Để khởi nghiệp thành công, mỗi bạn sinh viên phải đánh giá rõ được đâu là điểm mạnh, điểm yếu của mình để trên cơ sở đó, phát huy thế mạnh, khắc phục điểm yếu, tìm ra “bí quyết” thành công trên bước đường khởi nghiệp đầy khó khăn, thử thách. Trong thực tiễn, có rất nhiều sinh viên trong quá trình học tập, với nhiều lý do khác nhau, nhưng điểm chung là đều có khát vọng được thử sức trong kinh doanh, được khẳng định mình trên bước đường khởi nghiệp, có một số bạn may mắn có sự hỗ trợ đắc lực từ người thân, bạn bè; song, cũng có một số bạn trẻ xuất phát điểm chỉ là ý chí hoặc niềm đam mê, kiên trì mà đi đến thành công. Đối với các bạn sinh viên trong quá trình khởi nghiệp thường gặp phải những vấn đề thắc mắc chung, như: Nên học cái gì? Nên đi theo hướng nào? Những vấn đề nào cần phải giải quyết? Liệu lựa chọn này có đi tới thành công không?
Dưới đây là một số mô hình khởi nghiệp thành công xuất phát từ chính những ý tưởng kinh doanh độc đáo của các bạn sinh viên hoàn toàn có thể tạo cảm hứng, tiếp thêm động lực cho nhiều bạn trẻ trên bước đường khởi nghiệp. Điểm chung ở họ là đều xuất phát từ hai bàn tay trắng, mặc dù tuổi đời còn trẻ, kinh nghiệm ít, song với niềm đam mê, sự kiên trì, bền bỉ, cuối cùng họ đã gặt hái được những thành công nhất định. Họ là một trong những tấm gương điển hình cho nhiều thanh niên ôm ấp hoài bão khởi nghiệp học hỏi, noi theo:
Cô sinh viên mê trà sữa
“ Điều quan trọng nhất để kinh doanh trà sữa đắt khách là bạn phải mang đến cho khách hàng những sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh, hương vị ngon, khác biệt và hợp khẩu vị với đối tượng mục tiêu của bạn. Nếu làm được như vậy, chắc chắn khách hàng dần dần sẽ biết đến và tìm đến bạn”. Đây là chia sẻ của cô sinh viên năm 3, Hoàng Thanh Ngân, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn khi được hỏi về bí quyết thành công trên bước đường khởi nghiệp của mình.
Trước khi vào đại học, Ngân đã có thâm niên bán trà sữa, cụ thể là hỗ trợ mẹ vận hành quán trà sữa ở nhà, mọi hoạt động vận hành quán trà sữa của gia đình cô đều thông thạo tới từng chi tiết. Khi bước vào đại học năm đầu tiên, sau khi ổn định việc ăn ở, sinh hoạt, việc đầu tiên cô nghĩ tới chính là phải tìm một công việc gì đó để kiếm thêm thu nhập và thử sức mình trong hoạt động kinh doanh, vì cô luôn quan niệm “phi thương bất phú”.
Địa điểm mở quán trà sữa gần cổng trường đại học là một lợi thế lớn mà Thảo đã nhìn ra được, sau thời gian khảo sát và thương lượng, cô đã chọn được một địa điểm rất tốt để thực hiện ý tưởng kinh doanh, đó là một không gian nhỏ cạnh trường cô thuê lại của một người bán quán ăn nhưng đã chuyển đi nơi khác. Việc đầu tiên là trang trí quán cho thật độc đáo, phù hợp với đối tượng chính cô xác định là sinh viên. Sau khi chuẩn bị đầy đủ về đồ nghề, nguồn nguyên liệu, cô làm ngay biển “Khai trương quán trà sữa sinh viên, ăn miễn phí trong 3 ngày”. Ngay sau khi biển dựng lên, trong 3 ngày quán của Thảo lúc nào cũng đông kín khách, chủ yếu là các bạn sinh viên. Ấn tượng đầu bao giờ cũng khiến người ta nhớ mãi. Từ ngày thứ tư trở đi, quán của Thảo lúc nào cũng rất đông khách ghé qua. Và giờ đây, Thảo đã mở rộng diện tích kinh doanh, lúc nào cũng có khoảng gần 10 bạn sinh viên phụ giúp cùng. Thu nhập hàng tháng của cô sinh viên quê Bắc Ninh khiến nhiều bạn sinh viên cùng trường phải mơ ước. Thảo chia sẻ: “ Theo kinh nghiệm kinh doanh trà sữa của mình, để thu hút được khách hàng thì ngoài bán trà sữa, nên kết hợp bán thêm một số đồ ăn vặt được các bạn sinh viên yêu thích, như: Khoai tây, khoai lang chiên, sữa chiên, nem rán, nem nướng, xúc xích, hạt hướng dương… để đáp ứng nhu cầu phong phú của khách hàng”.
Chàng trai Ba V ì buôn bưởi sạch
Trong một lần đi xe Bus lên trường, thông qua câu chuyện của 2 người phụ nữ nói về sở thích ăn bưởi của cư dân các khu chung cư ở Hà Nội hiện nay, Nguyễn Đức Toản đã nảy sinh trong đầu ý tưởng nhận ship bưởi cho các cư dân ở các khu đô thị Hà Nội. Qua tìm hiểu, Toản biết được hiện nay người dân ở Hà Nội nói chung và cư dân các khu chung cư nói riêng rất chuộng các rau, củ, hoa quả sạch, bưởi là một trong những hoa quả được nhiều người lựa chọn. Họ thường tìm các mối bưởi ngon, sạch và mua vài chục quả về ăn dần. Tuy nhiên, giá mua cũng không hề rẻ, thậm chí có nguồn mua không ổn định về chất lượng.
Toản quê Ba Vì, ở quê có rất nhiều bưởi ngon, còn xuất đi khắp nơi, vấn đề hiện nay là phải liên hệ được lượng khách ổn định để ship hàng từ quê lên. Là một người trẻ mê công nghệ, Toản dễ dàng tiếp cận, kết nối được với các cư dân ở các khu đô thị Hà Nội. Mục tiêu Toản đặt ra là phải chọn được hàng chất lượng, giá cả phù hợp, đặt chữ tín lên hàng đầu; do đó, chỉ sau vài lần ship hàng, thấy bưởi ngon, giá phù hợp cứ người này giới thiệu cho người khác, đến nay lượng khách hàng lấy bưởi thường xuyên của Toản đã lên tới hàng trăm người. Tính ra, mỗi tháng sau khi trừ các chi phí, Toản cũng đút túi trên dưới 10 triệu đồng. Toản chia sẻ: “ Chỉ khi bước vào thực tiễn kinh doanh, mỗi người mới có được những kinh nghiệm quý, bí quyết thành công trong kinh doanh chính là sự đúc rút sau nhiều lần thất bại. Các bạn sinh viên có nhiều lợi thế để bước vào khởi nghiệp, vấn đề là mỗi người phải nhìn thấy điểm mạnh ở bản thân mình và phát huy nó, chủ động hòa nhập, sẵn sàng đương đầu với khó khăn và không sợ thất bại”.
Cô gái trẻ khởi nghiệp từ sở thích dùng tinh dầu
Nguyễn Phương Thảo (SN 1998, Hải Dương), Học viện Công nghệ bưu chính - Viễn thông, mặc dù tuổi còn trẻ, nhưng ngay từ nhỏ Thảo đã bộc lộ khả năng và sở thích kinh doanh. Lúc nhỏ, Thảo đã cùng mẹ đi lấy hoa về bán mỗi dịp ngày lễ, tết. Vốn có sẵn những trải nghiệm thực tiễn từ nhỏ, khi bước vào đại học, những ý tưởng kinh doanh độc đáo thôi lúc cô phải thực hiện một hoạt động kinh doanh nào đó để vừa trang trải cuộc sống, vừa thỏa mãn đam mê kinh doanh của bản thân. Với lợi thế như vậy, Thảo rà soát các mặt hàng có thể kinh doanh và nhận thấy xu hướng chuộng sử dụng tinh dầu triết xuất tự nhiên là một thị trường tiềm năng có thể khai thác, đối tượng sử dụng rất lớn, có thể dùng làm quà tặng, sử dụng trong phòng, trên xe,... Bản thân cô cũng là người rất mê các sản phẩm từ tinh dầu. Nghĩ là làm, cô bắt đầu lên kế hoạch kinh doanh từ tìm nguồn tin tưởng, rẻ, đến quảng cáo sản phẩm trên các trang mạng xã hội, kêu gọi bè ủng hộ trong việc giới thiệu.
Lúc đầu với số tiền ít ỏi dùng cho chi tiêu cho sinh hoạt hàng tháng và vay mượn được bạn bè, Thảo lấy vài chục hộp, dần tới vài trăm hộp. Chỉ sau một thời gian ngắn số lượng hàng nhập hàng tháng đã tăng lên tới hàng nghìn hộp, lượng khách ổn định ngày càng tăng ngoài dự đoán của Thảo. Thấy công việc kinh doanh thuận lợi, từ kinh doanh tinh dầu, cô nhập thêm các sản phẩm khác như kem tan mỡ, son dưỡng môi, sữa rửa mặt, mặt lạ đắp mặt,… Do kinh doanh giữ được chữ tín, hàng đảm bảo chất lượng nên lượng khách quen ngày càng đông khiến cho doanh thu của Thảo không ngừng tăng lên. Đến nay, Thảo đã phát triển thành đại lý chuyên phân phối cho các bạn sinh viên có nhu cầu kinh doanh, thu nhập hàng tháng từ hoạt động kinh doanh mang về cho Thảo cũng vài triệu đồng, một khoản tiền không nhỏ đối với một sinh viên.
Khi được hỏi về kinh nghiệm trong kinh doanh, Thảo chia sẻ: “ Các bạn sinh viên dù học ở ngành nào cũng nên tìm một công việc làm thêm để có sự trải nghiệm, rút ra kinh nghiệm trước khi khởi nghiệp. Điều này sẽ giúp các bạn thoát khỏi vô vàn câu hỏi sẽ đeo bám bạn suốt cuộc đời, nếu không đi làm đâu hết và tránh cho bạn rất nhiều sai lầm mà nếu không có kinh nghiệm từ trước sẽ có nhiều khả năng vấp phải” .
Nguyễn Văn Hùng