Theo quyết định, Ban Quản lý này được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai đơn vị cũ là Ban Quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh và Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang.
Tổ chức mới sẽ trực thuộc UBND tỉnh Bắc Ninh, có tư cách pháp nhân đầy đủ, tài khoản riêng và con dấu mang hình Quốc huy, chịu trách nhiệm quản lý toàn diện hoạt động của các khu công nghiệp tại Bắc Ninh.
Ngoài việc thực hiện các chức năng quản lý nhà nước, Ban Quản lý còn là đầu mối cung ứng dịch vụ hành chính công, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong các KCN theo đúng quy định pháp luật.
Để hoàn tất quá trình chuyển đổi, UBND tỉnh Bắc Ninh được giao phối hợp với Bộ Tư pháp xem xét bãi bỏ hai quyết định cũ liên quan đến thành lập Ban quản lý các KCN Bắc Ninh (năm 1998) và Bắc Giang (năm 2003), đảm bảo tính thống nhất về pháp lý cho bộ máy mới.
Sự ra đời của Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh trong bối cảnh sáp nhập hành chính không chỉ giúp tinh gọn bộ máy, mà còn được kỳ vọng tăng hiệu quả điều phối phát triển công nghiệp vùng, thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn tại địa bàn trọng điểm kinh tế phía Bắc.
Hiện tại, Bắc Ninh đang là một trong những thủ phủ công nghiệp lớn của miền Bắc với 16 khu công nghiệp tập trung (tổng diện tích 6.398 ha), trong đó 10 khu đã hoạt động ổn định, thu hút các tập đoàn lớn như Samsung, Canon, Foxconn, Pepsico... Bên cạnh đó, tỉnh còn có hơn 30 cụm công nghiệp, trong đó khoảng 2.000 ha đã được cho thuê và đưa vào khai thác.
Bắc Giang – địa phương sáp nhập cũng không kém cạnh với 16 khu công nghiệp (quy mô hơn 3.600 ha), đang từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư công nghệ cao. Quy hoạch đến năm 2030, Bắc Giang sẽ nâng tổng số khu công nghiệp lên 32 khu, với quy mô khoảng 7.000 ha. Sự kết hợp giữa hai địa phương sẽ tạo ra một quỹ đất công nghiệp khổng lồ hơn 10.000 ha, đủ sức cạnh tranh trực tiếp với các trung tâm công nghiệp như Hải Phòng hay Quảng Ninh.
Việc thống nhất Ban Quản lý khu công nghiệp cũng mở ra nhiều cơ hội: quy hoạch đồng bộ, thủ tục đầu tư được rút gọn, hạ tầng kết nối xuyên vùng sẽ được triển khai hiệu quả hơn. Nhà đầu tư sẽ dễ dàng tiếp cận quỹ đất quy mô lớn, tận dụng các tiện ích chung, trong khi chính quyền địa phương có thể đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và nâng cao hiệu quả quản lý.
Tâm An