Thái Bình: Thu hút vốn đầu tư tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ 2022

Thứ bảy, 09/12/2023 - 08:35

TNV - Tính đến ngày 20/11/2023, thu hút vốn đầu tư của tỉnh Thái Bình đạt 42.336,9 tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, vốn đầu tư nước ngoài FDI đạt 710,5 triệu USD. Bao gồm 122 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh với tổng số vốn đăng ký là 21.511,1 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2022 và 20 dự án phát triển nhà ở với tổng mức vốn đầu tư là 20.825,8 tỷ đồng.

Cũng trong 11 tháng, Thái Bình đã thực hiện cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 1.098 doanh nghiệp (tăng 5,5%) với số vốn đăng ký 13.253,4 tỷ đồng (tăng 38,1%) và 572 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm 2022...

Ngoài ra, tình hình phát triển kinh tế của tỉnh trong 11 tháng vừa qua còn có một số điểm sáng là: Hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng và khai thác thủy sản phát triển ổn định. Cụ thể sản lượng thịt hơi xuất chuồng: Trâu, bò ước đạt 9.691 tấn, tăng 1,8%; lợn đạt 154,8 nghìn tấn, tăng 2,5%; gia cầm đạt 64,7 nghìn tấn, tăng 1,8%; tổng sản lượng thủy sản ước đạt 262,6 nghìn tấn, tăng 3,2%, trong đó nuôi trồng đạt 169 nghìn tấn, tăng 3,3% và khai thác đạt 93,6 nghìn tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ... Toàn tỉnh có 692 lồng nuôi cá (gồm cả lồng nuôi ếch) và 700 bè nuôi hàu cửa sông; có 741 tàu cá công suất 101.862 KW; số tàu lắp máy giám sát hành trình 174/176, đạt 98,9%...

Chủ tịch tỉnh Nguyễn Khắc Thận thị sát khu vực triển khai dự án Sân Golf Cồn Vành thuộc xã Nam Phú – Tiền Hải  (Ảnh: TH Thái Bình)

Trong tháng 11 đã công nhận thêm 01 xã đạt nông thôn mới nâng cao, lũy kế đến nay toàn tỉnh có 27 xã nông thôn mới nâng cao. Hiện tỉnh đang chỉ đạo tập trung duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với các xã, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu; phấn đấu hoàn thành mục tiêu của Chương trình nông thôn mới. Triển khai thực hiện các cơ chế chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã ban hành.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,5%

Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng tăng 10,5%; giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh) ước đạt 91.229 tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ; trong đó, chế biến, chế tạo tăng 4,6%; sản xuất, phân phối điện tăng 89,3%; khai khoáng giảm 11%...

Hoạt động thương mại dịch vụ duy trì ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 11 tháng ước đạt 62.750 tỷ đồng, tăng 15,8%; chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 1,89%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2.420 triệu USD, tăng 6%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.585 triệu USD, giảm 22,7%; doanh thu các hoạt động vận tải ước đạt 7.513 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ. Hoạt động ngân hàng duy trì ổn định; nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp.

Tổng thu ngân sách nhà nước 11 tháng ước thực hiện 20.721 tỷ đồng, đạt 98,7% dự toán, bằng 86,6% cùng kỳ; trong đó, thu nội địa 7.312,7 tỷ đồng, đạt 64,4% dự toán, bằng 76,1% cùng kỳ, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 1.400 tỷ đồng, đạt 50% dự toán, bằng 46,5% cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 14.294,2 tỷ đồng, đạt 85% dự toán, tăng 6% so với cùng kỳ, trong đó chi đầu tư phát triển 6.794,1 tỷ đồng, đạt 95% dự toán, tăng 11% và chi thường xuyên 7.413,2 tỷ đồng, đạt 81% dự toán, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022.

Nuôi trồng thủy sản đạt 169 nghìn tấn, tăng 3,3% . Trong ảnh: Mô hình nuôi cá ao nổi ở xã Bình Định, huyện Kiến Xương cho hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: Báo Nhân dân)

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Hưng (Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Bình) tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là: Hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm và xuất nhập khẩu của một số doanh nghiệp vẫn còn khó khăn. Một số công trình, dự án trọng điểm gặp vướng mắc, tiến độ chậm; công tác giải phóng mặt bằng ở một số địa phương kết quả còn hạn chế. Thu ngân sách nhà nước (thu nội địa) đạt thấp.

Một số nơi, địa phương vẫn còn để xảy ra sai phạm trong lĩnh vực đê điều, thủy lợi, đất đai, môi trường, đầu tư xây dựng..., mặc dù đã quan tâm công tác xử lý nhưng chưa kịp thời, còn thiếu kiên quyết. Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo ở một số địa phương, đơn vị tuy có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; phối hợp giữa một số sở, ngành, địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ được giao còn hạn chế; chưa thực sự chủ động, linh hoạt trong giải quyết các vấn đề vướng mắc, khó, phức tạp.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, dự án phát triển nhà ở

Từ thực tiễn trên, ông Nguyễn Quang Hưng cho biết, trong tháng 12 còn lại của năm tỉnh Thái Bình sẽ tập trung vào thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất nông nghiệp; tập trung chỉ đạo trồng và chăm sóc cây vụ đông; ban hành kế hoạch diệt chuột, ứng phó bệnh lùn sọc đen, lúa cỏ năm 2024. Phát triển sản xuất chăn nuôi; chủ động phòng ngừa dịch bệnh, nhất là dịch bệnh nguy hiểm. Kiểm tra, nắm bắt tình hình nuôi trồng, khai thác thủy sản; tăng cường công tác quản lý tàu cá, công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Phát hành Sổ tay hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của tỉnh. Đôn đốc các huyện hoàn thiện hồ sơ đề nghị thẩm định xã nông thôn mới nâng cao; phê duyệt các xã thực hiện lắp đặt đèn điện trong Chương trình “Thắp sáng đường quê”.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động khai thác khoáng sản, quản lý, sử dụng đất và xử lý kịp thời các điểm “nóng” về môi trường. Tập trung tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án, nhất là các dự án lớn, trọng điểm. Giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc trong cung cấp nước sạch nông thôn theo kế hoạch.

Tổng sản lượng thịt lợn hơi đạt 154,8 nghìn tấn, tăng 2,5% . Trong ảnh:  Chăn nuôi lợn qui mô lớn của hộ Nguyễn Văn Tiềm thôn Ái Quốc, xã Hợp Tiến, huyện Đông Hưng. (Ảnh: Dân Việt)

Cùng đó là đẩy nhanh tiến độ di chuyển các cơ sở sản xuất kinh doanh ven sông Trà Lý. Tháo gỡ các vướng mắc, hỗ trợ các nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án KCN Hải Long, KCN VSIP Thái Bình (phấn đấu khởi công trong quý I/2024), Nhà máy nhiệt điện LNG (dự kiến cấp CTĐT trong tháng 12/2023 và khởi công đầu năm 2025)...; hoàn thiện các thủ tục thành lập KCN Hưng Phú, Dược - Sinh học... Hoàn thiện Quy hoạch tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý của các dự án BT, BOT; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm và dự án phát triển nhà ở; hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án cao tốc CT.08 và triển khai các bước tiếp theo. Tập trung giải quyết thủ tục đầu tư đối với một số dự án trọng điểm như: Sân Golf Cồn Vành, Dự án khu nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người lao động KCN Liên Hà Thái...

Đường trục chính KCN Hải Long . (Ảnh: PQ)

Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, khuyến công, khuyến thương và hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện các biện pháp quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại; kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động vận tải; chủ động các biện pháp bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định.

Ưu tiên nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội

Đồng thời, khẩn trương tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, tồn tại trong việc giao đất, đấu giá, đấu thầu các khu đất để kịp thời nộp tiền vào ngân sách nhà nước. Bố trí nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương mới, ưu tiên nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo đảm các nhiệm vụ về an ninh - quốc phòng, các dịch vụ quan trọng thiết yếu.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư vào tỉnh, nhất là các tập đoàn lớn, có thương hiệu, uy tín; tập trung rà soát, giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng KCN, CCN, các tuyến giao thông kết nối quan trọng để thu hút đầu tư.

Dự án nhà ở xã hội tại KĐTM Trần Hưng Đạo, TP Thái Bình.  (Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp)

Nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường công tác y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động phòng chống các loại dịch bệnh nguy hiểm; thực hiện đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư y tế phục vụ khám chữa bệnh; các giải pháp bao phủ bảo hiểm y tế theo kế hoạch.

Tổ chức thi học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9, lớp 12; kiểm tra cuối kì I năm học 2023-2024. Triển khai kiểm định chất lượng giáo dục đối với các trường mầm non, trường phổ thông theo kế hoạch. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động; đẩy mạnh hoạt động tuyển chọn, đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023.

Hoàn thiện các bước hồ sơ trình UNESCO đưa “Nghệ thuật Chèo đồng bằng sông Hồng” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh và giữ vững an toàn trật tự xã hội. Duy trì quân số trực sẵn sàng chiến đấu; sẵn sàng tham gia công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

Phạm Quỳnh