Với nhiều yếu tố lợi thế, Thái Nguyên đã thể hiện quyết tâm cao, triển khai sớm nhiều bước đi mạnh mẽ trong việc phát triển hạ tầng công nghiệp cũng như đào tạo nguồn nhân lực, sẵn sàng đón nhận các dự án công nghiệp bán dẫn.
Ưu tiên hàng đầu
Thái Nguyên là một địa phương có nhiều tiềm năng to lớn và hiện đang đứng thứ 4 cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp. Tính tới nay, trên địa bàn tỉnh có trên 220 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 11,26 tỷ USD. Đặc biệt khoảng 70% trong số các dự án này thuộc về các ngành sản xuất công nghệ cao, chủ yếu là sản xuất và lắp ráp thiết bị điện tử.
Việc phát triển mạnh mẽ lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và công nghệ cao không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, mà còn tạo ra hàng nghìn việc làm cho lao động địa phương.
Trên thực tế, Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đã nghiên cứu sản xuất sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn thử nghiệm vào tháng 5-2023 và triển khai đại trà từ tháng 7-2023 tại Nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam ở Thái Nguyên.
Trong Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050", Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh quan điểm, đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, được ưu tiên hàng đầu, được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá, cạnh tranh ưu đãi đầu tư…
Trên cơ sở đó, tại buổi làm việc với ngài Marc Evans Knapper, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ tại Việt Nam mới đây, đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, bày tỏ sự quan tâm lớn đến việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng chí đề nghị Đại sứ giới thiệu một số chuyên gia, công ty và tăng cường hợp tác, hỗ trợ Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) trong đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn. Trước mắt là hỗ trợ tư vấn, thành lâp phòng LED, hỗ trợ đào tạo ngành học bán dẫn tại ĐHTN nhằm đáp ứng yêu cầu về đào tạo nhân lực của ngành này.
Chủ động nguồn nhân lực chất lượng cao
Để chuẩn bị nhân sự cho ngành công nghiệp bán dẫn, Thái Nguyên đang chủ động triển khai chiến lược đào tạo bài bản, nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp công nghệ cao trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
Trong năm 2024, Đại học Thái Nguyên tuyển sinh khoảng 3.000 chỉ tiêu đều là lĩnh vực có tính ứng dụng trên nền tảng công nghệ cao. Đồng thời đưa vào tuyển sinh các chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp. PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc ĐHTN khẳng định: Việc đào tạo nhân lực ngành bán dẫn là phù hợp với xu thế và khẳng định hướng đào tạo mũi nhọn trong những năm tiếp theo của đơn vị.
Ngoài ra, Theo PGS.TS Phùng Trung Nghĩa - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Thái Nguyên (Đại học Thái Nguyên), nhà trường vốn có thế mạnh là công nghệ thông tin, vì vậy việc sẽ tập trung chuyên sâu vào phần thiết kế vi mạch. Đồng thời hợp tác với các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn để cung cấp cơ hội thực tập, dự án thực tế. Đặc biệt, dựa trên các hợp tác đã ký kết, Nhà trường được chia sẻ cơ sở vật chất đào tạo về vi mạch bán dẫn của Viện Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Hà Nội), cũng như liên kết với các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử vi mạch trong đào tạo, tuyển dụng sinh viên về vi mạch bán dẫn, như Tập đoàn HCL, Hồng Hải, Samsung…
Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đã mở rộng 11 KCN và 1 khu công nghệ thông tin tập trung tại KCN Yên Bình với tổng diện tích 1.599ha. Đây là điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn và công nghiệp hỗ trợ cho lĩnh vực này.
Qua đó chúng ta có thể thấy, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, ĐHTN và các trường thành viên đã dành sự quan tâm đầu tư tương xứng về cơ sở vật chất, cùng đội ngũ cán bộ, giảng viên; có nhiều chính sách nhằm thu hút, khuyến khích, động viên sinh viên tích cực học tập, rèn luyện, nâng cao khả năng thực hành.
Ngọc Khanh