Thanh Hóa ước tính còn 3,49% hộ nghèo trong năm 2023

Thứ ba, 07/11/2023 - 09:05

TNV - Báo cáo số 224/BC-UBND ngày 4/10/2023 về việc đánh giá giữa nhiệm kỳ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa nêu rõ: Năm 2022, áp dụng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,79%; từ 6,77% xuống còn 4,99% (giảm 17.791 hộ; từ 67.684 hộ xuống còn 49.893 hộ). Ước tính năm 2023 giảm còn 3,49% vượt mục tiêu do Trung ương, tỉnh đề ra (mục tiêu đề ra giảm 1,5%/năm).

Ảnh minh họa

Cụ thể hơn, Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo cho biết: Tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 phân bổ cho tỉnh Thanh Hóa là 1.640 tỷ 539 triệu đồng. Trong đó, Trung ương đã giao năm 2022 là 486 tỷ 183 triệu đồng, năm 2023 là 458 tỷ 850 triệu đồng, tổng là 945 tỷ 033 triệu đồng; còn lại năm 2024 và 2025 chưa được Trung ương giao là 695 tỷ 506 triệu đồng. Trong tổng vốn Trung ương giao, có 1.249 tỷ 507 triệu đồng hỗ trợ cho 06 huyện nghèo; 202 tỷ đồng hỗ trợ 02 huyện Thường Xuân và Bá Thước thoát nghèo, 57 tỷ 500 triệu đồng hỗ trợ Trường Cao đẳng nghề Nghi Sơn; 41 tỷ 410 triệu đồng hỗ trợ Trường Trung cấp nghề Nga Sơn; 29 tỷ 622 triệu đồng hỗ trợ Trung tâm Dịch vụ việc làm; 60 tỷ đồng hỗ trợ 03 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, xã đảo thuộc huyện Hậu Lộc và thị xã Nghi Sơn.

Kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển được Trung ương phân bổ năm 2022 và năm 2023 lũy kế đến ngày 30/9/2023 là khoảng 410 tỷ 102 triệu đồng/945 tỷ 033 triệu đồng, đạt tỷ lệ 43,4% so với kế hoạch vốn. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh cao hơn tỷ lệ giải ngân Chương trình của cả nước (tỷ lệ giải ngân cả nước trung bình đạt 36,46%). Kết quả giải ngân vốn sự nghiệp được Trung ương phân bổ từ năm 2021 đến năm 2023 lũy kế đến ngày 25/9/2023 được 138 tỷ 216 triệu đồng/685 tỷ 135 triệu đồng, đạt 20,17%, trong đó vốn năm 2022 được kéo dài sang năm 2023.

Ngoài ra, 100% các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn khu vực vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, bao gồm 06 huyện nghèo, 02 xã bãi ngang ven biển và hải đảo (riêng xã Hải Hà, thị xã Nghi Sơn chưa được đầu tư do vướng quy hoạch phân khu của Khu kinh tế Nghi Sơn).

Bên cạnh đó, khoảng 50% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo, đạt kế hoạch đề ra; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm; 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế, trong đó hộ nghèo được hỗ trợ 100%; hộ cận nghèo được hỗ trợ 70% mức đóng. Các mục tiêu khác như tiếp cận giáo dục, nhà ở, thông tin và tín dụng chính sách được thực hiện đầy đủ, kịp thời.

Năm 2022, tỉ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025) của tỉnh giảm còn 4,99%; ước tính đến hết năm 2023, giảm còn 3,49%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Có thể thấy, đây là kết quả rất đáng ghi nhận của Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tỉnh Thanh Hóa trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng đời sống dân cư tích cực, ổn định.

Hùng Cường