Thái nguyên siết chặt quản lý, kiểm soát vi phạm trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử

Thứ sáu, 20/10/2023 - 09:35

TNV - Trong những năm gần đây, thị trường thương mại điện tử ngày càng được mở rộng và hiện đã trở thành xu thế kinh doanh phổ biến được doanh nghiệp, người dân biết đến. Sự đa dạng về mô hình hoạt động, về đối tượng tham gia, chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ với sự hỗ trợ của hạ tầng Internet và ứng dụng công nghệ hiện đại đã đưa trở thương mại điện tử thành trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế số của quốc gia. Tuy nhiên việc kinh doanh dưới hình thức này cũng bộc lộ nhiều bất cập, tồn tại.

Chương trình livestream Phiên chợ sản phẩm na Võ Nhai và nông sản Thái Nguyên năm 2023 thông qua các nền tảng số, kênh tiktok cá nhân, các tiktoker, streamer (Ảnh: thainguyen.gov.vn)

Theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đối với hàng nghìn doanh nghiệp trên cả nước cho thấy lĩnh vực TMĐT tiếp tục phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trên 25% và đạt quy mô trên 20 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng này có thể được duy trì trong giai đoạn ba năm 2023 - 2025. Còn tại tỉnh Thái Nguyên, năm 2021 có 1.913 tên miền “.vn” và có 95 website TMĐT được Bộ Công Thương xác nhận. Con số này đã tăng lên đáng kể so với tốc độ phát triển của ngành TMĐT, đến thời điểm này, tỉnh Thái Nguyên có 2.474 tên miền “.vn” và có 123 website TMĐT được Bộ Công Thương xác nhận.

Sau khi triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia theo từng giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, hoạt động TMĐT của tỉnh đã từng bước phát triển đa dạng mô hình, đối tượng tham gia và quy mô khác nhau, dự báo trong thời gian tới, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ ở cả 3 trụ cột (Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số);  hoạt động TMĐT sẽ trở thành một phần không thể tách rời trong đời sống xã hội, qua đó đưa TMĐT dần thay thế một số hoạt động thương mại truyền thống, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Sản phẩm trà Thái Nguyên được đăng bán trên sàn thương mại điện tử postmart.vn (Ảnh: thainguyen.gov.vn)

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch về phát triển TMĐT, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, địa phương. Sóng di động đã phủ 100% đến trung tâm các xã, phường thị trấn; hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản đáp ứng yêu cầu, các ứng dụng công nghệ thông tin hoạt động ổn định. Hạ tầng phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt được lắp đặt tại các nhà hàng, khách sạn, siêu thị, trung tâm thương mại... thanh toán online qua Internet banking, Mobile banking, qua ví điện tử và thanh toán trực tiếp tại các phòng giao dịch, điểm giao dịch của các ngân hàng trên địa bàn.

Việc hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi TMĐT trong doanh nghiệp và cộng đồng góp phần mang lại lợi ích to lớn cho cả doanh nghiệp, người tiêu dùng và xã hội. Đối với doanh nghiệp, do việc sử dụng các phương tiện điện tử và hệ thống mạng Internet nên doanh nghiệp có thể thực hiện kinh doanh giao dịch 24/7, tiết kiệm chi phí. Với TMĐT doanh nghiệp không phải tốn kém nhiều chi phí cho việc thuê cửa hàng, thuê kho chứa hàng, giảm chi phí nhân viên và doanh nghiệp có thể thực hiện marketing với chi phí thấp. Đối với người tiêu dùng, nhờ có TMĐT mà người tiêu dùng có thể thực hiện mua sắm ở khắp mọi nơi trên thế giới, có thể so sánh lựa chọn những sản phẩm, dịch vụ có chất lượng với giá thấp hơn. Đối với xã hội, TMĐT tạo ra một sân chơi cho các doanh nghiệp buộc họ phải đổi mới, phải có chiến lược kinh doanh riêng từ đó giúp các doanh nghiệp phát triển và góp phần vào sự phát triển kinh tế đất nước.

Hướng dẫn người dân xóm Mỏ Ba, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ sử dụng các ứng dụng an toàn trên điện thoại thông minh Ảnh: thainguyen.gov.vn)

Ông Đào Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng: Thế giới đã trải qua 3 năm đại dịch COVID-19, chính giai đoạn này đã khiến việc kinh doanh qua các sàn TMĐT “bùng nổ”; các khoảng cách về địa lý không thể ngăn cách con người tham gia các hoạt động kinh doanh mà nó càng trở nên mạnh mẽ, phát triển với đa dạng các hình thức khác nhau. Người tiêu dùng phải hết sức tỉnh táo và trang bị các kỹ năng bảo vệ mình trên môi trường mạng vì mọi thông tin đều được công khai khi tham gia giao dịch, mua bán.

“Trên thực tế, việc kiểm soát, định danh tài khoản người bán, người đăng chào bán, chào mua chưa thật sự chặt chẽ, thường xuyên, liên tục của các sàn TMĐT cũng là kẽ hở để các đối tượng lợi dụng đưa hàng hóa vi phạm bày bán công khai trên các sàn này. Có nhiều đối tượng có hàng trăm tài khoản mạng xã hội để có thể thay đổi liên tục khi bị phát hiện. Các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả ngay tại nhà ở, không có địa chỉ cụ thể nên công tác kiểm tra cũng rất khó khăn. Trong khi đó, chế tài xử lý vi phạm về sở hữu trí tuệ còn nhẹ, chưa đủ tính răn đe. Nhiều đối tượng sẵn sàng nộp phạt và tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm với quy mô và mức độ ngày càng lớn hơn - Ông Chu Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên cho biết.

Lực lượng quản lý thị trường tỉnh bắt giữ vụ vi phạm tại nhà ông N.T.T ở phường Bãi Bông, TP. Phổ Yên do vi phạm về bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ trên mạng xã hội (Ảnh: thainguyen.gov.vn)

Trước thực tế này, từ cuối năm 2020, với trách nhiệm cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Cục QLTT đã tham mưu cho Trưởng Ban Chỉ đạo ban hành nhiều văn bản về việc tăng cường, quản lý, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong TMĐT, ban hành quy chế phối hợp giữa các ngành thành viên của Ban Chỉ đạo 389. Cục QLTT tỉnh cũng đã thành lập tổ công tác đặc trách về TMĐT do Đội QLTT số 1 (Đội cơ động) chủ trì. Ngoài ra, năm 2022, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TMĐT, Cục QLTT tỉnh đã tổ chức 3 hội nghị tuyên truyền về các quy định của pháp luật trong kinh doanh TMĐT cho trên 300 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh, đồng thời cho họ ký cam kết thực hiện hoạt động kinh doanh đúng pháp luật và phối hợp cung cấp thông tin về vi phạm trên môi trường TMĐT.

Năm 2023, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã kiểm tra, xử lý 38 vụ việc vi phạm về TMĐT với tổng số tiền phạt hơn 300 triệu đồng. Các vi phạm chủ yếu liên quan đến ứng dụng nền tảng số để kinh doanh hàng hóa nhập lậu; bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về chất lượng; không thông báo website TMĐT bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định...

Để ngăn chặn các hành vi vi phạm trong hoạt động TMĐT, trong thời gian tới Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thái Nguyên sẽ chỉ đạo và đẩy mạnh phối hợp với các ngành, đơn vị, tăng cường công tác quản lý địa bàn, thu thập thông tin, giám sát hoạt động kinh doanh để theo dõi tình hình, phương thức hoạt động, kho bãi tập kết hàng hóa của các đối tượng; phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành chức năng để tránh chồng chéo, gây cản trở các hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thông tin các trường hợp vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Ngọc Khanh