Giới thiệu
Thanh niên thế hệ Z sinh ra gắn liền với cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4, vì vậy công nghệ số gần như đã được cài sẵn trong cuộc sống của họ. Gen Z có điểm chung là đều tận dụng năng lực, kiến thức, kỹ năng của bản thân để thu nhận và tương tác với một lượng lớn thông tin trên các ứng dụng của mạng xã hội. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng xuất hiện thông tin ảo, nhiều thông tin chưa được kiểm duyệt, nhiều hiện tượng gây xung đột trên mạng xã hội, tạo thành những làn sóng, ảnh hưởng lớn tới cộng đồng. Làm thế nào để thanh niên gen Z có thể sử dụng và khai thác mạng xã hội một cách hợp lý và hiệu quả là vấn đề cần được quan tâm. Xã hội thông tin ngày càng phát triển, việc xây dựng và phát huy vai trò của thanh niên thế hệ Z dưới tác động của mạng xã hội sẽ góp phần tạo động lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong quá trình toàn cầu hoá.
Đối tượng và phương pháp
Đối tượng nghiên cứu: Bài viết tập trung nghiên cứu về tác động của mạng xã hội đối với sự hình thành nhận thức, tư duy và lối sống của thanh niên thế hệ gen Z.
Phương pháp nghiên cứu: Tác giả sử dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin làm phương pháp chung nhất, đồng thời sử dụng phương pháp phân tích và tổng hợp, logic và lịch sử để hoàn thành bài nghiên cứu “Thanh niên thế hệ Z trước sự phát triển của mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay ”.
Kết quả
1. Mạng xã hội và sự phát triển của mạnh xã hội ở Việt Nam
Theo các nhà khoa học nghiên cứu, mạng xã hội (social network) xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1995 với sự ra đời của trang Classmate nhằm mục đích kết nối bạn học. Tiếp theo là sự xuất hiện của SixDegrees vào năm 1997 với mục đích giao lưu kết bạn dựa theo sở thích. Cho đến nay chưa có một định nghĩa có tính phổ quát về mạng xã hội. Tổng hợp từ nhiều nghiên cứu khác nhau, có thể hiểu “mạng xã hội là “các dịch vụ dựa trên web cho phép các cá nhân tạo hồ sơ công khai hoặc bán công khai trong hệ thống giới hạn, nêu rõ danh sách những người dùng khác với người mà họ chia sẻ kết nối, đồng thời xem và đi qua danh sách kết nối của họ và những kết nối được tạo bởi những người khác trong hệ thống”1. Như vậy, mạng xã hội được hiểu như là dịch vụ nối kết các thành viên có chung sở thích, hoạt động trên nền tảng trực tuyến, internet thông qua các tính năng như chat, e-mail, phim ảnh, voice chat, blog….
Tại Việt Nam, theo khoản 22 Điều 3 Nghị định 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng các dịch vụ Inernet và thông tin trên mạng nêu rõ: “Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác”2.
Đặc điểm nổi bật của mạng xã hội là tính kết nối cộng đồng cao, tốc độ thông tin nhanh, chia sẻ thông tin ở quy mô toàn cầu với nội dung thông tin phong phú đa dạng,… Đây là một trong những ưu điểm nổi bật của mạng xã hội. Ngày nay, người dùng dễ dàng truy cập vào bất kỳ mạng xã hội thông qua thiết bị điện tử có kết nối Internet. Để sử dụng người dùng phải tạo tài khoản, hồ sơ thông tin cá nhân bằng số điện thoại, địa chỉ email,… từ đó họ có thể tự quyết định, sáng tạo và chia sẻ nội dung trên trang cá nhân của mình. Đồng thời, mạng xã hội tạo điều kiện để kết nối tài khoản của người dùng với tài khoản của các nhân, tổ chức khác.
Mạng xã hội có hai hình thức phổ biến là: mạng xã hội chia sẻ thông tin cá nhân (Facebook, Zalo, Instagram, MySpace...), hoặc nền tảng cộng tác biên tập nội dung (Google Docs) và mạng chia sẻ tài nguyên đa phương tiện (Youtube, Flickr, Scribd, Vine, …). Trong các loại hình trên, Facebook là một trong những nền tảng mạng xã hội phổ biến ở Việt Nam và là mạng xã hội lớn nhất toàn cầu với số lượng người dùng không ngừng tăng cao. Facebook được phát hành miễn phí, sử dụng được trên nhiều nền tảng, thiết bị khác nhau khiến nó càng dễ dàng tiếp cận người dùng. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của mạng xã hội là sự ra đời của hàng loạt các ngành nghề trên nền tảng tảng số như KOL, gamer, streamer ( những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội, được nhiều người biết đến) …
Tại Việt Nam, số lượng người sử dụng internet mỗi năm trong nước đều tăng nhanh. Theo số liệu thống kê của Cục Viễn thông tính đến tháng 6-2021, cả nước có trên 68,72 triệu người (chiếm 70,3% dân số) sử dụng internet, cao thứ 12 trên thế giới và thứ 6 ở châu Á; hơn 72 triệu người (chiếm 73,7% dân số) dùng mạng xã hội, chủ yếu là Youtube, Facebook (Việt Nam đứng thứ 7 trong số 10 quốc gia sử dụng Facebook nhiều nhất), trong đó số người sử dụng chủ yếu là sinh viên, thanh thiếu niên, đặc biệt là gen Z, thế hệ sinh ra trong thời kỳ “bùng nổ” công nghệ thông tin.
2. Đặc điểm nổi bật của thanh niên thế hệ Z
Trong cuốn sách “Ẩn số mang tên thế hệ Z”, tác giả Corey Seeliller và Meghan Grace chia sẻ những phát hiện của họ về thế hệ Z (Generation Z, viết tắt: Gen Z), là nhóm nhân khẩu học được sinh ra từ những năm giữa thập niên 1990 đến những năm đầu thập niên 2010 với đặc điểm cơ bản:
Thứ nhất, thanh niên thế hệ Z (Gen Z) là những người thuộc thế hệ kỹ thuật số. Đây là thế hệ đầu tiên sinh ra và lớn lên trong kỷ nguyên 4.0 với sự tiếp cận Internet cùng các thiết bị kỹ thuật số từ rất sớm. Internet và điện thoại di động đã trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống của họ. Thanh niên thế hệ Z được mệnh danh là những “công dân thời đại kĩ thuật số”, họ tận dụng công nghệ để tìm kiếm và xây dựng các mối quan hệ, giải quyết công việc, thậm chí tự tạo sự nghiệp của riêng mình. Tuy nhiên, việc dành quá nhiều thời gian trên các thiết bị công nghệ đã làm giảm đi sự tập trung và chú ý lắng nghe ở Gen Z. Thanh niên gen Z bị phụ thuộc nhiều vào thế giới ảo. Theo các nghiên cứu, ước tính Gen Z dành trung bình khoảng 5 tiếng/ngày trên Internet, do đó hoạt động giao tiếp của họ chủ yếu diễn ra trên không gian số.
Thứ hai, thanh niên thế hệ Z là người sáng tạo nội dung. Họ được đánh giá là thế hệ có tư duy tốt, có khả năng tìm kiếm, sử dụng các nguồn tài nguyên trực tuyến để học hỏi và phát triển các kỹ năng mới. Từ việc kết hợp với yếu tố công nghệ, thanh niên thế hệ Z không ngừng sáng tạo ra những nội dung mới, độc đáo trên các mạng xã hội như Facebook, Instagram, LinkedID, Twitter, Tiktok,… Về lâu dài, sáng tạo nội dung trở thành một cái nghề mà thế hệ Z có thể chọn vì rất dễ thu lợi nhuận từ quảng cáo khi đã có lượng người theo dõi. Điều này cũng tạo ra môi trường cạnh tranh gay gắt. Người sáng tạo nội dung phải suy nghĩ ra kịch bản mới, hay cập nhật kịp thời những vấn đề mang tính thực tiễn cao với tần suất liên tục.
Thứ ba, chia sẻ thông tin qua các mạng xã hội là một trong những đặc điểm ấn tượng của thanh niên thế hệ Z. Mạng xã hội được coi là thế giới riêng của Gen Z, nơi họ cập nhật xu hướng chung của thế giới nhanh nhất, tự tin chia sẻ suy nghĩ và giúp đỡ phát triển những cộng động nhỏ hơn hay thế hệ tiếp nối. Tuy nhiên, một bộ phận thanh niên thế hệ Z chưa ý thức cao về bảo mật thông tin, sẵn sàng chia sẻ thông tin khắp các nền tảng mạng xã hội, sẵn sàng đánh đổi rủi ro thông tin lấy những phần thưởng ảo trên mạng.
Như vậy, thanh niên thế hệ Z là một thế hệ năng động và phức tạp, việc hiểu biết về công nghệ, gắn bó với mạng xã hội được cho là đặc điểm nổi trội của Gen Z.
3. Tác động của mạng xã hội đến của thanh niên thế hệ Z
Ngày nay, sự xuất hiện và phát triển của mạng xã hội cho thấy sự “chuyển động” của Gen Z cả trong tư duy, lối sống và hành động.
Những thông tin chứa đựng nội dung độc hại trên không gian mạng tác động đến nhận thức của thanh niên gen Z về đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hiện nay, trên mạng xã hội những thông tin giả mạo (fake news) khó kiểm soát về mặt nội dung ngày càng bùng nổ. Nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội để kích động bạo lực, đưa thông tin sai sự thật,… diễn ra khá phổ biến, gây hoang mang cho dư luận, ảnh hưởng lớn đến tình hình trật tự, an ninh, quốc gia. Nghiên cứu gần đây cho thấy một số dạng thức thông tin giả mạo hiện đang lưu hành trên mạng xã hội đặc biệt là facebook như: Thông tin chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng và cách mạng Việt Nam, phủ định chủ nghĩa Mác Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Thông tin xuyên tạc đường lối của Đảng, lịch sử của dân tộc; kích động, phá hoại sự thống nhất quốc gia, dân tộc, gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, …Một khối lượng lớn thông tin trên đã tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ và nhận thức của thanh niên gen Z trước những vấn đề lớn của đất nước. Với đặc điểm vốn có của mình, thanh niên gen Z thích chứng tỏ khả năng tư duy phản biện. Họ thể hiện quan điểm của mình trước những thông tin mà họ nhận được từ việc truy cập vào các ứng dụng của mạng xã hội. Trên thực tế, một khối lượng thông tin trên mạng xã hội đang bị pha trộn giữa thông tin tốt với thông tin xấu, thông tin thực và thông tin ảo; thông tin thiếu tính định hướng và hoàn toàn chưa có sự kiểm chứng đã tác động tiêu cực đến suy nghĩ của thanh niên gen Z. Họ không nhận thức rõ được tính hai mặt của các thông tin trên mạng xã hội nên đã có những hành động, phát ngôn sai lệch, thiếu chuẩn mực. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tư tưởng, đạo đức, lối sống của thanh niên gen Z hiện nay.
Mạng xã hội tác động đến sự hình thành và định hướng nhân cách của gen Z. Nhân cách chính là con người xét về mặt bản chất xã hội, hoạt động xã hội và giá trị xã hội của người đó. Sự phát triển nhân cách bao gồm cả phát triển về thể chất, tâm lý. Sự phát triển của mạng xã hội đều ảnh hưởng lớn đến tư duy, hành động và định hướng giá trị nhân cách của thanh niên gen Z. Mạng xã hội đã và đang tạo ra môi trường giáo dục, chia sẻ thông tin về các giá trị, để trong không gian đó thanh niên thể hiện quan điểm cá nhân và điều chỉnh hành vi của mình. Tham gia mạng xã hội, gen Z có thể tạo lập các mối quan hệ, chia sẻ thông tin, cũng như tham khảo ý kiến của mọi người về quan điểm, thái độ sống, hành vi ứng xử thông qua những nội dung mà gen Z quan tâm như: giá trị cuộc sống, trách nhiệm xã hội; giữ gìn giá trị truyền thống văn hoá dân tộc;…
Bên cạnh những tác động tích cực, mạng xã hội cũng là nơi cung cấp thông tin phản giá trị ảnh hưởng tiêu cực đến sự hình thành tính cách của gen Z. Một bộ phận thanh niên sẵn sàng có những phát ngôn gây sốc, thiếu suy nghĩ trên mạng xã hội; họ không ngại sáng tạo những nội dung không lành mạnh, phản cảm tung lên mạng chỉ để gây ấn tượng. Không ít thanh niên sống thiếu lý tưởng, sống theo sở thích ích kỷ của bản thân, bất chấp những rào cản về thuần phong mỹ tục, những chuẩn mực văn hóa, đạo đức xã hội. Sự xuất hiện những thuật ngữ “sống ảo”, “nhân cách ảo” là biểu hiện lối sống vô cảm của gen Z.
Sự phát triển của mạng xã hội tác động đến lối sống, hành vi của gen Z. Thanh niên gen Z sử dụng mạng xã hội như một công cụ để tìm kiếm tài liệu phục vụ học tập, chia sẻ thông tin, giải trí hoặc kết nối bạn bè. Tuy nhiên, với đặc tính Họ bắt đầu có dấu hiệu bị ràng buộc bởi chiếc smartphone hay thiết bị điện tử. Kết quả khảo sát năm 2020 cho thấy, thời gian sử dụng mạng xã hội hàng ngày của giới trẻ ở Việt Nam chiếm tỷ lệ cao nhất là: từ 1-3 tiếng (35,7%); từ 3-5 tiếng (25,7%); trên 5 tiếng chiếm (22,6%); ít hơn 1 tiếng (16,0%)3. Bên cạnh đó, theo thống kê từ Google, tính đến tháng 6 năm 2023 thời lượng trung bình một người dành ra trong một ngày để sử dụng mạng xã hội là 2h52p và gần 45% người dùng ở độ tuổi 18 - 34 tuổi kiểm tra mạng xã hội của mình ngay khi thức dậy cũng như trước khi ngủ. Điều này vừa là dấu hiệu tích cực vừa là nguy cơ xuất hiện hàng loạt các hệ luỵ như: lãng phí thời gian vào mạng xã hội dẫn đến tình trạng suy giảm hoạt động, hạn chế tính sáng tạo; thiếu sự tương tác với mọi người; xuất hiện bạo lực trên không gian mạng, gia tăng bệnh trầm cảm, … Đây chính là tác nhân làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, sự hình thành lối sống, hành vi tốt đẹp của con người, nhất là thế hệ gen Z.
Những năm gần đây, sáng tạo nội dung trên mạng xã hội đã trở thành xu hướng nghề nghiệp và sân chơi tiềm năng cho người đam mê sáng tạo. Các mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube, Instagram... đang tạo thêm lựa chọn về nghề nghiệp cho giới trẻ. Đây là một xu hướng mới của thế hệ gen Z. Một số công việc đem lại nguồn thu chính là chụp ảnh, quay phim, chỉnh sửa ảnh/video, tạo nội dung trên mạng xã hội, lập trình web/game... Theo các chuyên gia nghiên cứu thì gen Z đang đặt cược vào nền kinh tế, sáng tạo và truyền cảm hứng cho việc theo đuổi các công việc phi truyền thống. Tuy nhiên, chỉ vì những lượt xem ảo trên mạng xã hội, muốn có nhiều người xem (view), yêu thích ( like) và chia sẻ (share) nội dung sáng tạo của mình mà nhiều người sẵn sàng tạo nội dung không có tính giáo dục, phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục, thậm chí vi phạm pháp luật.
4. Một số giải pháp khắc phục tác động tiêu cực của mạng xã hội đến thanh niên thế hệ Z
Mạng xã hội đã và đang tạo ra nhiều giá trị thật - ảo tác động mạnh mẽ đến đến mọi người, đặc biệt là thanh niên thế hệ Z. Khắc phục tác động tiêu cực của mạng xã hội đến thanh niên gen Z là yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi các giải pháp mang tính đồng bộ như:
- Triển khai và thực hiện nghiêm túc những văn bản, chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước ban hành về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; Luật An ninh mạng; quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Đồng thời, tăng cường các biện pháp xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của thanh niên gen Z trong việc chia sẻ thông tin; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi thông tin có nội dung xấu, độc hại trên mạng xã hội; nhận diện kịp thời các thủ đoạn có tính chất nguy hại đối với cá nhân và xã hội. Từ đó, trang bị kiến thức cần thiết để mỗi người có thể tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống.
- Thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháp phòng, chống tác động tiêu cực của mạng xã hội đến thanh niên. Bổ sung, cập nhật những nội dung cần thiết đáp ứng yêu cầu phòng, chống tác động tiêu cực của mạng xã hội, kích thích tính tích cực, sáng tạo, tự chủ; thực hành sử dụng mạng xã hội đúng mục đích, phục vụ hữu ích việc học tập, sinh hoạt.
- Định hướng thông tin, cung cấp thông tin cho thanh niên gen Z khi sử dụng mạng xã hội (chú ý phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn, vùng, miền khác nhau). Khơi dậy và phát huy năng lực, ý tưởng, sáng kiến của từng thanh niên trong quá trình tham gia các hoạt động thực tiễn.
- Tiếp tục phát huy vai trò của gia đình và nhà trường trong việc quản lý, giáo dục và định hướng thế hệ trẻ sử dụng mạng xã hội một cách tích cực; hướng họ đến những hành vi và lối sống tốt đẹp, có ích cho bản thân, gia đình và cho cộng đồng; tuân thủ theo quy tắc 5K: “Không tin ngay - Không kích động - Không vội đăng tải, bình luận - Không vội chia sẻ - Không thêm/bớt”; thực hiện tốt phương châm “Nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, “lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực” để lan tỏa những giá trị sống tốt đẹp đến mọi người xung quanh, góp phần vào việc xây dựng văn hóa ứng xử trên không gian mạng văn minh và nhân văn.
Kết luận
Thế hệ thanh niên gen Z ra đời gắn liền với thời đại công nghệ, họ được gọi mệnh danh là “Công dân của thời đại số hóa”. Cùng với đặc điểm của mình, gắn với yếu tố thời đại, thế hệ gen Z cần được bồi dưỡng, rèn luyện để hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình. Trước những tác động mạnh mẽ của mạng xã hội, việc giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên trên không gian mạng là cấp bách. Thanh niên gen Z cần được thường xuyên định hướng giá trị nhân cách và lối sống tốt đẹp, nâng cao sức đề kháng trước tác động tiêu cực của các trang mạng xã hội; giáo dục ý thức, trách nhiệm xã hội cho thanh niên gen Z để có kiểm soát được các hành vi của bản thân. Đây không chỉ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị mà còn là trách nhiệm của chính bản thân thanh niên gen Z, những chủ nhân của kỷ nguyên số, chủ nhân của đất nước trên con đường hội nhập quốc tế.
LỜI CẢM ƠN
Tôi xin cảm ơn Trường Đại học Bách khoa, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện và hỗ trợ cho nghiên cứu này.
---------------------------------------------------------------
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1. Nguyễn Lan Nguyên (2020), Tác động của mạng xã hội facebook đến sinh viên hiện nay: Thực trạng và đề xuất chính sách, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Nghiên cứu Chính sách và Quản lý.
2. Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ: Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng
3. Tạp chí công thương (2021), Nâng cao tính tích cực của mạng xã hội cho giới trẻ, truy cập từ Tapchicongthuong.vn/bai-viet/nang-cao-tinhtich-cuc-cua-mang-xa-hoi-cho-gioi-tre-79778.htm
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1] Chính phủ (2013), Nghị định số 72/2013/NĐ- CP của Chính phủ: Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, Hà Nội.
[2] Nguyễn Lan Nguyên (2020), “Tác động của mạng xã hội facebook đến sinh viên hiện nay: Thực trạng và đề xuất chính sách” , Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Nghiên cứu Chính sách và Quản lý.
[3] Báo điện tử đại biểu nhân dân (2023), “Bức tranh đặc điểm tâm lý của thế hệ Gen Z”, truy cập từ https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/buc-tranh-dac-diem-tam-ly-cua-the-he-gen-z-i313353/
[4] Đỗ Thị Anh Phương (2021), “Nâng cao tính tích cực của mạng xã hội cho giới trẻ” Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4, tháng 2. Truy cập tại https:// tapchicongthuong.vn/bai-viet/nang-cao-tinh-tichcuc-cua-mang-xa-hoi-cho-gioi-tre-79778.htm
TS An Thị Ngọc Trinh - Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TPHCM