Thái Bình: Sẽ loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất VLXD lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường

Thứ tư, 02/11/2022 - 14:52

TNV - Với mục tiêu loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường, tháng 6/2022 vừa qua tỉnh Thái Bình đã ban hành kế hoạch phát triển ngành VLXD thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.

Sản xuất gạch nung (Ảnh chỉ dùng để minh họa).

Gắn sản xuất VLXD với tái chế, tái sử dụng các chất thải, rác thải

Theo đó, tỉnh Thái Bình nêu quan điểm không đầu tư các dự án sản xuất VLXD ở các vùng ảnh hưởng đến khu bảo tồn, di sản văn hóa, phát triển du lịch, an ninh quốc phòng. Đồng thời gắn sản xuất VLXD với tái chế, tái sử dụng các chất thải công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, xử lý rác thải và bảo vệ môi trường cũng như sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính.

Bên cạnh quan điểm tiếp cận và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới trong sản xuất VLXD, tỉnh Thái Bình chú trọng đẩy mạnh sản xuất các chủng loại VLXD có giá trị kinh tế cao và nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm VLXD trên thị trường trong nước và quốc tế. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, sản xuất VLXD; phát triển cơ khí chế tạo cho công nghiệp VLXD.

Từ đây, tỉnh sẽ tập trung đầu tư và phát triển các sản phẩm VLXD có thế mạnh của tỉnh; Nghiên cứu phát triển sản xuất đa dạng các sản phẩm VLXD mới, có hiệu quả kinh tế cao; Đưa công nghệ tiến tiến hiện đại vào sản xuất VLXD để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường nội tỉnh, trong khu vực và xuất khẩu, góp phần vào tăng trưởng GRDP, nâng cao vị thế của ngành VLXD trong nền kinh tế.

Ông Nguyễn Quang Hưng (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình) cho biết, để thực hiện các mục tiêu và định hướng trên, tỉnh Thái Bình đã xây dựng kế hoạch cụ thể theo từng giai đoạn (Giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn 2030 – 2050) cho từng loại VLXD (Xi măng trắng; Gạch gốm ốp lát; sứ vệ sinh; gạch đất sét nung; vật liệu xây không nung; bê tông; vật liệu lợp; khai thác, chế biến cát xây dựng; vật liệu san lấp; kính và các sản phẩm sau kính; một số chủng loại VLXD khác (Vữa khô trộn sẵn; gạch lát bê tông trang trí; tấm thạch cao; vải địa kỹ thuật; một số loại vật liệu trang trí hoàn thiện)) về các mặt: Đầu tư; công nghệ sản xuất;khai thác và sử dụng tài nguyên; bảo vệ môi trường; sản phẩm.

Chấm dứt hoạt động sản xuất VLXD không phép, trái phép, sử dụngcông nghệ lạc hậu

Mặt khác, tỉnh Thái Bình cũng đề ra 6 giải pháp chính để thực hiện. Theo đó, giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách được triển khai theo hướng khuyển khích đầu tư, chuyển đổi công nghệ sản xuất VLXD nhằm gia tăng năng suất, chất lượng; sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên; nâng cao tỷ lệ sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu tái chế từ phế thải, rác thải; giảm lượng phát thải để bảo vệ môi trường. Hạn chế, tiến tới dừng các hoạt động sản xuất VLXD sử dụng không hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường.

Sản xuất thiết bị vệ sinh (Ảnh chỉ dùng để minh họa)

Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát để chấm dứt các hoạt động sản xuất VLXD không phép, trái phép và sử dụng các công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường; có chính sách ưu đãi và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, đầu tư sản xuất VLXD tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường; khuyến khích sản xuất VLXD không nung, vật liệu san lấp mặt bằng từ tái chế, xử lý rác thải rắn xây dựng – ông Hưng nhấn mạnh.

Thí điểm sử dụng tro xỉ nhiệt điện Thái Bình làm vật liệu

Về giải pháp về khoa học công nghệ: Vận động các doanh nghiệp nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, công nghệ mới, sử dụng phế thải làm nguyên liệu, nhiên liệu thay thế; giảm tiêu hao năng lượng; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm VLXD. Trong đó, trọng tâm là nghiên cứu thí điểm sử dụng tro xỉ nhiệt điện Thái Bình 1,2 làm vật liệu san lấp; xi măng; bê tông và vật liệu xây không nung. Tăng cường ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất VLXD.

Đối với giải pháp về nhân lực: Chú trọng đào tạo cho người lao động ngay tại các cơ sở sản xuất. Kết hợp đào tạo chuyên môn, kiến thức quản lý kinh tế với bồi dưỡng nhận thức pháp luật, phẩm chất lao động, đạo đức xã hội, ngoại ngữ, quản trị kinh doanh, maketing để chính những người lao động và những sản phẩm họ làm ra có thể hội nhập được với nền kinh tế toàn cầu. Mặt khác, các doanh nghiệp cần có chính sách đãi ngộ các cán bộ KHKT và công nhân có tay nghề cao. Đa dạng hoá và mở rộng các hình thức hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực theo hướng gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp – Phó Chủ tịch tỉnh thông tin thêm.

Nghiêm cấm sử dụng đất canh tác nông nghiệp để sản xuất gạch nung

Cũng theo ông Nguyễn Quang Hưng, thực hiện giải pháp khai thác tài nguyên khoáng sản hiệu quả, tiết kiệm, tỉnh Thái Bình sẽ thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản, gắn khai thác khoáng sản với chế biến. Thường xuyên kiểm tra tình trạng chấp hành phạm vi an toàn khai thác cát sông. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư mới, việc tuân thủ các tiêu chí về môi trường, luật môi trường của các cơ sở khai thác, chế biến, sản xuất VLXD.

Nghiêm cấm sử dụng đất canh tác nông nghiệp để sản xuất gạch nung, nâng mức phí bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên với việc khai thác đất sét sản xuất gạch. Hình thành các khu vực, bến bãi tập kết VLXD theo quy hoạch, cơ sở chế biến nguyên liệu đảm bảo cung cấp ổn định về chất lượng, số lượng cho cơ sở sản xuất VLXD.


Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 và 2 có khối lượng tro xỉ than rất lớn sẽ được tỉnh Thái Bình thí điểm tái chế sử dụng làm VLXD (Ảnh chỉ dùng để minh họa).

Tiếp đến là giải pháp về huy động nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất VLXD , Phó Chủ tịch tỉnh cho hay, tỉnh sẽ tiến hành nghiên cứu, xây dựng một số cơ chế, chính sách mới nhằm thúc đẩy sự phát triển trên các lĩnh vực sản xuất VLXD theo hướng thực sự thông thoáng, hấp dẫn, dễ triển khai thực hiện, dễ kiểm tra và bảo đảm tính khả thi. Thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp huy động các nguồn vốn nhàn rỗi của dân cư, của các tố chức kinh tế trong và ngoài nước, đặc biệt là các nguồn vốn nước ngoài có lãi suất ưu đãi, thời hạn vay dài, góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển sản xuất VLXD.

Tiến hành rà soát, bổ sung, sửa đổi danh mục các dự án lớn, quan trọng làm cơ sở để vận động, xúc tiến đầu tư như lĩnh vực sản xuất kính xây dựng, các vật liệu trang trí hoàn thiện khác như tấm trần, tấm sàn, vách ngăn bằng nhựa. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư, tập trung kêu gọi các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế cả trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh. Sớm thành lập Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư cấp tỉnh đủ mạnh, làm đầu mối về hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư.

Đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại; công nghệ sản xuất sạch, giảm tiêu hao tài nguyên

Đặc biệt, đối với giải pháp về bảo vệ môi trường, vị Phó Chủ tịch tỉnh nêu rõ: Trong công tác quản lý cần tăng cường phổ biến rộng rãi các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn đối với các cơ sở sản xuất VLXD thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; thực hiện đúng các nội dung cam kết trong nội dung của thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường. Xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, khai thác khoáng sản làm VLXD không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Đối với các cơ sở khai thác khoáng sản làm VLXD cần phải đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại; có các giải pháp thiết kế mỏ đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường. Trong quá trình khai thác, phải đảm bảo thực hiện theo đúng thiết kế đã được duyệt. Đồng thời, thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản theo quy định.

Đối với các nhà máy sản xuất: Đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa; sử dụng công nghệ sản xuất sạch, giảm tiêu hao nhiên liệu, năng lượng, tiếng ồn, phát thải bụi, phát thải khí nhà kính trong sản xuất; tận dụng tối đa nhiệt khí thải để sấy, phát điện và tăng cường hiệu quả đốt cháy nhiên liệu,....

Song song với đó, đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải theo đúng nội dung cam kết; thực hiện quan trắc tự động, quan trắc định kỳ theo quy định của của pháp luật về bảo vệ môi trường. Chấp hành nghiêm những quy định về vận chuyển vật liệu, tránh rơi vãi vật liệu trên đường vận chuyển./.

Phạm Quỳnh