Quan điểm, chủ trương của Đảng về xóa đói giảm nghèo đã được thể hiện trong Văn kiện Đại hội Đảng qua nhiều thời kỳ, ngày càng sâu rộng, toàn diện hơn. Đây là mục tiêu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình xây dựng đất nước.
Trong giai đoạn 2016-2022, thực hiện các chương trình xóa đói giảm nghèo theo các quan điểm, chủ trương của Đảng như: Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, giai đoạn 2021-2025. Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu và thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản (6 chiều về việc làm; y tế, giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin). Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong công tác xóa đói giảm nghèo.
Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều liên tục giảm trong giai đoạn 2016-2022 sau khi thực hiện khảo sát mức sống dân cư, tỷ. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2022 là 4,3%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với năm 2021 và giảm bình quân 0,81 điểm phần trăm trong giai đoạn 2016-2022.
Tỷ lệ nghèo đa chiều và tỷ lệ giảm nghèo ở Việt Nam giai đoạn 2016-2022 ( Nguồn: Niên giám thống kê năm 2022)
Tỷ lệ nghèo đa chiều chủ yếu tập trung ở những hộ gia đình thuộc vùng dân tộc thiểu số. Kết quả thực hiện xóa đói giảm nghèo ở các vùng dân tộc thiểu số đạt được những thành tựu lớn.
Giữa dân tộc Kinh, dân tộc Hoa và các dân tộc thiểu số có khoảng cách về tỷ lệ nghèo đa chiều khá lớn nhưng đã được thu hẹp dần trong giai đoạn 2016-2022 dưới tác động của hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về giảm nghèo được Chính phủ ban hành và thực hiện đồng bộ, toàn diện để hỗ trợ người nghèo.
Đó là các chính sách giảm nghèo đặc thù, ưu tiên đối với các đối tượng yếu thế, vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn, từng bước giảm dần và xóa bỏ những chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện.
Trong giai đoạn 2016-2022, tỷ lệ nghèo đa chiều tại các vùng dân tộc thiểu số giảm khá nhanh so với dân tộc Kinh, dân tộc Hoa và cả nước.
Tỷ lệ nghèo đa chiều theo nhóm dân tộc giai đoạn 2016-2022. (Nguồn: Niên giám thống kê năm 2022)
Trong năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều tại các vùng dân tộc thiểu số là 23,7%, giảm 12,8 điểm phần trăm so với năm 2016, bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2016-2022 giảm 2,13 điểm phần trăm; dân tộc Kinh và dân tộc Hoa có tỷ lệ nghèo đa chiều là 2%, giảm 2,8 điểm phần trăm và bình quân mỗi năm giảm 0,47 điểm phần trăm.
Một số địa phương có tỷ lệ nghèo đa chiều trên 30%
Một số địa phương do trình độ sản xuất thấp, hệ thống hạ tầng cho phát triển kinh tế còn nghèo nàn lạc hậu, sản xuất chủ yếu bằng các nghề thủ công và tự cung tự cấp nên có tỷ lệ nghèo đa chiều còn cao.
Tính theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2021, Điện Biên có tỷ lệ nghèo đa chiều cao nhất là 34,5%, bình quân mỗi năm giảm 3,88 điểm phần trăm; Lai Châu là 2,9%, bình quân mỗi năm giảm 3,28 điểm phần trăm; Hà Giang là 25%, bình quân mỗi năm giảm 2,94 điểm phần trăm; Sơn La là 23,9%, bình quân mỗi năm giảm 2,84 điểm phần trăm...
Các tỉnh có tỷ lệ nghèo đa chiều cao nhất cả nước là: Hà Giang 37,9%; Lai Châu 28,6%; Điện Biên 27,8%; Sơn La 23,9%; Gia Lai 22,7%; Cao Bằng 20,1%… nếu tính theo chuẩn nghèo đa chiều mới theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP
Quang Chính