Thái Bình: Kinh tế tăng trưởng khá, tạo được những dấu ấn nổi bật

Thứ năm, 08/10/2020 - 14:29

TNV - Nhìn lại chặng đường 5 năm qua,trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức nhất là những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và bệnh Dịch tả lợn Châu phi gây ra đã tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Nhưng Đảng bộ, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh Thái Bình đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, kinh tế tăng trưởng khá và toàn diện các lĩnh vực, đạt được nhiều kết quả nổi bật – Thông cáo báo chí của Tỉnh ủy Thái Bình ngày 25/9/2020 nêu rõ.

Về đích xây dựng nông thôn mới sớm 03 năm

Theo đó, tổng sản phẩm GRDP (giá so sánh năm 2010) bình quân 5 năm (2016-2020) ước tăng 9%/năm , vượt mục tiêu Đại hội XIX đề ra (8,6%/năm), cao hơn mức trung bình cả nước và gấp 1,3 lần mức tăng trưởng của 5 năm 2011-2015 (6,7%/năm). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ trong GRDP đạt 75,5%, tăng 9,5% so với năm 2015. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 5 năm (2016-2020) ước đạt 235,5 nghìn tỷ đồng, gấp gần 2 lần giai đoạn 2011-2015, tăng bình quân 7,8%/năm. Thu ngân sách trên địa bàn hàng năm luôn vượt dự toán được giao; năm 2020 ước đạt trên 8.000 tỷ đồng, gấp 1,35 lần năm 2015 .

Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 tại Khu kinh tế Thái Bình - Ảnh Báo Thái Bình.

Sản xuất nông nghiệp đạt mức tăng trưởng khá; giá trị sản xuất bình quân 5 năm (2016 -2020) tăng 2,5%/năm, đạt mục tiêu Đại hội đề ra. Giữ vững năng suất lúa trên 132 tạ/ha/năm, tăng 1,6 tạ/ha so với bình quân nhiệm kỳ trước, sản lượng thóc duy trì trên 1 triệu tấn/năm. Diện tích cây vụ Đông hằng năm đạt 36.000 ha, giá trị sản xuất chiếm 25% tổng giá trị sản xuất trồng trọt. Diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung (theo các hình thức: thuê đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất) đạt 7.883,6 ha, gấp 10,7 lần so với năm đầu nhiệm kỳ. Hầu hết các mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất đều có hiệu quả kinh tế cao hơn từ 1,5 - 2 lần so với trước khi chưa được tích tụ, tập trung.

Đặc biệt, đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh, vượt trước 3 năm so với mục tiêu Đại hội XIX. 100% dân cư trong tỉnh được cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt ( sớm 2 năm so với mục tiêu Đại hội XIX). Xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu đạt kết quả bước đầu; dự kiến hết năm 2020, có 14 xã (5%) đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.

Xã nông thôn mới Đông Phương (Đông Hưng) vững vàng đi lên nông thôn mới nâng cao - Ảnh: Báo Đầu  tư

Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng bình quân 15,2%/năm, vượt mục tiêu Đại hội đề ra (13,8%/năm). Một số dự án quy mô lớn (Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1, Nhà máy sản xuất Amôn nitrat, hệ thống thu gom và phân phối khí mỏ...) hoàn thành đầu tư đúng tiến độ, đi vào sản xuất kinh doanh ổn định. Năng lực sản xuất của hầu hết các ngành công nghiệp đều tăng mạnh so với năm đầu nhiệm kỳ. Đến nay, toàn tỉnh có 1.060dự án đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đăng ký trên 130,4nghìn tỷ đồng, trong đó, có trên 850dự án đang sản xuất kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho 115nghìn lao động. Tỷ lệ lấp đầy diện tích đất đã thu hồi tại các khu công nghiệp đạt 93,5%, cụm công nghiệp đạt 68,3%. Nghề, làng nghề truyền thống có thị trường tiêu thụ sản phẩm được tạo điều kiện phát triển; đã rà soát, loại bỏ 106 làng nghề không đạt tiêu chuẩn, gây ô nhiễm môi trường.

Nguồn vốn đầu tư công được phân bổ tập trung cho xây dựng kết cấu hạ tầng trọng điểm và ưu tiên thanh toán nợ xây dựng cơ bản. Kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp tiếp tục được đầu tư hoàn thiện khá đồng bộ. Trong 5 năm đã xây dựng, nâng cấp nhiều công trình hạ tầng đô thị quan trọng; tỷ lệ đô thị hóa năm 2020 ước đạt 21,4%, cao gấp 1,65 lần so với năm 2015.

Cụm công nghiệp Vũ Quý (Kiến Xương) tạo việc làm cho trên 3.000 lao động với mức
thu nhập ổn định từ 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Ảnh : P. Thắm.

Tỷ lệ hộ nghèo bằng gần một nửa mức bình quân cả nước

Khu kinh tế Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và phê duyệt Quy hoạch chung, tạo vị thế, điều kiện và đột phá mới cho tỉnh khai thác tiềm năng, lợi thế ven biển để phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch và đô thị hướng biển trong những năm tới. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Số doanh nghiệp thành lập mới 5 năm qua tăng 53,7%về số lượng và tăng 1,5 lầnvề vốn đăng ký so với nhiệm kỳ trước. Cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, thực hiện hiệu quả tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính theo phương châm "5 tại chỗ". Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI tiếp tục được cải thiện, năm 2019 tăng 10 bậc so với năm 2015.

Nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển mạnh ở xã Hồng Phong (Vũ Thư)

Quy mô giáo dục và đào tạo được mở rộng, chất lượng giáo dục toàn diện ở các bậc học tiếp tục được nâng lên; duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và xoá mù chữ; tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng luôn đứng tốp đầu cả nước .

Công tác y tế dự phòng; phòng, chống dịch bệnh và các chương trình mục tiêu y tế được chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Chất lượng khám, chữa bệnh ở các tuyến và các dịch vụ y tế được nâng lên. Nhiều kỹ thuật chuyên sâu được triển khai thực hiện như: đặt Stent mạch vành, phẫu thuật tim hở, xạ trị... Khám, chữa bệnh cho người có bảo hiểm y tế tiếp tục được mở rộng. Xã hội hóa hoạt động y tế được đẩy mạnh, đã đưa vào hoạt động khu khám, điều trị chất lượng cao Bệnh viện đa khoa tỉnh với 600 giường. Công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình và bảo vệ, chăm sóc trẻ em được thực hiện tích cực; giữ vững mức sinh thay thế, chất lượng dân số từng bước được nâng lên. Các chỉ số về y tế đều ở mức cao so với bình quân chung cả nước.

Tuyến đường 457 qua huyện Kiến Xương được đầu tư hiện đại, đồng bộ

Chính sách đối với người và gia đình có công với cách mạng, các chính sách an sinh và bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Chương trình hỗ trợ người có công, hộ nghèo cải thiện nhà ở; giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững được triển khai thực hiện có hiệu quả. Đã hỗ trợ xây dựng, nâng cấp 16.778 nhà ở cho người có công với cách mạng, 423 nhà ở cho người nghèo. Số lao động được giải quyết việc làm hằng năm đều tăng, bình quân 33.300 lao động/năm, trong đó xuất khẩu 3.200  lao động. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều) giảm còn 2,06%, bằng gần một nửa mức bình quân cả nước .

Trên cơ sở những kết quả, thành tựu nổi bật đạt được trong 5 năm qua, đến năm 2025 tỉnh Thái Bình phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Bằng việc tập trung vào thực hiện 03 đột phá phát triển; trong đó, chú trọng hoàn thành đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển và các tuyến đường huyết mạch, đồng thời xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh./.

100% đồng ruộng được cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa.  Ảnh : Lê Dung.

Phạm Quỳnh