Chủ động ứng phó trong bối cảnh dịch bệnh còn tiềm ẩn
Ngày 21/5, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Phó giám đốc Sở Y tế Ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh – đã ký ban hành văn bản khẩn gửi các đơn vị y tế trực thuộc, yêu cầu chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong bối cảnh biến chủng Omicron XEC đã được ghi nhận tại nhiều quốc gia và có dấu hiệu lan rộng.

Theo thông tin từ cuộc họp giữa Sở Y tế với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1, Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) và các chuyên gia truyền nhiễm ngày 20-5, biến chủng XEC không phải là biến chủng mới xuất hiện gần đây mà đã được ghi nhận từ tháng 6-2024. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện xếp biến chủng này vào nhóm nguy cơ thấp – nhóm cần theo dõi nhưng chưa có bằng chứng cho thấy mức độ nguy hiểm cao hơn các biến thể trước.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy số ca mắc COVID-19 đang gia tăng trở lại tại nhiều quốc gia như Brazil, Anh, Thái Lan… Trong khi đó, tại Việt Nam, từ đầu năm 2025 đến nay đã ghi nhận rải rác 148 trường hợp mắc tại 27 tỉnh, thành phố, với xu hướng tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây (trung bình 20 ca/tuần). Mặc dù chưa ghi nhận ổ dịch tập trung và không có trường hợp tử vong, nhưng nguy cơ dịch bệnh bùng phát vẫn luôn hiện hữu, đặc biệt trong môi trường bệnh viện – nơi tập trung người bệnh thuộc nhóm nguy cơ cao.
Tăng cường giám sát, kiểm soát nghiêm trong bệnh viện
Trước thực tế trên, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Trọng tâm là tăng cường giám sát việc tuân thủ vệ sinh tay và đeo khẩu trang đối với toàn bộ người ra vào bệnh viện – bao gồm nhân viên y tế, bệnh nhân, thân nhân và khách thăm.

Cùng với đó, các bệnh viện được yêu cầu rà soát, cập nhật kế hoạch thu dung, điều trị COVID-19 tại đơn vị, chủ động bố trí nhân lực, vật tư, thuốc men, sinh phẩm xét nghiệm sẵn sàng cho các tình huống dịch có thể diễn biến phức tạp. Đặc biệt, phải chuẩn bị các phương án đảm bảo điều trị hiệu quả cho người bệnh COVID-19 khi có chỉ định nhập viện, tránh để xảy ra tình trạng quá tải cục bộ hoặc thiếu trang thiết bị y tế cần thiết.
Sở Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan trong bệnh viện. Nhóm người bệnh có nguy cơ cao, như người cao tuổi, bệnh nhân suy giảm miễn dịch, bệnh nhân mắc bệnh nền, cần được bảo vệ đặc biệt.
Các bệnh viện khi tiếp nhận trường hợp bệnh nhân COVID-19 nặng hoặc có biến chứng cần chủ động hội chẩn, chuyển tuyến kịp thời đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để tiếp tục điều trị, đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người bệnh trong quá trình chuyển viện.
HCDC giữ vai trò đầu mối giám sát dịch
Trong kế hoạch ứng phó chung, Sở Y tế TP.HCM giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) giữ vai trò đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan để giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế, nhằm kịp thời đưa ra cảnh báo, dự báo, đề xuất các biện pháp can thiệp phù hợp với diễn biến thực tế.
HCDC cũng sẽ phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP.HCM và các đơn vị y tế địa phương để thực hiện lấy mẫu xét nghiệm tại các ổ dịch, bệnh viện, đặc biệt là các ca bệnh nặng, nhằm xác định biến thể virus và theo dõi tốc độ lây lan. Công tác xét nghiệm không chỉ giúp xác định nhanh các ca bệnh, mà còn đóng vai trò trọng yếu trong việc nắm bắt xu hướng dịch tễ và có hướng can thiệp phù hợp.
Để đảm bảo hoạt động giám sát chủ động không bị gián đoạn, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế chủ động đảm bảo đủ hóa chất, sinh phẩm, vật tư tiêu hao và trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch. Đồng thời, cần đảm bảo năng lực hoạt động của các lực lượng phòng dịch tuyến đầu.
Truyền thông phòng dịch: không lơ là, không chủ quan
Một nội dung quan trọng khác được nhấn mạnh là yêu cầu các bệnh viện tăng cường truyền thông nội bộ và cộng đồng về phòng chống dịch. Theo đó, các cơ sở y tế phải tổ chức tuyên truyền cho toàn bộ nhân viên y tế, người bệnh, thân nhân về các biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách và tuân thủ hướng dẫn của nhân viên y tế.

Ngoài ra, cần giám sát chặt việc thực hiện các biện pháp phòng dịch của người dân khi đến bệnh viện; đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu rằng COVID-19 vẫn còn là nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong môi trường bệnh viện – nơi có nhiều bệnh nhân yếu thế.
Bên cạnh động thái của TP.HCM, Bộ Y tế cũng đã ban hành văn bản yêu cầu các bệnh viện trên cả nước sẵn sàng tiếp nhận, cách ly và điều trị ca bệnh COVID-19 khi cần thiết. Trong đó, nhấn mạnh việc chuẩn bị sẵn sàng khu cách ly, vật tư y tế, thiết bị và nhân lực để kiểm soát lây nhiễm.
Cảnh giác nhưng không hoang mang
Thực tế, chủng Omicron XEC hiện vẫn được đánh giá là biến thể có nguy cơ thấp. Tuy nhiên, với bài học từ những đợt dịch trước, việc chủ động phòng ngừa, đặc biệt tại các bệnh viện, vẫn là chiến lược then chốt để không bị động khi dịch quay trở lại.
Là địa phương từng là tâm dịch của cả nước trong giai đoạn 2021-2022, TP.HCM không chủ quan với bất kỳ diễn biến nào của dịch bệnh. Việc siết chặt các biện pháp kiểm soát tại bệnh viện không chỉ là bước đi kịp thời trước những dấu hiệu đáng lo trên thế giới, mà còn thể hiện sự chủ động trong bảo vệ sức khỏe người dân và duy trì hệ thống y tế ổn định, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Đeo khẩu trang, rửa tay đúng cách – những hành động tưởng như đơn giản – nay tiếp tục là tuyến phòng thủ đầu tiên trước virus SARS-CoV-2. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn âm ỉ, việc không lơ là, không chủ quan là điều kiện tiên quyết để bảo vệ cộng đồng, đặc biệt là trong môi trường nhạy cảm như bệnh viện.
Tấn Tài