Thành phố Yên Bái triển khai sáng kiến trồng rừng không dùng ngân sách Nhà nước

Thứ năm, 27/06/2024 - 09:03

TNV - Được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư Đề án “Trồng rừng cây đa mục đích, tạo cảnh quan môi trường sinh thái và phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn thành phố Yên Bái giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, nhưng sau gần 01 năm triển khai thực hiện do không nhận được sự hưởng ứng từ các chủ rừng, Hạt Kiểm lâm thành phố Yên Bái đã có sáng kiến huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ cây giống trực tiếp cho người dân. Nhờ vậy đã khơi thông được điểm nghẽn, tiết kiệm hàng trăm triệu đồng ngân sách cho Nhà nước và nhận được sự tham gia tích cực của các chủ rừng, nhân dân.

Lực lượng Kiểm lâm và Đoàn Thanh niên ra quân trồng rừng cây đa mục đích. Ảnh: KL

Theo đó, sau gần 02 tháng Đề án “Trồng rừng cây đa mục đích, tạo cảnh quan môi trường sinh thái và phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn thành phố Yên Bái giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” được Hội đồng nhân dân thành phố Yên Bái thông qua, đến ngày 09/2/2022 UBND thành phố đã ban hành kế hoạch và giao nhiệm vụ chủ đầu tư thực hiện đề án cho Hạt Kiểm lâm thành phố.

Tháo gỡ được điểm nghẽn, các chủ rừng tích cực đăng ký tham gia

Cụ thể, Hạt Kiểm lâm có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan  và Ủy ban nhân dân các xã, phường triển khai tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có đất rừng (gọi tắt là chủ rừng) đăng ký tham gia đề án trồng rừng cây đa mục đích trên địa bàn đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn đề án đưa ra. Thời gian thực hiện 04 năm, kể từ năm 2022 đến hết năm 2025, với mục tiêu hoàn thành trồng 39,2 ha rừng cây đa mục đích tập trung trên địa bàn thành phố.

Về phía thành phố sẽ hỗ trợ cây giống (Muồng đen, Lát hoa, Giổi xanh, Trám) cho các chủ rừng đăng ký tham gia với định mức 8 triệu đồng/ha; đồng thời yêu cầu các chủ rừng tham gia đề án chủ động mua cây giống tại các cơ sở cung cấp cây giống theo quy định bắt buộc, hoàn thiện các thủ tục thanh quyết toán, và cam kết trồng rừng sau 15 năm mới được thu hoạch tỉa,..

Nhưng trong thời gian hơn 01 năm phối hợp với UBND các xã, phường tuyên truyền đến các chủ rừng về lợi ích kinh tế, môi trường của việc tham gia đề án, Hạt Kiểm lâm thành phố không nhận được tín hiệu tham gia hưởng ứng từ phía các chủ rừng. “Nguyên nhân là do thủ tục rườm rà, kinh phí hỗ trợ không cao, thời gian cho phép thu hoạch dài gấp 2 – 3 lần so với trồng keo, quế,.. nên các chủ rừng e ngại, không mặn mà tham gia.” – ông Nguyễn Anh Tuấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Yên Bái cho biết.

Các lực lượng và bà con nhân dân tổ chức trồng rừng giúp hộ ông Hoàng Viết Mười, tổ 3, phường Minh Tân, TP. Yên Bái. Ảnh: KL.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, xuất phát từ thực tiễn đó, với tinh thần trách nhiệm cao để hoàn thành nhiệm vụ, Hạt Kiểm lâm thành phố Yên Bái đã có sáng kiến triển khai thực hiện đề án nhưng không dùng  ngân sách Nhà nước mà bằng huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ cây giống trực tiếp cho người dân, nhằm
tháo gỡ điểm nghẽn về hồ sơ thủ tục cho các chủ rừng. Cùng đó, hướng dẫn các chủ rừng trồng xen canh cây keo, bồ đề, quế để lấy ngắn nuôi dài, cộng với nguồn thu từ bán hạt Giổi, quả Trám (sau khoảng 5-7 năm trồng sẽ cho thu hái quả) là bài toán kinh tế khả thi để cho những người trồng rừng yên tâm trồng các
loài cây gỗ lớn đa mục đích, có giá trị cao và có thời gian dài như yêu cầu đề án. 

Từ đây, Hạt Kiểm lâm thành phố và chính quyền các xã, phường gặp nhiều thuận lợi trong công tác tuyên truyền vận động, các chủ rừng tích cực đăng ký tham gia; do đó, diện tích trồng rừng cây đa mục đích của thành phố từ con số 0 đã tăng lên nhanh chóng.

Năm 2023 – năm đầu tiên triển khai sáng kiến - trên địa bàn thành phố đã thực hiện trồng được 10,8 ha rừng cây đa mục đích tập trung và 550 cây phân tán với 100% là cây Giổi. Trong đó, có 04 hộ dân đầu tiên tự nguyện tham gia đề án với tổng diện tích đăng ký là 05 ha, gồm các hộ: Nguyễn Văn Đài (thôn Văn Quỳ, xã Văn Phú - 02 ha), Bùi Việt Tiến (thôn Thanh Niên, xã Minh Bảo - 01 ha), Nguyễn Gia Thiều (tổ 6, phường Yên Thịnh - 01 ha), Lê Thị Hạnh (tổ 2, phường Hợp Minh - 01 ha). 

Hạt trưởng Nguyễn Anh Tuấn và ông Thiều thăm những cây Giổi mới trồng. Ảnh: KL

Riêng 5 tháng đầu năm 2024 đã trồng được 15,7 ha tập trung, 1.420 cây phân tán, đạt 314% so với kế hoạch của năm 2024; đưa tổng diện tích thực hiện đến thời điểm hết tháng 5/2024 là 26,5 ha và 1.970 cây phân tán, đạt xấp xỉ 68% mục tiêu của đề án. Qua đó vừa lược bỏ được thủ tục hồ sơ rườm rà cho chủ rừng, vừa giúp UBND thành phố tiết kiệm nguồn ngân sách dự toán chi cho đề án là 383,7 triệu đồng, Hạt trưởng Nguyễn Anh Tuấn cho hay. 

Nỗ lực tìm nguồn tài trợ để cung cấp cây giống cho bà con, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề án

Ông Nguyễn Gia Thiều 43 tuổi trú tại tổ 6, phường Yên Thịnh – một trong 04 hộ đầu tiên tham gia đề án, vui mừng nói: Là người đam mê trồng rừng, nhất là cây gỗ quý có giá trị kinh tế cao nên khi cán bộ kiểm lâm đến tuyên truyền ông nhận lời ngay. “Chỉ sau một tuần là tôi nhận được cây giống và lực lượng Kiểm lâm còn cử 7 - 8 người đến hỗ trợ tôi trồng rừng. Đến nay, tôi đã 02 lần được hỗ trợ cây giống với trên 1.000 cây, 100% đều là giống Giổi vừa cho gỗ vừa cho thu hạt”, ông Thiều chia sẻ.

Được biết, dăm năm trước ông Thiều đã tìm mua gần 30 cây Giổi về trồng, hiện đang sinh trưởng tốt. Ông tin tưởng hơn 02 ha Giổi mới trồng sẽ phát triển tốt, là tài sản có giá để ông dưỡng già và trao lại cho con cháu; đặc biệt, cùng với 03 ha rừng khoanh nuôi tự nhiên mà gia đình ông đã dày công bảo vệ mấy chục
năm nay nằm ngay bên nhà đang là nơi trú ngụ của rất nhiều loài chim, chồn sóc,.. sẽ giúp ông hiện thực hóa ước mơ biến hơn 10 ha diện tích rừng của gia đình thành điểm du lịch sinh thái.

Ông Thiều (bên trái) và bài thơ do ông tự sáng tác đặt trang trọng trong khuôn viên gia đình. Ông mong muốn biến hơn 10 ha diện tích rừng của gia đình thành điểm du lịch sinh thái. Ảnh: PQ

Trao đổi với ThanhnienViet.vn, ông Vũ Ngọc Anh (bộ phận phát triển rừng - Hạt Kiểm lâm thành phố) bật mí, hiện có nhiều chủ rừng đăng ký tham gia, nhưng nguồn hỗ trợ chưa có nên đơn vị đang nỗ lực tìm nguồn tài trợ để cung cấp cây giống cho bà con, phấn đấu hoàn thành mục tiêu trồng 39,2 ha rừng cây đa mục đích theo yêu cầu của đề án. “Còn về nguồn cây giống đã cấp cho các chủ rừng trong thời gian vừa qua đều là do Hạt trưởng và các anh em trong đơn vị kêu gọi ủng hộ từ các mối quan hệ cá nhân để triển khai thực hiện”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Trúc, Chủ tịch UBND thành phố, mục đích của đề án hướng đến là nâng cao hiệu quả kinh tế của rừng trồng theo hướng đa mục đích, vừa nâng cao giá trị kinh tế, vừa tạo cảnh quan, môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ du lịch, nghỉ dưỡng trên địa bàn và phù hợp với định
hướng phát triển của thành phố “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, gắn với thực hiện “Đề án trồng một tỷ cây xanh” của Chính phủ.

Nhấn mạnh về hiệu quả kinh tế của đề án, ông Trúc nêu rõ: Gỗ cây Muồng đen, Lát hoa thuộc nhóm gỗ tốt, cứng ít bị nứt nẻ, không bị mối mọt và nhất là có vân gỗ rất đẹp nên có giá trị rất cao. Riêng Giổi xanh ngoài cho gỗ tốt còn cho thu hoạch hạt với giá bán hiện nay 500 – 600 nghìn đồng/kg, có thời điểm hơn 01 triệu đồng/kg. Gỗ cây Trám tuy không được xếp vào nhóm gỗ tốt nhưng có thêm nguồn thu hàng năm không nhỏ do được thu hoạch quả. Nên ông bày tỏ mong muốn trồng rừng cây đa mục đích trở thành một xu thế có triển vọng, tạo ra hàng hóa lâm sản chất lượng cao, nâng cao giá trị cạnh tranh trên thị trường.

Phạm Quỳnh