TNV - Chiều ngày 23/3 tại Hà Nội, hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống lao 24/3 Bệnh viện Phổi Trung ương đã tổ chức Lễ phát động “Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao” ( PASTB) và phát động cuộc thi sáng tác về chủ đề “ Cùng hành động để làm nên lịch sử chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam ”.
Bệnh lao hiện nay vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới dẫn đến cái chết của gần 2 triệu người hàng năm và bệnh lao kháng thuốc đã đe doạ an ninh y tế toàn cầu. Toàn cầu mỗi năm có khoảng 11 triệu người mắc lao, trong đó số người tử vong vì bệnh lao lên tới 1,7 triệu người.
PGS.TS.BS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương phát biểu tại buổi lễ
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại Việt Nam, năm 2016 có khoảng 126.000 người mắc lao, số ca tử vong lên tới 13.000 người, cao hơn nhiều so với số chết do tai nạn giao thông, nhưng đây lại là căn bệnh người dân ít khi chú ý.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia cho biết: bệnh lao là căn bệnh nguy hiểm thứ 2 trong những bệnh nhiễm trùng gây tử vong trên thế giới.
PGS.TS.BS Nguyễn Viết Nhung cũng đã chính thức thông tin việc Bộ Nội vụ đã có quyết định về việc thành lập “Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao”. Quỹ nhằm hỗ trợ bệnh nhân lao nghèo trên toàn quốc. Mục tiêu cơ bản là hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho những người bệnh lao chưa có thẻ BHYT, giúp đồng chi trả cho người bệnh trong suốt thời gian điều trị và hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
So với năm 2000, Việt Nam đã giảm 50% số hiện mắc và mắc mới cũng như số tử vong vì bệnh lao. Hiện, số người mắc bệnh lao đang giảm hàng năm khoảng 5 - 6%, số tử vong vì bệnh lao giảm nhanh hơn số mắc do chúng ta tăng được tỷ lệ phát hiện. Trong hai năm 2015 - 2016, cả nước đã giảm được 3.000 người chết vì lao. Nguyên nhân là bệnh nhân được phát hiện sớm, chủ động và nhiều hơn. “Đây là thành tựu rất đáng mừng, nhưng, nhiều người dân còn chưa có ý thức đầy đủ về căn bệnh này, nhiều người cho rằng đó là căn bệnh ở đâu đó rất xa, của những người khác, không liên quan gì đến mình. Nhưng thực tế thì ai cũng có thể mắc lao”, PGS Nhung nói.
Mặt khác, kỳ thị và mặc cảm về bệnh còn nặng nề dẫn đến tình trạng giấu bệnh, không đi khám sớm, hoặc còn nhiều rào cản kể cả rào cản về kinh tế nên phát hiện muộn, kéo dài thời gian lây lan ra cộng đồng.
Hiện nay, cả nước phát hiện được khoảng 100.000 người mắc lao, vì vậy còn gần 30.000 người mắc lao còn chưa được phát hiện, vẫn tiếp tục lây lan trong cộng đồng. Những người không được phát hiện bệnh có tỷ lệ tử vong cao lên tới 40% và vẫn tiếp tục là nguồn lây nhiễm bệnh nguy hiểm cho cộng đồng.
Chăm sóc người bệnh tại Bệnh viện lao phổi
Việt Nam đã đặt chỉ tiêu giảm 30% tỷ lệ hiện mắc và giảm 40% tỷ lệ tử vong do bệnh lao trong vòng 5 năm từ 2015 – 2020. Chương trình Phòng chống Lao quốc gia đã áp dụng khuyến cáo của WHO trong việc sử dụng các test chẩn đoán mới như genExpert, Hain test trong phát hiện sớm bệnh lao và cắt đứt nguồn lây. Đồng thời chương trình cũng thí điểm sử dụng các thuốc mới như Bedquiline và phác đồ điều trị Lao đa kháng ngắn hạn.
Từ đầu năm 2017, Chương trình chống lao quốc gia đã triển khai sàng lọc LPA siêu kháng (Hain test hàng 2) cho tất cả các bệnh nhân có kết quả GeneXpert kháng Rifampicin tại 19 tỉnh, thành phố. Đặc biệt là việc thu nhận bệnh nhân vào các nghiên cứu sử dụng thuốc và phác đồ mới trong điều trị lao kháng thuốc (Bedaquiline và phác đồ 9 tháng) đã hoàn thành giai đoạn đầu tiên của nghiên cứu.
Chiến lược quốc gia Phòng chống lao của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã vạch ra mục tiêu đến hết năm 2020, giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 131/100.000 người dân; giảm số người chết do bệnh lao xuống dưới 10/100.000 người dân; khống chế số người mắc bệnh lao đa kháng thuốc với tỷ lệ dưới 5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện. Tầm nhìn đến năm 2030, tiếp tục giảm số người chết do bệnh lao và giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20/100.000 người dân. Hướng tới mục tiêu để người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao.
pv