TNV - Đại dịch COVID – 19 đã và đang có tác động to lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, các hoạt động thương mại, dịch vụ,... thì chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã giúp đảm bảo phần nào đời sống của một bộ phận người lao động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Trong quý II năm 2021, số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) là 8.129 người, tăng 114,71% so với quý I năm 2021, giảm 38,74% so với quý II năm 2020 và bằng 104,29% bình quân năm 2020.
Trung tâm DVVL Thanh Hóa tạm dừng giao dịch trực tiếp đối với Hồ hưởng sơ đề nghị trợ cấp thất nghiệp.
Trong tổng số người lao động nộp hồ sơ hưởng TCTN thì nhóm lao động phổ thông (không có bằng cấp, chứng chỉ nghề chuyên môn) chiếm tỷ trọng cao nhất (chiếm 65,27%, tăng 21,61 điểm % so với quý I/2021). Đây là nhóm lao động dễ bị thất nghiệp cần có các biện pháp đẩy mạnh công tác hỗ trợ học nghề giúp nâng cao trình độ cho người lao động như mở rộng danh mục nghề đào tạo, đẩy mạnh công tác tư vấn hỗ trợ học nghề... Nhóm lao động có trình độ đại học và trên đại học chiếm tỷ trọng thấp nhất (chiếm 4,55% tổng số lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp; giảm 3,03 điểm % so với quý I/2021).
Nghề nghiệp của người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tập trung chủ yếu ở một số nghề như: Thợ may, thêu và các thợ có liên quan chiếm 46,22% số người nộp hồ sơ hưởng TCTN (tăng 2,16 điểm % so với quý I/2021); kỹ thuật viên điện tử: 13,13%, thợ lắp ráp: 9,25%, thợ hàn: 6,25%...Số người có quyết định hưởng TCTN quý II năm 2021 là 7.198 người, tăng 99,06% so với quý I năm 2021, giảm 36,42% so với cùng kỳ năm 2020. Mức hưởng TCTN trung bình trong quý II năm 2021 là: 3.036.173 đồng/người/tháng.
Để hỗ trợ người lao động trong mùa dịch, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hoá đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhằm đảm bảo an toàn cho cán bộ, tổ chức, cá nhân đến giao dịch. Theo đó, người lao động đến giao dịch sẽ được đo thân nhiệt, sát khuẩn hai vòng (khu vực cổng vào đơn vị và khu vực vào giao dịch làm việc tại các phòng chuyên môn), đeo khẩu trang kháng khuẩn và thực hiện giãn cách theo quy định.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đẩy mạnh thu thập thông tin về thị trường lao động để nắm bắt, cập nhật tình hình biến động lao động, khai thác vị trí việc làm trống để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động và cung cấp thông tin về thị trường lao động cho người sử dụng lao động, góp phần điều tiết thị trường lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác tiếp nhận và giải quyết chế độ BHTN cho người lao động trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thánh Hoá tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách BHTN đến đông đảo người lao động, một mặt khuyến khích người lao động tham gia chính sách BHTN, một mặt tiếp nhận và giải quyết chế độ BHTN cho người lao động; Tăng cường kết nối thông tin với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng nhằm cung cấp đa dạng thông tin vị trí việc làm, giúp người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn việc làm phù hợp với bản thân, hạn chế tình trạng thất nghiệp, tìm được việc làm, góp phần ổn định cuộc sống và đảm bảo an sinh xã hội; Tích cực liên hệ với các cơ sở đào tạo nghề tổ chức đào tạo nghề cho lao động là người thất nghiệp, nhằm giúp người lao động học nghề mới, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm việc làm sau đào tạo; Tăng cường kết nối dữ liệu với Bảo hiểm xã hội tỉnh trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động; đồng thời phát hiện các trường hợp người lao động có việc làm nhưng chưa khai báo kịp thời với Trung tâm trong thời gian hưởng BHTN nhằm đề nghị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Thu Hòa
Trích nguồn từ Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Hóa