Thanh niên với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay

Thứ hai, 03/02/2025 - 23:37

Thanh niên là lực lượng nòng cốt của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, là nhân tố quan trọng, quyết định tương lai và vận mệnh của đất nước. Trước những yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong tình hình mới, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cần phát huy vai trò của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay

1. Vai trò của thanh niên với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay

Thanh niên là một lực lượng xã hội đông đảo, tư duy nhanh nhạy, nhiệt huyết, sáng tạo, có khả năng thích ứng nhanh với những thay đổi của xã hội, ứng dụng nhanh tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào học tập, rèn luyện, phục vụ công việc, có nhiều đam mê, khát vọng, có mục đích, động cơ phấn đấu vươn lên không ngừng, mong muốn được cống hiến, khẳng định mình. Chủ nghĩa Mác - Lênin coi thanh niên là cội nguồn sự sống của dân tộc, là nguồn sinh lực chiến đấu của sự nghiệp giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng xã hội mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã sớm nhận thức được vị trí, vai trò của thanh niên đối với sự nghiệp xây dựng đất nước, bên cạnh đó Người còn hiểu rõ tầm quan trọng của việc khơi dậy phong trào hành động và phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng của Đảng. Đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay, vai trò, vị trí của thanh niên vẫn luôn được khẳng định là lực lượng xung kích, đi đầu, luôn nêu cao tinh thần yêu nước và trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử từ những thuở sơ khai cho đến hiện nay, thanh niên Việt Nam luôn giữ vai trò quan trọng, thể hiện tinh thần xả thân trong các cuộc chiến tranh giữ nước và luôn là lực lượng quan trọng trong thời kỳ kiến thiết đất nước. Thanh niên Việt

Nam trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong thời kỳ kiến thiết đất nước sau chiến tranh, trong thời kỳ đổi mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước luôn phát huy truyền thống của dân tộc, luôn nêu cao tinh thần xung phong, tình nguyện, xung kích đi đầu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Tại nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, Đảng tiếp tục nhấn mạnh và khẳng định vai trò của thanh niên: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo, phát huy thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước”.

Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu:“Thanh niên nước ta, hết thế hệ này đến thế hệ khác đã luôn luôn nêu cao truyền thống yêu nước, chí khí anh hùng, bất khuất của dân tộc, không ngại gian khổ, không sợ hy sinh, sẵn sàng dấn thân, hăng hái xông pha đi tiên phong trên mọi lĩnh vực, có nhiều cống hiến to lớn vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Từ khi có Đảng lãnh đạo, các thế hệ thanh niên Việt Nam đã nối tiếp nhau cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đánh đuổi các thế lực thực dân, phong kiến, đế quốc, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, thống nhất đất nước.” cho thấy vai trò của thanh niên luôn được đề cao và ghi nhận.

Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước.1 Theo đó, bồi dưỡng niềm tin về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cho thanh niên là toàn bộ hoạt động giáo dục, rèn luyện của lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị, địa phương và sự tự tu dưỡng, rèn luyện của thanh niên, nhằm làm phong phú thêm tri thức, giáo dục, xây dựng tư tưởng, tình cảm và rèn luyện ý chí của thanh niên để họ luôn có niềm tin xã hội chủ nghĩa vững chắc, góp phần hình thành, phát triển phẩm chất, nhân cách cho thanh niên, xứng đáng là lực lượng kế cận sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng.

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng, quá độ lên chủ nghĩa xã hội, với mục tiêu hướng tới một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và phát triển bền vững. Con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự cống hiến và nỗ lực không ngừng của toàn thể nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Con đường này không chỉ bao gồm các cải cách kinh tế, xã hội, mà còn đòi hỏi sự đổi mới trong tư duy chính trị, khoa học công nghệ, giáo dục và văn hóa.

Đảng Cộng sản Việt Nam từng bước nhận thức ngày càng đúng đắn hơn, sâu sắc hơn về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội; từng bước khắc phục một số quan niệm đơn giản trước đây như: đồng nhất mục tiêu cuối cùng của chủ nghĩa xã hội với nhiệm vụ của giai đoạn trước mắt; nhấn mạnh một chiều quan hệ sản xuất, chế độ phân phối bình quân, không thấy đầy đủ yêu cầu phát triển lực lượng sản xuất trong thời kỳ quá độ, không thừa nhận sự tồn tại của các thành phần kinh tế; đồng nhất kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản; đồng nhất nhà nước pháp quyền với nhà nước tư sản...

Cho đến nay, mặc dù vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nhưng Đảng ta đã hình thành nhận thức tổng quát: Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Để thực hiện được mục tiêu đó, cần phải: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức; Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; Bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Đảng ta đã khẳng định: “Tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi toàn Đảng phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, có quyết tâm chính trị cao… đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững”2. Mà đối tượng thanh niên phải là những người đi đầu trong việc học tập và áp dụng các tri thức mới, phát triển sáng tạo, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, và góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Bên cạnh những mặt tích cực của một lực lượng thanh niên hăng say cống hiến hết mình đem lại năng suất, hiệu quả, thành tích tốt trong công việc, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực cho quê hương, đất nước với tinh thần lập thân, lập nghiệp thì vẫn còn một bộ phận không nhỏ đối tượng thanh niên thờ ơ, đứng ngoài công cuộc phát triển đất nước, mơ hồ về trách nhiệm của bản thân đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay. Lợi dụng lực lượng thanh niên chưa trưởng thành, trình độ văn hóa chưa cao, chưa vững về lập trường chính trị và tư tưởng, nhận thức, dễ bị lung lay, dao động, nhiều thanh niên đã bị các thế lực phản động đã lôi kéo, dụ dỗ, kích động và trở thành những đối tượng chống phá Đảng và Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định an ninh chính trị đất nước. Đây là một bộ phận cần được kịp thời khoanh vùng, cần có sự vào cuộc từ gia đình, các cơ quan có thẩm quyền nhằm giáo dục, dịnh hướng để họ có những nhận thức đúng đắn và những hành động chuẩn mực cho xã hội.

2. Một số giải pháp phát huy vai trò của thanh niên với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay

Một là, thanh niên cần phải phát huy cao độ tính tự giác, chủ động, tích cực của thanh niên trong tham gia học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, bồi đắp lý tưởng cách mạng trong sáng.

Bối cảnh quốc tế hiện nay đang tác động mạnh mẽ đối với thanh niên, tác động một cách toàn diện lên tư tưởng, tình cảm, lối sống, nhu cầu của từng thanh niên. Do đó, thanh niên phải rèn luyện để có lập trường tư tưởng vững vàng, có lòng yêu nước, có niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, có đạo đức trong sáng và lối sống lành mạnh; tích cực tham gia vào các cuộc đấu tranh bảo vệ Đảng, Nhà nước và bảo vệ cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch và các tiêu cực, tệ nạn xã hội

Hai là, phát huy vai trò tích cực học tập, nâng cao trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn, tay nghề góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay. Phải xây dựng một xã hội học tập với tinh thần “học, học nữa, học mãi”, phải chủ động trong rèn luyện bản thân, không ngừng cải thiện về mọi mặt nhất là đạo đức, lối sống. Phải học cho thực chất, tay nghề cho thành thạo, tánh tình trạng học theo phong trào, cho đủ bằng cấp mà thực chất lại không thu được kết quả gì.

Ba là, tăng cường mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, phát hiện và bồi dưỡng cho ước mơ, hoài bão của thanh niên. 

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Thực hiện những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội. Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hoá Việt Nam”.3 Theo đó, công tác chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng, phát triển thanh niên phải đi vào thực chất, bền vững, dựa trên “kiềng ba chân” gia đình, nhà trường và xã hội, gắn kết với nhau trong các khâu, các bước giáo dục, bồi dưỡng thanh niên, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của gia đình: “Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ”4

Bốn là, thanh niên phải xung kích đi đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, phải tiên phong sáng tạo trong công việc.

Thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn phát triển kinh tế cho đoàn viên thanh niên. Đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, khuyến nông, khuyến lâm, thông tin công tác Đoàn, tài liệu khoa học - kỹ thuật, phổ biến các kiến thức về chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế.

Năm là, hoàn thiện và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, pháp luật cho thanh niên Việt Nam “lập thân, lập nghiệp”, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội. Cần xây dựng cơ chế đặc thù đặc thù riêng để tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích thanh niên tích cực tham gia làm kinh tế, làm giàu cho gia đình và xã hội. Có cơ chế tạo điều kiện, khen thưởng xứng đáng, khuyến khích thanh niên tham gia nghiên cứu khoa học, có những sản phẩm sáng chế, phát minh khoa học hữu ích, tạo cơ hội cho thanh niên đóng góp năng lực, tài năng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước phát triển đi lên ngày càng phồn vinh, giàu đẹp.

Kết luận

Trong bối cảnh Việt Nam đang không ngừng nỗ lực hoàn thiện mô hình và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, thanh niên luôn giữ vai trò tiên phong và quan trọng. Thanh niên là lực lượng nòng cốt, mang trong mình trách nhiệm lớn lao đối với sự phát triển của đất nước. Họ không chỉ là những người kế thừa mà còn là những người trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và hiện đại. Có thể nói, thanh niên Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vai trò xung kích trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội nói chung và với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay nói riêng mang lại những lợi ích to lớn cho cộng đồng và xã hội. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam tuy còn rất dài với nhiều khó khăn, thách thức; các nhân tố xã hội chủ nghĩa được hình thành xác lập và phát triển đan xen, cạnh tranh với các nhân tố phi xã hội chủ nghĩa nhưng với một tinh thần đồng lòng quyết tâm của toàn dân tộc, với bản lĩnh vững vàng của một thế hệ tương lai thì sự nghiệp đổi mới và phát triển ở Việt Nam sẽ ngày càng rõ nét.

-----------------------------------------------------------------

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1. Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.310

2. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021,tr.109

3. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.143

4. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.144

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội

2. Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030

3. Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

4. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991

 NGUYỄN THỊ NGÀ

Tổng thư ký - Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam