TNV - Trong trường học rác thải nhựa đã và đang là một vấn đề nan giải với nhiều loại rác xâm nhập vào các cơ sở trường học như: ống hút nhựa, hộp xốp dùng một lần, đồ uống đóng chai, kẹo cao su, túi nilon, … có những tiện lợi nhất định, nhưng lại tạo ra một lượng rác thải không nhỏ.
Nhằm nâng cao nhận thức của các bạn học sinh trong việc nói không và giảm thiểu rác nhựa trong trường học hiệu quả thiết thực Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cùng Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên – WWF và Thành đoàn Đà Nẵng, Quận đoàn Thanh Khê cùng các đơn vị liên quan tổ chức chuỗi hoạt động ngoại khóa “Giảm thiểu rác nhựa tại trường học” năm 2022. Chương trình với sự tham gia điều phối tổ chức bởi CLB Liên Kết Trẻ Việt Nam và CLB Môi trường – Đại học Bách Khoa Đà Nẵng.
Hoạt động được diễn ra trong 9 ngày (Từ ngày 2/12/2022 đến ngày 10/12/2022) tại 15 điểm trường THCS, THPT trên địa bàn quận Thanh Khê, Đà Nẵng với các nội dung như: Trao tặng thùng rác tái chế, hoạt động ngoại khóa rèn luyện kỹ năng về phân loại rác cũng như bảo vệ môi trường trong trường học tới các giáo viên, tổng phụ trách đội, sau đó các bạn học sinh cùng tham gia hoạt động nhặt rác tại quanh khu vực trường học.
Đại diện Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF), ông Tạ Anh Tuấn cho biết: “ Hệ sinh thái biển toàn cầu đang đứng trước mối đe dọa liên quan đến rác thải nhựa, xuất phát từ những vật dụng tiện lợi, rẻ tiền gắn chặt với đời sống nhân loại nhiều năm qua. Đặc biệt, rác thải nhựa đại dương không chỉ gây ô nhiễm môi trường, tăng phát thải khí nhà kính, thúc đẩy gia tăng tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu, mà còn đe dọa sự sống của những sinh vật biển, hay sâu xa hơn là sức khỏe con người. Rác thải nhựa khó phân hủy, nằm lại dưới đáy đại dương, trở thành một phần thức ăn đầu độc các loài sinh vật biển.
Để hạn chế tình trạng này, nhiều năm qua Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) tại Việt Nam cũng phối hợp cùng các cơ quan đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... để triển khai một số chương trình kêu gọi người dân không sử dụng túi nilon khi đi mua sắm, phối hợp với phòng Giáo dục - Đào tạo và các trường học tại các địa bàn một số tỉnh triển khai các hoạt động về rác nhựa tới giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, việc thực hiện các chương trình truyền thông ở các địa phương còn nhiều điểm hạn chế, Công tác truyền thông giảm rác thải nhựa đại dương cần được thể hiện bằng những chương trình hành động cụ thể, thay vì biểu ngữ, khẩu hiệu sáo rỗng.
Chương trình “Giảm thiểu rác nhựa tại trường học” năm 2022, bên cạnh việc tuyên truyền hình ảnh, thông điệp trong hoạt động ngoại khóa tại các trường học, chúng tôi trao tặng các thùng rác với mong muốn thế hệ trẻ Việt Nam, cụ thể là tất cả các em học sinh sinh viên hàng ngày, hàng giờ thấy được trách nhiệm của mình với việc giảm thiểu rác thải trong môi trường. Với việc làm dù nhỏ nhất nhưng sẽ tạo ra một ý thức hệ về bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của chúng ta…”
Tại chương trình Ngoại khóa “Giảm thiểu rác nhựa tại trường học”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Thị Phương Anh – Đại diện Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam(VACNE) chia sẻ: “ Là một đất nước với tốc độ tăng trưởng nhanh, Việt Nam đang phải đối mặt với các vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong đó ô nhiễm rác thải nhựa hay còn gọi là “ô nhiễm trắng” đang gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và sức khoẻ của chúng ta. Với mong muốn giúp giải quyết cuộc khủng hoảng này và đạt mục tiêu không có rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030 trên toàn cầu chúng ta phải tuyên truyền mạnh, nhanh và đúng hướng.ViệcTổ chức WWF đầu tư tuyên truyền vào các trường học là một trong những hướng đi tích cực, hiệu quả, nó mang lại cách nhìn, cách chọn lựa phương pháp giảm thiểu rác thải nhựa, hướng đến môi trường sống xanh, sạch và an toàn cho rất nhiều thế hệ tiếp theo. Thông điệp của chúng ta là: Hãy bắt đầu ngay việc bảo vệ và giữ gin môi trường không rác thải nhựa. Chúng ta nói không với sản phẩm tái chế từ nhựa!...”
Ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay, nó đe dọa đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và nhiều hệ lụy khác mà con người phải gánh chịu.
Theo chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) một bi kịch mới được hình thành khi vi hạt nhựa trong đại dương nhiều hơn số sao trong vũ trụ đã biết: Lên tới 12.000 vi hạt trên một lít nước. Báo cáo được công bố 10 ngày trước khi bắt đầu Hội nghị về Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) nhấn mạnh rằng nhựa cũng là một vấn đề khí hậu. Đến năm 2050, lượng phát thải nhà kính CO2 được dự đoán sẽ tăng lên 6,5 tỉ tấn.
Cũng theo số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn trong số đó bị thải ra biển - nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Rác thải nhựa chiếm tỷ trọng khoảng 5 - 10% trong rác thải sinh hoạt. Hàng năm, có tới 13 triệu tấn chất thải nhựa đổ ra đại dương, gây tổn thương đến hệ san hô, hệ động vật đại dương. Chất thải nhựa đổ ra đại dương có thể bao quanh bốn vòng trái đất mỗi năm và nó có thể tồn tại 1.000 năm trước khi bị tiêu hủy hoàn toàn.
Khánh Huyền