Thái Bình: Tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục ngoài công lập

Thứ năm, 13/04/2023 - 11:46

TNV - Nhằm giải quyết những điểm nghẽn trong thu hút các nguồn lực xã hội hóa giáo dục thời gian qua, cuối tháng 3/2023 tỉnh Thái Bình đã phê duyệt Đề án xã hội hóa giáo dục mầm non, phổ thông tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến 2030. Với định hướng xuyên suốt là: Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các lực lượng xã hội đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục ngoài công lập chất lượng cao, để giảm áp lực về quy mô trường lớp nhất là ở địa bàn thị trấn, thành phố, khu kinh tế, khu công nghiệp.

Khu vui chơi Trường mầm non tư thục Hoa Thủy Tiên, TP Thái Bình (Ảnh minh họa)

Xuất phát từ thực tế, việc huy động nguồn lực xã hội để phát triển các loại hình trường, lớp còn hạn chế(công lập tự chủ, liên kết, hợp tác,...); số lượng cơ sở giáo dục tư thục còn ít; chưa phát triển được trường có cấp tiểu học, THCS tư thục; chưa phát triển được trường chất lượng cao. Làm cho tỷ lệ học sinh được học các kỹ năng thực hành xã hội theo hình thức xã hội hóa, tỷ lệ các đơn vị có hồ bơi, nhà thi đấu, sân bóng đá, thư viện thông minh...bằng hình thức xã hội hóa còn hạn chế.

Nguyên nhân là việc thực hiện các cơ chế, chính sách để phát triển trường tư thục chưa đồng bộ,việc thực hiện cơ chế tự chủ chưa có bước đột phá, chưa rõ lộ trình và cơ chế thực hiện…

Từng bước chuyển đổi một số cơ sở giáo dục công lập sang thực hiện cơ chế tự chủ về chi thường xuyên

Từ những đánh giá trên, UBND tỉnh Thái Bình định hướng từng bước chuyển đổi một số cơ sở giáo dục công lập sang thực hiện theo cơ chế tự đảm bảo về chi thường xuyên. Phát triển các cơ sở, trung tâm giáo dục thực hiện các nội dung mà hiện nay các cơ sở giáo dục công lập chưa đáp ứng đầy đủ, nhằm giáo dục toàn diện Đức - Trí - Thể - Mỹ cho học sinh. Sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao hiện có ở địa phương như khu vực thể thao, sân chơi bãi tập..., tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục liên danh, liên kết để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao đáp ứng nhu cầu của người học và gia đình người học…

Trường THPT dân lập Nguyễn Công Trứ - Thái Bình (Ảnh minh họa)

Theo đó, mục tiêu chung của đề án là tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, tạo bước chuyển biến rõ rệt, thực chất trong thu hút, sử dụng và quản lý các nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục; cùng với nguồn lực nhà nước tạo nên sự phát triển vững chắc của sự nghiệp giáo dục; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh; tạo cơ hội cho mọi người, mọi tổ chức đều được đóng góp và được hưởng thụ những thành quả từ sự phát triển giáo dục.

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, giảm sự quá tải đối với các trường mầm non, phổ thông công lập, nhất là khu vực thành phố, khu công nghiệp tập trung, khu trung tâm huyện, khu đô thị mới đông dân cư, nhằm góp phần giải quyết an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, các cơ sở giáo dục ngoài công lập và các trường chuyển đổi sang mô hình tự chủ về chi thường xuyên phải hướng đến giáo dục chất lượng cao.

Các mục tiêu cụ thể

UBND tỉnh giao chỉ tiêu, đến năm 2025, có từ 03 đến 04 trường mầm non công lập, 01 trường trung học phổ thông (THPT) công lập chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự đảm bảo một phần chi thường xuyên với mức độ tự chủ chi thường xuyên là 50%. Đồng thời, phấn đấu mỗi huyện phát triển thêm ít nhất 01 trường mầm non tư thục; riêng Thành phố phát triển thêm ít nhất 02 trường mầm non, 03 trường tiểu học (hoặc trường có cấp tiểu học), 01 trường THCS (hoặc trường có cấp THCS), tăng từ 13 trường trở lên so với năm 2022.Tỷ lệ học sinh tư thục: Mầm non đạt 7%, phổ thông đạt 4% trở lên.

Giờ học cúa các bé Trường mầm non xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương (Ảnh minh họa)

Trong đó, có ít nhất 45% số trường tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động giáo dục nghệ thuật, thẩm mỹ, hoạt động thể thao, hoạt động trải nghiệm, kỹ năng sống theo hình thức xã hội hóa; có ít nhất 10% số trường tổ chức cho học sinh được sử dụng hồ bơi, nhà thi đấu, sân bóng đá, thư viện thông minh... dưới hình thức liên kết với đơn vị cung ứng dịch vụ.

Phấn đấu có ít nhất 60% số đơn vị được sử dụng các thiết chế văn hóa ở cơ sở do nhà nước đầu tư; 50% các cơ sở giáo dục có cấp tiểu học tổ chức cho học sinh ăn bán trú; có ít nhất 5% học sinh đi học bằng xe công cộng theo hình thức xã hội hóa; riêng học sinh học trên địa bàn Thành phố phấn đấu từ 30% trở lên.

Đến năm 2030, các trường mầm non tự đảm bảo một phần chi thường xuyên chuyển hẳn sang cơ chế tự đảm bảo chi thường xuyên, đồng thời chuyển từ 04 đến 05 trường mầm non công lập sang mức độ tự chủ chi thường xuyên là 50%; tương tự như thế, các trường THPT đang tự đảm bảo một phần chi thường xuyên cũng chuyển sang cơ chế tự đảm bảo chi thường xuyên, và chuyển 02 trường THPT công lập sang cơ chế tự đảm bảo 50% chi thường xuyên.

Mặt khác, tiếp tục phát triển thêm ít nhất 01 trường mầm non, 01 trường phổ thông có nhiều cấp học ở mỗi huyện; riêng Thành phố phát triển thêm ít nhất 05 trường mầm non, 05 trường tiểu học (hoặc trường có cấp tiểu học), 02 trường THCS (hoặc trường có cấp THCS), tăng từ 26 trường trở lên so với năm 2025.Tỷ lệ học sinh tư thục: Mầm non 9%, phổ thông 7% trở lên.

Trong đó, phấn đấu có ít nhất 60% số trường tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động giáo dục nghệ thuật, thẩm mỹ, hoạt động thể thao, hoạt động trải nghiệm, kỹ năng sống theo hình thức xã hội hóa; có ít nhất 30% số trường tổ chức cho học sinh được sử dụng hồ bơi, nhà thi đấu, sân bóng đá, thư viện thông minh...dưới hình thức liên kết.Phấn đấu 100% số đơn vị được sử dụng các thiết chế văn hóa ở cơ sở do nhà nước đầu tư; 100% các cơ sở giáo dục có cấp tiểu học tổ chức cho học sinh ăn bán trú; có ít nhất 10% học sinh đi học bằng xe công cộng theo hình thức xã hội hóa; riêng học sinh học trên địa bàn Thành phố phấn đấu từ 45% trở lên.

Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

Để thực hiện các mục tiêu này, bên cạnh giải pháp là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, vai trò quản lý nhà nước của chính quyền các cấp, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác xã hội hóa giáo dục, Đề án của UBND tỉnh nhấn mạnh cần hoàn thiện và ban hành một số cơ chế chính sách thúc đẩy xã hội hóa giáo dục.

Đó là, hoàn thiện cơ sở pháp lý về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức đầu tư cho giáo dục và các cơ sở giáo dục ngoài công lập; về sử dụng các nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước.Đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực, quản lý, cấp phát ngân sách nhà nước theo hướng Nhà nước bảo đảm đầu tư cho các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản thiết yếu (giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông); chuyển từ hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục sang hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách, chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đặt hàng.

Ban hành chính sách về quyền lợi của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục làm việc tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập, bảo đảm ít nhất ngang bằng với quyền lợi của đội ngũ nhà giáo làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập.Xây dựng chính sách hỗ trợ cho học sinh học ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập và xây dựng chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục, giáo viên ngoài công lập.

Bên cạnh đó, Đề án nêu ra các nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực giáo dục đào tạo; đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục công lập; nâng cao năng lực, chất lượng các cơ sở giáo dục tư thục hiện có; tăng cường các điền kiện bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; công tác liên kết, hợp tác quốc tế.

Trong đó, có những nội dung đáng chú ý như: Bảo đảm đối xử bình đẳng và tạo môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch; không phân biệt cơ sở giáo dục công lập và cơ sở giáo dục ngoài công lập, người học đều được tiếp cận cơ hội giáo dục và hưởng lợi từ các chính sách phát triển giáo dục của Đảng và Nhà nước.Tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư được thuê đất để xây dựng các công trình xã hội hóa, được miễn giảm tiền thuê đất; được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn với đất và được hưởng các uu đãi khác theo quy định hiện hành.

Thúc đẩy cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục công lập. Đổi mới công tác tuyển sinh vào các trường công lập, tạo nguồn cho các trường ngoài công lập phát triển. Tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập tiếp cận các chính sách ưu đãi về nguồn lực, nhân lực để phát triển chất lượng giáo dục. Khắc phục và tiến tới xóa bỏ những định kiến, phân biệt đối xử giữa khối công lập và khối ngoài công lập.

Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước; khuyến khích người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư, đóng góp cho giáo dục.Tranh thủ mọi nguồn viện trợ, đầu tư của quốc tế cho giáo dục đào tạo.Chú trọng thực hiện các hình thức ghi nhận, tôn vinh những cá nhân, tổ chức có đóng góp, tài trợ cho giáo dục, tuyên dương và phát động nhân rộng những gương điển hình đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.

Xây dựng cơ chế khuyến khích, hỗ trợ và ưu tiên các hoạt động xúc tiến liên kết, hợp tác với các tổ chức, cơ sở giáo dục có uy tín, chất lượng trong và ngoài nước để hình thành các cơ sở giáo dục tư thục có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế trên địa bàn tỉnh để đáp ứng nhu cầu thụ hưởng dịch vụ giáo dục cao của xã hội. Trong đó tập trung ưu tiên cơ chế về đầu tư, đất đai, tín dụng, thủ tục hành chính...để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thuận lợi trong triển khai dự án giáo dục chất lượng cao, tiêu chuẩn quốc tế.

Hiện nay toàn tỉnh có14 trường mầm non tư thục, đạt tỷ lệ 4,6% số trường mầm non và 60 cơ sở giáo dục mầm non độc lập; trung chủ yếu ở Thành phố (12 trường), huyện Đông Hưng (02 trường), các cơ sở độc lập nằm rải rác ở các địa phương.

Tổng số trẻ mầm non đến trường, lớp tư thục là 5.638 chiếm tỷ lệ 5,7% số trẻ đi học, trong đó: trường mầm non tư thục là 3.257 chiếm 3,3% số trẻ đi học; cơ sở giáo dục mầm non độc lập là 2.381, chiếm 2,4% số trẻ đi học.

Về các trường trung học phổ thông tư thục:

Toàn tỉnh có 173 lớp THPT tư thục với 7.882 học sinh, chiếm tỷ 14,43 % so với học sinh học THPT. Tuy nhiên có một số trường có quy mô lớp học, học sinh ít như: Trường THPT Nguyễn Công Trứ, trường THPT Hồng Đức.

Tỷ lệ học sinh bỏ học còn cao, ở một số năm trường THPT Hùng Vương là 3,88%; trường THPT Đông Quan là 1,9%; trường THPT Trần Thị Dung là 1,64%...

Phạm Quỳnh - Ninh Hà