Khi nói về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng - một học trò xuất sắc, một cộng sự thân thiết, gần gũi của Người đã viết: “Cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ”[1]. Bằng những trải nghiệm quý giá từ cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của mình, Người hiểu hơn ai hết những gì mà tuổi trẻ, mà thế hệ thanh niên có thể làm được cho Tổ quốc, cho Nhân dân. Chính vì lẽ đó, trong “Di chúc” thiêng liêng, Người đã ân cần dặn dò toàn Đảng, toàn dân ta: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết...”[2]; lời dặn dò thể hiện sự sâu sắc trong tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với tương lai của dân tộc, vận mệnh của Tổ quốc và sự thành bại của sự nghiệp cách mạng, trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho Đảng và Nhà nước ta trong việc hoạch định đường lối, chính sách về công tác đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Thấm nhuần tư tưởng của Người về “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”, đòi hỏi mỗi chúng ta cần quán triệt một số nội dung cơ bản sau:
Một là, nguồn gốc tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau
Tư tưởng về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau của Hồ Chí Minh trước hết xuất phát từ sự kế thừa quan điểm của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin. C.Mác chỉ ra rằng: “Bộ phận giác ngộ nhất trong giai cấp công nhân nhận thức rõ ràng tương lai của giai cấp họ và do đó, tương lai của cả loài người, hoàn toàn phụ thuộc vào việc giáo dục thế hệ công nhân đang lớn lên”. V.I.Lênin đã từng khẳng định: “Theo một nghĩa nào đó, có thể nói rằng nhiệm vụ thật sự xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa chính là của thanh niên” … “chỉ có cải tạo triệt để việc tổ chức và giáo dục thanh niên thì chúng ta mới có thể, bằng những cố gắng của thế hệ trẻ, đạt được kết quả là xây dựng nên một xã hội không giống xã hội cũ, tức là xã hội cộng sản”.
Đồng thời, tư tưởng về vai trò của thanh niên và vấn đề giáo dục, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau của Hồ Chí Minh còn là kết quả của sự tổng kết về vai trò của thanh niên trong sự phát triển của lịch sử nhân loại, lịch sử cách mạng thế giới và cách mạng Việt Nam. Khi xem xét các biến cố phi thường làm đảo lộn thế giới đầu thế kỷ XX như cách mạng vô sản Nga, cách mạng Trung Quốc… lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đều nhận thấy vai trò và dấu ấn to lớn của thanh niên. Đối với lịch sử dân tộc ta, trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm, thanh niên luôn là lực lượng xung kích trên mọi lĩnh vực, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, những thanh niên yêu nước được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp tập hợp và huấn luyện trong tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên chính là lực lượng đóng vai trò là người châm ngọn lửa đầu tiên cho phong trào cách mạng vô sản ở nước ta. Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, với tinh thần “đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, thế hệ trẻ đã không tiếc máu xương, hy sinh gian khổ góp phần to lớn vào những chiến công hiển hách, đáng tự hào của quân và dân cả nước đã đi vào huyền thoại. Những cơ sở lý luận và thực tiễn trên đây đã hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, vị trí của thanh niên cũng như về mục tiêu, nội dung, phương pháp bồi dưỡng thế hệ trẻ cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Vì vậy, xuyên suốt, nhất quán trong tư tưởng và hành động, Hồ Chí Minh không chỉ cuốn hút họ bằng chính những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết cách mạng của mình mà còn kêu gọi, đánh thức, giác ngộ và cổ vũ họ tham gia cách mạng; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, sẵn sàng giao nhiệm vụ và tạo điều kiện để họ được học tập, lao động, cống hiến…
Hai là, những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vị trí, vai trò quan trọng của thanh niên - lực lượng kế cận của Đảng, của đất nước đối với sự nghiệp cách mạng, đối với tương lai, vận mệnh của dân tộc, tiền đồ của Tổ quốc.
C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin đều coi thanh niên là một lực lượng hùng hậu, có vai trò quan trọng trong cách mạng và xem xét vấn đề thanh niên luôn gắn bó với giai cấp công nhân và đảng tiên phong. C.Mác khẳng định: “Do những quy luật phát triển khách quan của xã hội, thanh niên bao giờ cũng giữ vai trò quan trọng trong việc kế thừa và phát triển những thành tựu của người đi trước”. Kế thừa những di sản tư tưởng của C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển sáng tạo các luận điểm mác-xít về vị trí, vai trò của thanh niên, gắn thanh niên với vận mệnh của dân tộc. Từ năm 1925, Nguyễn Ái Quốc đã sớm nhận thức “Muốn thức tỉnh dân tộc, trước hết phải thức tỉnh thanh niên”. Trong Thư gửi thanh niên Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ, thanh niên Việt Nam có khả năng cách mạng to lớn, là lực lượng cứu nguy dân tộc. Cũng trong bức thư này, sau khi dẫn ra một số sự việc tiêu cực, Người thống thiết kêu gọi: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại, người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của người không sớm hồi sinh”[3]. Như vậy, ngay từ những giai đoạn đầu cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thức được rằng vận mệnh của dân tộc, sự tồn vong của đất nước tùy thuộc vào ý chí, nghị lực và sự thức tỉnh của thế hệ trẻ. Xuất phát từ nhận định đó, khi vừa rời nước Nga, về Quảng Châu (Trung Quốc), người đã tập trung vào nhiệm vụ tập hợp, giáo dục, tổ chức lực lượng thanh niên để họ đóng vai trò tiên phong của cách mạng.
Sau khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trong Thư gửi các học sinh cả nước nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập (15/9/1945), Người đã căn dặn: “Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”[4]. Niềm tin yêu và sự khẳng định đó cho đến nay vẫn là động lực thôi thúc bao thế hệ thanh niên, học sinh, sinh viên Việt Nam ra sức học tập, rèn luyện để góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh. Năm 1947, trong Thư gửi các bạn thanh niên, Người lại một lần nữa khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do thanh niên”[5]. Trong phát biểu nhân kỷ niệm lần thứ 35 Ngày Thành lập Đoàn, Bác Hồ tiếp tục bày tỏ tin tưởng: “Với một thế hệ thanh niên hăng hái và kiên cường, chúng ta nhất định thành công trong sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”[6].
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao khả năng cách mạng và cống hiến to lớn của thanh niên đối với tương lai của dân tộc, tiền đồ của cách mạng: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”[7]. Dưới ngọn cờ của Đảng, hàng triệu thanh niên đã hăng hái tham gia các phong trào đấu tranh cách mạng, sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ hy sinh, cùng với Đảng, với dân tộc làm nên những thắng lợi vĩ đại, “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm”. Đó là sự đánh giá khách quan, phản ánh bản chất cách mạng, vai trò và sức mạnh của thanh niên, đồng thời cũng thể hiện lòng yêu mến, tin tưởng của Đảng và Bác Hồ đối với thế hệ trẻ Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng bồi dưỡng thế hệ trẻ toàn diện, vừa “hồng” vừa “chuyên”
Trong việc bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh phải giáo dục toàn diện, cả đức, trí, thể, mỹ, nghĩa là phải đầy đủ cả “hồng” và “chuyên”. Trong đó, Người đặt lên hàng đầu là vấn đề bồi dưỡng lý tưởng, chí khí và đạo đức cách mạng. Lý tưởng mà Bác Hồ quan tâm giáo dục cho thanh niên là lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa Mác - Lênin, với mục tiêu và ý chí tối thượng là làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Cùng với giáo dục lý tưởng, cần phải tăng cường và thường xuyên quan tâm giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ, coi đây là nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng hàng đầu. Theo Hồ Chí Minh, lý tưởng cách mạng và đạo đức cách mạng không tách rời nhau. Nếu lý tưởng cách mạng là sự hướng tới mục tiêu cao cả, là động lực thúc đẩy con người hành động thì đạo đức cách mạng là điều kiện để thực hiện lý tưởng, là nội dung biểu hiện của chính lý tưởng đó. Nội dung của đạo đức cách mạng không phải là những lý thuyết suông mà là những yếu tố rất gần gũi: trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; là sự khiêm tốn, giản dị, không kiêu căng tự mãn, không lãng phí, xa hoa; là tinh thần tận hiến phục vụ nhân dân, đất nước; là ý thức tích cực, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tha hóa, biến chất, suy đồi về đạo đức, lý tưởng cách mạng.
Xuất phát từ quan điểm giáo dục toàn diện, Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm giáo dục chính trị, chuyên môn, khoa học - kỹ thuật cho thế hệ trẻ: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức. Cần phải học văn hóa, chính trị, kỹ thuật”[8]. Theo Bác, nếu không tích cực, tự giác học tập nâng cao trình độ học vấn thì không thể nào tiếp thu được chuyên môn nghiệp vụ. Vì vậy, phải coi trọng bồi dưỡng về tri thức khoa học - kỹ thuật, văn hóa - xã hội, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong lao động của thế hệ trẻ, để thế hệ trẻ đủ kiến thức, kỹ năng, trí tuệ vươn lên chiếm lĩnh những tri thức, công nghệ hiện đại, phát huy toàn diện khả năng sáng tạo, đáp ứng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, ý thức bản lĩnh chính trị và tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng hết sức quan tâm đến việc bồi dưỡng lối sống văn hóa, nâng cao thể chất cho thế hệ trẻ. Theo Người, giáo dục, bồi dưỡng lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ là một việc làm cần thiết và hết sức cụ thể, thiết thực, có kế thừa, bảo tồn phát huy những giá trị lối sống văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và nhân loại. Bên cạnh đó, Người cũng cho rằng, việc bồi dưỡng nâng cao thể chất cho thế hệ trẻ cũng có một ý nghĩa quan trọng, làm việc gì cũng phải có sức khỏe mới thành công “luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người yêu nước”, “Mỗi một người dân yếu ớt tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân khỏe mạnh tức là cả nước mạnh khỏe”… Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau yêu cầu phải giáo dục toàn diện, đầy đủ cả về lý tưởng, đạo đức cách mạng, khoa học kỹ thuật, văn hóa, lối sống và thể chất khỏe mạnh để họ thực sự vừa “hồng” vừa “chuyên”, xứng đáng là lực lượng kế tục trung thành, xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng phương pháp gắn lý luận với thực tiễn trong bồi dưỡng thế hệ trẻ
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để tìm những phương cách, biện pháp bồi dường thế hệ trẻ cho phù hợp, có hiệu quả thì phải xuất phát từ nội dung, yêu cầu của sự nghiệp bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, đồng thời phải xuất phát từ đặc điểm tâm lý, tính cách của lứa tuổi thanh niên.
Trước hết, cần phải nhận thức được đặc điểm thanh niên là lớp người trẻ tuổi, đang chuẩn bước vào đời, nhiệt huyết tìm hiểu, khám phá, thể nghiệm, ham học hỏi và nhạy bén với cái mới. Thanh niên đang ở thời kỳ sung sức nên ham hành động, muốn thử sức, sẵn sàng vươn lên đón nhận những thử thách, khó khăn. Đó là thế mạnh riêng có của thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, thanh niên vốn nhiều tình cảm, dễ xúc cảm, ham muốn kết bạn do đó cũng dễ chịu tác động dây chuyền của tập thể. Thanh niên là lớp người đang trưởng thành, vì thiếu kinh nghiệm nên cũng dễ vấp ngã, nản lòng. Hồ Chí Minh đã từ những đặc điểm đó mà đưa ra những phương pháp giáo dục, bồi dưỡng thanh niên: Phải đưa thanh niên vào rèn luyện trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận với thực tiễn, lời nói với việc làm, giữa giáo dục với hoạt động xã hội. Hồ Chí Minh nói “Giáo dục thanh niên không thể tách rời mà phải liên hệ chặt chẽ với những cuộc đấu tranh xã hội. Trong xã hội cũ có nhiều nọc độc nó làm hại thanh niên”[9]. Giáo dục, bồi dưỡng thanh niên gắn liền với thực tiễn đấu tranh và đổi mới của cách mạng là một nguyên tắc bắt nguồn từ mục tiên giáo dục những con người vừa hồng, vừa chuyên, có khả năng và năng lực kế thừa sự nghiệp cách mạng. Đó cũng chính là những kinh nghiệm, bài học rút ra từ thực tiễn cách mạng của Người. Năm 1925, tại Quảng Châu, để hồi sinh dân tộc, Người trước hết thức tỉnh thanh niên, mở lớp huấn luyện, ra sách báo, đưa thanh niên vào tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, rồi đưa họ về nước, đi vô sản hóa, dấn thân vào thực tế đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, để kết hợp với lý luận và thực tiễn, trở thành những chiến sĩ cách mạng chân chính, những lãnh tụ của phong trào.
Đồng thời, giáo dục thế hệ trẻ phải phối kết hợp giữa nhà trường, xã hội và gia đình. Hồ Chí Minh khẳng định giáo dục nhà trường chỉ là một phần, còn cần phải có sự giáo dục ngoài xã hội, trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Theo Bác, các đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên cũng là một yếu tố quan trọng trong việc đào tạo thế hệ trẻ. Vì vậy, Người yêu cầu: “Trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên cần phải chú ý đến giáo dục tư tưởng, thái độ, hoạt động và sinh hoạt hằng ngày của thanh niên để kịp thời khuyến khích, uốn nắn, sửa chữa”[10].
Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh chỉ ra, để bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ một cách thành công, các thế hệ đi trước phải nêu gương mẫu mực cho thanh niên. Người từng nhấn mạnh: “Các đồng chí già là rất quý, là gương bền bỉ đấu tranh, dìu dắt, bồi dưỡng, đào tạo thêm đồng chí trẻ. Đồng chí già phải giúp đỡ cho đồng chí trẻ tiến bộ”[11]. Hồ Chí Minh nhắc nhở, muốn thế hệ trẻ trở nên những người tốt thì lớp người lớn tuổi cũng phải là những người tốt. “Bố mẹ, thầy giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách; trước hết là phải làm gương mẫu cho các em trước mọi việc”. Điều đó cũng có nghĩa là muốn lớp người thừa kế cách mạng kế tục được lý tưởng và niềm tin của cha anh, thì lớp cha anh bằng suy nghĩa và hành động, lời nói và việc làm phải là những tấm gương mẫu mực, vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bài học về nêu gương trong giáo dục trong tư tưởng Hồ Chí Minh cho đến nay vẫn còn nóng hổi tính thời sự trong giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong giáo dục thế hệ cách mạng cho đời sau trong giai đoạn hiện nay
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định thanh niên, học sinh, sinh viên là lực lượng xã hội to lớn, là một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh dân tộc; chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ vừa là mục tiêu vừa là động lực đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước. Trong mọi hoàn cảnh, tuổi trẻ Việt Nam luôn thể hiện ý chí sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách và hiểm nguy vì độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân. Từ trong phong trào thanh niên, đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình trên các lĩnh vực chiến đấu, lao động, học tập và công tác. Họ xứng đáng với niềm tin cậy của Bác Hồ, của Đảng và Nhân dân. Dẫu vậy, do tác động của nhiều nhân tố khách quan và chủ quan, có một bộ phận thanh niên sống thiếu lý tưởng, giảm sút niềm tin, ít quan tâm đến tình hình đất nước, ngại tu dưỡng, phấn đấu học tập, rèn luyện, có lối sống ích kỷ, thậm chí bị lôi kéo vào các tiêu cực và tệ nạn xã hội, lối sống không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Tình hình đó đòi hỏi Đảng, Nhà nước và toàn xã hội cần quan tâm, chăm lo nhiều hơn nữa tới việc bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện thế hệ trẻ - một việc “rất quan trọng và cần thiết” như Bác Hồ đã căn dặn trong Di chúc của Người.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, hơn bao giờ hết toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta càng phải chăm lo giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ, coi đó là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, bởi nó liên quan trực tiếp đến tương lai của đất nước. Trong đó, cần tập trung thực hiện tốt một số biện pháp cơ bản sau:
Một là , cần nhận thức đầy đủ hơn nữa về vị trí, vai trò của thế hệ trẻ rong thời kỳ mới.
Hai là , thường xuyên coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, văn hóa, đạo đức cách mạng đối với thế hệ trẻ hiện nay
Ba là, chăm lo xây dựng tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh vững mạnh, thật sự là “trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên”.
Bốn là , phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của thế hệ trẻ tham gia các phong trào hành động cách mạng.
Đồng thời, cấp ủy, tổ chức các cấp cần quán triệt và thực hiện thành công nội dung Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội; xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ. Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp; làm chủ các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại, phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” [12].
Như vậy, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” vừa thể hiện tình cảm, sự yêu mến và tin tưởng của Bác đối với thế hệ trẻ; vừa cho thấy tư duy biện chứng đúng đắn của Người trong việc xem xét, đánh giá vai trò của thanh niên đối với sự phát triển của đất nước. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một nhiệm vụ khó khăn, lâu dài, bền bỉ, nhưng dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, chúng ta nhất định thực hiện thành công mục tiêu: “Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao” [13].
Thiếu tá Nguyễn Quốc Duy
Tài liệu tham khảo:
[1]. Phạm Văn Đồng: Văn hoá và đổi mới, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.126.
[2]. Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 622.
[3] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.144.
[4]. Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.34.
[5]. Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.216.
[6]. Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.79.
[7]. Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.194.
[8]. Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.90.
[9]. Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011. tr. 265.
[10]. Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011. tr. 266.
[11]. Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011. tr. 272.
[12]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.168.
[13]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.112.
Hệ Sau đại học - Học viện Chính trị