới: Cả2 vụ lúa đều được mùa, năng suất lúa giữ ổn định đạt khoảng 131tạ/ha/năm, sản lượng đạt khoảng 1 triệu tấn/năm. Chăn nuôi, thủy sản phát triển ổn định. Toàn tỉnh hiện có 741 tàu cá với công suất 101.862 KW, số tàu lắp máy giám sát hành trình đạt 98,9%. Năm 2023, toàn tỉnh có 34 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 179 sản phẩm OCOP (gồm 48 sản phẩm đạt 4 sao và 131 sản phẩm xếp hạng 3 sao); các chương trình, mô hình, cơ chế chính sách về hỗ trợ, phát triển nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả.
Năm 2023, cả2 vụ lúa của tỉnh đều được mùa, năng suất lúa giữ ổn định đạt khoảng 131tạ/ha/năm, sản lượng đạt khoảng 1 triệu tấn/năm
Khu Kinh tế Thái Bình được tập trung xây dựng và trở thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh; thu hút nhiều nhà đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp trong Khu Kinh tế (Công ty Cổ phần Green i-Park đầu tư Khu công nghiệp Liên Hà Thái; Công ty cổ phần Viglacera đầu tư Khu công nghiệp Tiền Hải; Công ty Bảo Minh đầu tư Khu công nghiệp Hải Long; Công ty cổ phần VSIP đầu tư Khu công nghiệp Tân Trường,...).
Các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế và các khu công nghiệp được tích cực đẩy mạnh. Lũy kế đến năm 2023, tổng số có 333 dự án đầu tư vào Khu Kinh tế và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hiệu lực, với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 187.631 tỷ đồng. Trong đó gồm: 250 dự án đầu tư trong nước (chiếm 75% tổng số dự án) với số vốn đầu tư đăng ký 88.081 tỷ đồng (chiếm 47% tổng vốn đăng ký); 83 dự án đầu tư nước ngoài (chiếm 25% tổng số dự án) với số vốn đầu tư đăng ký 99.530 tỷ đồng, tương đương 4,3 tỷ USD (chiếm 53% tổng vốn đăng ký).
Là tỉnh đứng tốp đầu toàn quốc về hoạt động an sinh xã hội
Tình hình sức khỏe của Nhân dân được cải thiện, chất lượng dân số từng bước nâng lên, nhiều chỉ số sức khỏe đạt ở mức cao so với bình quân chung cả nước; tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư y tế cơ bản được khắc phục.
Chất lượng giáo dục đào tạo được nâng cao; duy trì ổn định quy mô và chất lượng các cấp học. Năm 2023, tỉnh Thái Bình đã được công nhận đạt phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở mức độ 3 và xoá mù chữ mức độ 2. Hằng năm, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông và đỗ các trường đại học, cao đẳng xếp trong tốp đầu toàn quốc; học sinh giỏi quốc gia duy trì ổn định ở mức cao.
Các hoạt động văn hóa có nhiều khởi sắc; nhiều sự kiện quan trọng được tổ chức thực hiện, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong Nhân dân và hiệu ứng lan tỏa tốt đẹp, nâng cao hình ảnh, vị thế của tỉnh Thái Bình đặc biệt là Chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day”.
Thái Bình đứng tốp đầu toàn quốc về hoạt động an sinh xã hội. Trong ảnh: Bí thư Tỉnh ủy thăm, tặng quà thương binh hạng 1/4 Nguyễn Duy Tơn - TP Thái Bình.
Công tác lao động, việc làm và an sinh xã hội được quan tâm, chỉ đạo sâu sát, hiệu quả - là tỉnh đứng tốp đầu toàn quốc về hoạt động an sinh xã hội.
Nhiều chỉ số cải cách hành chính năm 2022 tăng điểm và tăng bậc so với năm 2021 (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp hạng 28/63 tỉnh, thành phố, tăng 19 bậc; chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, tăng 07 bậc; chỉ số sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp về sự phục vụ hành chính (SIPAS) xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố, tăng 27 bậc).
Công tác quốc phòng, quân sự được tăng cường; an ninh chính trị được giữ vững; trật tự xã hội, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ được bảo đảm: Duy trì thành tích 11 năm liên tục không có tiếng pháo nổ trong đêm Giao thừa. Thái Bình là một trong 19 tỉnh, thành phố đã hoàn thành chỉ tiêu cấp căn cước công dân trước thời hạn. Tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ thành phố Thái Bình, huyện Đông Hưng, huyện Quỳnh Phụ, Sở Công thương; diễn tập chiến đấu cho 104 xã, phường, thị trấn trong tham gia diễn tập tác chiến phòng thủ Quân khu 3; công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ bảo đảm đủ chỉ tiêu, an toàn, đúng luật.
Phạm Quỳnh
(Nguồn ảnh: Internet)