Trong phát triển kinh tế giai đoạn 2020 - 2025 tỉnh Thái Nguyên từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, cạnh tranh của tỉnh, phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh như: Vị trí địa lý; hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại; cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn; chính quyền năng động, thân thiện và luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và qua đó đã đạt những kết quả quan trọng: Kinh tế phục hồi và tăng trưởng ổn định, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2023 bình quân đạt 6,65%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước. Năm 2023, thu ngân sách đạt 20.196 tỷ đồng, xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; Hoạt động xuất nhập khẩu và thị trường nội địa cũng phát triển khá đồng bộ. Kể từ năm 2020 đến nay, Thái Nguyên luôn trong tốp 5 địa phương có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước với tổng giá trị xuất khẩu hàng năm ở mức từ 26 - 31 tỷ USD.
Về nông nghiệp của tỉnh cũng phát triển bền vững, ổn định; nhiều sản phẩm đã khẳng định thương hiệu; tiêu biểu nhất là các sản phẩm từ cây chè. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 113 triệu đồng, đứng thứ nhất trong 14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc.
Công tác cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số luôn được chú trọng. Năm 2023, Thái Nguyên tiếp tục duy trì vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS); đứng thứ 2 về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); đứng thứ 6 về Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX) và đứng thứ 8 cả nước về chuyển đổi số. Các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội, y tế, giáo dục đều được quan tâm thực hiện. Công tác đối ngoại ngày càng được đẩy mạnh; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội luôn được đảm bảo giữ vững.
UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành trong công tác lập Quy hoạch tỉnh, đây là cơ sở quan trọng để Thái Nguyên lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập, đối ngoại trên địa bàn tỉnh. Ngay sau khi Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh Thái Nguyên đã và đang tích cực triển khai các bước để thực hiện quản lý quy hoạch cũng như tổ chức triển khai các nội dung theo Quy hoạch tỉnh gắn với chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Xác định chuyển đổi số là xu hướng và động lực để phát triển trong thời kỳ mới, ngày 31/12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết về Chương trình chuyển đổi số; với mục tiêu là phấn đấu đưa Thái Nguyên trở thành Trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc, đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Hai năm liên tiếp (2021, 2022), Thái Nguyên đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố trên cả nước về chuyển đổi số. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP tỉnh Thái Nguyên năm 2023 đứng thứ 3 cả nước. Tỉnh Thái Nguyên đã tập trung triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Thái Nguyên đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án, công trình trọng điểm, mang tính liên kết vùng như: Dự án tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc, Dự án đường Vành đai V ,Đường kết nối ĐT.265 đi Bắc Giang; phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải triển khai đầu tư Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn... . Các tuyến đường cũng giúp kết nối sân golf Glory tại xã Thành Công (TP. Phổ Yên), Cùng với hạ tầng giao thông, để đảm bảo cho thu hút đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp, các khu đô thị, tỉnh Thái Nguyên cũng hết sức quan tâm thu hút đầu tư phát triển hạ tầng điện. UBND tỉnh cũng đã tổ chức nhiều buổi làm việc với Tổng Công ty Điện lực miền Bắc nhằm triển khai đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư mạng lưới điện trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch nhằm đảm bảo kịp thời cung ứng điện đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh cũng như các địa phương lân cận.
Từ các trục giao thông quan trọng kể trên sẽ mở ra không gian mới để phát triển các dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp; hạ tầng thương mại, dịch vụ, khu đô thị. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Thái Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư Khu công nghiệp Sông Công II, giai đoạn II với tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, diện tích 296 ha. UBND tỉnh cũng đã thành lập mới 6 cụm công nghiệp nằm ven tuyến đường Vành đai V và tuyến đường liên kết.
Đến thời điểm hiện tại, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện đạt và vượt mục tiêu giai đoạn 2020 - 2025, trong đó có những chỉ tiêu quan trọng như: Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản; giá trị xuất nhập khẩu, xây dựng nông thôn mới; giảm tỷ lệ hộ nghèo… Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn bất cập tác động bởi các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2020 - 2025 không còn nhiều, vì vậy, để có thể hoàn thành thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra cần có sự nỗ lực rất lớn và nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, trong đó có việc tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá để đẩy nhanh tốc độ phát triển. Điều này cần có sự nỗ lực cao nhất của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Ngọc Khanh