Tháng Giêng là tháng...

Thứ hai, 06/02/2017 - 08:35

1. XUÂN mới đã về. Tháng Giêng mới chớm. Bất chợt nhớ câu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi...". Lần tìm theo câu ca, phát hiện thêm mấy chi tiết thú vị. Thứ nhất - tuy có một số dị bản nói về "lịch sinh hoạt" 12 tháng của người Việt, nhưng nhiều bài đều gán cho "tháng Giêng là tháng ăn chơi...". Thứ hai là, có các bài ca dao khác lại nói về những hoạt động nông vụ của người Việt với nghĩa cần mẫn hết sức tích cực, ví như: "Tháng Chạp là tháng trồng khoai/Tháng Giêng trồng đậu, tháng Hai trồng cà/Tháng Ba cày vỡ ruộng ra/Tháng Tư làm mạ, mưa sa đầy đồng...". Một đất nước gắn liền với nền văn minh lúa nước, thiên tai có khi hết sức khắc nghiệt - hơn ai hết - người dân Việt Nam quanh năm lao động cực nhọc “một nắng hai sương”, bám sát mùa vụ để lao động kiếm sống. Với những địa phương miền Bắc, sự khắc nghiệt của mùa đông càng khiến nết chăm chỉ, thói quen "tích cốc phòng cơ" trở nên phổ biến (có những công việc đòi hỏi nết chăm chỉ ở mức cao: "... nuôi tằm ăn cơm đứng”). Trong bối cảnh đó, chuyện bỏ bê ruộng đồng, nương rẫy để ăn chơi, trẩy hội triền miên... xem ra khó có cơ sở; bởi đơn giản không lao động cật lực, lấy gì mà chơi, mà say sưa bất tận "tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè..."!? Tất nhiên, sau những vất vả lo toan, cũng sẽ là những khoảng thời gian nghỉ ngơi; sau những ngày cuồn cuộn công việc cũng có những ngày Tết, ngày hội. Nhưng nghỉ ngơi hay hội hè ở nước ta phần nhiều gắn liền với những nghi lễ mở đầu cho mùa vụ sản xuất mới hay cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, và đều được tiến hành với những nghi lễ thiết thực, phù hợp chứ không quá lố. Việc "gán" cho "tháng Giêng là tháng ăn chơi" - phải chăng là chỉ mang ý nghĩa định mốc thời gian về Tết Nguyên đán với cơ hội được nghỉ ngơi nhiều hơn ngày thường một chút, chứ không hẳn đã là "ăn chơi mút Trời" kéo dài. Cũng càng nên nghĩ về chuyện này: Trong tác phẩm "Kiến văn tiểu lục" của nhà bác học Lê Quý Đôn viết năm 1777 cho biết, ở tập 7 của bộ sách "Kiên biều" (gồm 66 quyển do Chử Nhân Hoạch, đời nhà Thanh, Trung Quốc biên soạn) có một bài thơ với điển tích rằng: Khi sứ thần nước Giao Chỉ qua chơi Tây Hồ ở Hàng Châu, thấy người dân Trung Quốc mải mê vui thú, say sưa nên đã làm một bài thơ rằng: "Một chòm dương liễu, mấy chòm huê Rượu bán bên hồ chén khướt mê Phồn thịnh nước mình đâu giống thế Dâu gai đầy nội buổi xuân về" (Bản dịch của Phạm Trọng Điềm) Ngẫm kỹ từ sự so sánh của tác giả - một sứ thần nước Việt đã có dịp qua nhiều vùng văn hóa khác nhau - càng thấy rõ hơn việc "gán" cho người dân Việt cái thói quen ăn chơi dập dìu những nhóm tài tử, giai nhân "say khướt" triền miên, thật sự là vô lý. Ngược lại, nết chăm chỉ của người Việt Nam khi mùa xuân về thật đáng tự hào với khí thế lao động rộn rã tiếng xe tơ, dệt vải gần xa. Vậy nên, những câu văn vần về sự ăn chơi triền miên - nếu không là lời "chống chế" của một số người quen đắm chìm trong tệ nạn thì cũng chỉ nên hiểu theo hàm ý mỉa mai, phê phán và nhắc nhở khéo những người ham chơi, không chăm chỉ lao động. 2. Đón Xuân Đinh Dậu, đất nước và Thủ đô cũng đón thêm nhiều điều mới. Cả thuận lợi và khó khăn. Cả thời cơ và thách thức. Cả mừng vui và trăn trở. Những ngày nghỉ Tết Nguyên đán khá dài đủ để cảm nhận một mùa xuân thanh bình, vui tươi, tin tưởng đến với mọi miền. Nhưng cũng còn đó những tín hiệu chưa thể hoàn toàn vui về sản xuất, phát triển của đất nước. Theo đánh giá của tổ chức Nikkei (Nhật Bản), trong tháng 1-2017, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam đạt 51,9 điểm - tuy cao hơn mức bình quân 51% của các nước ASEAN - nhưng lại giảm 0,5 điểm so với tháng 12-2016. Đây là điều mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng lưu ý rằng - có mối liên quan với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Đó còn là những phức tạp, khó khăn dự báo sẽ đến với hoạt động xuất khẩu, khi mà chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang dần xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới. Đó là tình hình diễn biến thời tiết còn phức tạp, là những áp lực về tăng trưởng ở tốc độ cao trong bối cảnh phải kiểm soát chặt chẽ lạm phát... Về văn hóa - xã hội, Xuân Đinh Dậu này cũng sẽ ghi dấu khởi đầu nhiều bước tiến mới theo hướng văn minh. Đó là khi Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quyết định tăng mức phạt về hành vi gây mất vệ sinh nơi công cộng từ 10 đến 25 lần. Một quy định thúc đẩy hình thành nét đẹp cộng đồng cùng chung tay nâng cao chất lượng môi trường sống! Đối với thành phố, yêu cầu của "Năm kỷ cương hành chính" càng trở nên sâu sắc hơn khi Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội được ban hành (theo Quyết định số 522/QĐ-UBND ngày 25-1-2017). Thực hiện tốt Quy tắc này, không chỉ là thiết thực xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô “Kỷ cương - Trách nhiệm - Tận tình - Thân thiện”, mà còn góp phần định hướng cho cán bộ các chuẩn mực trong giải quyết công việc với tổ chức và công dân, trong gia đình và xã hội; từ đó góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô và đất nước, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Văn bản, chính sách là vậy. Nhưng để đưa chính sách thấm sâu vào cuộc sống, hình thành những nếp văn hóa mới, tạo ra nền tảng và động lực cho quá trình phát triển đất nước là điều không đơn giản. Tất cả đòi hỏi phải có quyết tâm lớn cùng những biện pháp phù hợp để khắc phục yếu kém, hóa giải khó khăn, thách thức, tạo ra nhiều kết quả lớn hơn. Ngày 2-2-2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 156/CĐ-TTg; ngày 3-2-2017, Chủ tịch UBND thành phố cũng có Công điện số 02/CĐ-UBND về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của trung ương và thành phố là phải kiên quyết chấm dứt tư tưởng nghỉ ngơi sau kỳ nghỉ Tết dài ngày, phải đổi mới mạnh mẽ để thực hiện tốt các kế hoạch kinh tế - xã hội ngay từ tháng đầu, quý đầu. Mục tiêu mới, đòi hỏi mới đang xua đi tinh thần "tháng Giêng là tháng ăn chơi...". Quyết tâm mới, nỗ lực mới đang hình thành một niềm tự hào và tinh thần mới tốt đẹp về tháng Giêng từ chính truyền thống chăm chỉ, khí thế lao động của ông cha. Tháng Giêng là tháng khởi đầu của những thành công mới!

Theo Báo Hànộimới