Sau 2 tháng rưỡi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1 đã nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận. Bên cạnh những đánh giá tích cực, SGK và chương trình mới cũng khiến dư luận có phần lo ngại khi phát hiện “sạn” trong nội dung sách, chương trình được nhận định còn nặng, quá tải với học sinh lớp 1.
Trao đổi về chương trình mới, GS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (ĐHQG Hà Nội), thành viên tham gia xây dựng chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho biết: “Là một trong những người xây dựng chương trình GDPT tổng thể, khi bắt tay vào xây dựng chương trình, tâm lý thường trực của tôi là rất lo sợ, lo rằng những kỳ vọng, tâm huyết không đi được vào cuộc sống, không phù hợp. Đã có những nỗi lo thành hiện thực, nhưng cũng có cả những kỳ vọng thành hiện thực”, GS Tung chia sẻ.
GS Phạm Hồng Tung cũng thẳng thắn thừa nhận: “100% chúng tôi đều chuyên nghiệp ở chuyên môn của mình, nhưng không có ai chuyên nghiệp trong phát triển chương trình”.
Theo GS Phạm Hồng Tung, tại các nước khác, công việc phát triển chương trình từ bậc THPT đến đại học, sau đại học đều có đội ngũ chuyên nghiệp “ăn lương” để làm việc đó cả đời. Đó là các nhà khoa học giáo dục, chuyên về phát triển chương trình.
“Chúng tôi ý thức được điều đó.Tôi có thể tự tin mình là nhà Sử học giỏi, chuyên nghiệp, nhưng chỉ bán chuyên trong phát triển chương trình. Sự không chuyên nghiệp đó thôi thúc tôi buộc phải tự nghiên cứu xem nước ngoài làm ra sao, tìm cách gắn kết với học trò. Cách làm việc như vậy trong bối cảnh hiện nay có thể tạm chấp nhận được, nhưng trong tương lai cần một đội ngũ phát triển chương trình chuyên nghiệp mới đáp ứng được yêu cầu của giáo dục trong tương lai”, GS Tung nói.
TS Lê Thống Nhất, chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, hiện nay Chương trình GDPT mới đang để những người thuần túy làm chuyên môn đảm nhiệm công việc phát triển chương trình. Theo chuyên gia này, Việt Nam “có thừa” các nhà giáo dục có thể phát triển chương trình, nhưng khuyết điểm lớn nhất hiện nay là dùng người không đúng chỗ.
“Có người nói rằng những người giỏi nhất đã đi viết SGK. Nhưng tôi vẫn đặt ra câu hỏi, 20 năm qua, chưa có ai giỏi để viết SGK nữa hay sao? Hiện nay chương trình mới, nhưng vẫn là những người cũ làm”, TS Lê Thống Nhất đặt câu hỏi.
Xã hội hóa không có nghĩa là nhà nước buông
Nói tiếp về vấn đề SGK và chương trình GDPT mới, TS Lê Thống Nhất cho rằng, xã hội hóa không có nghĩa là ai muốn làm SGK cũng được.
Chuyên gia này cho biết, sau 2 lần thẩm định SGK tiếng Việt lớp 2, 3 cuốn sách được thẩm định đều chưa đạt, nếu trong đợt thẩm định lần 3, vẫn chưa có sách đạt chuẩn, năm học tới, học sinh sẽ học bằng gì?
Hay năm học 2020-2021, NXB Giáo dục Việt Nam có 4 GSK Tiếng Việt 1, nhưng năm nay chỉ còn 2 cuốn. Nếu những năm sau, các công ty sách, NXB vì một lý do nào đó không làm sách, thì an ninh SGK sẽ bị đe dọa.
TS Lê Thống Nhất cho rằng, để đảm bảo an ninh SGK, Bộ GD-ĐT vẫn cần đứng ra làm một bộ GSK riêng.
Bên cạnh đó, TS Lê Thống Nhất cũng đặt câu hỏi, tại sao lại giao việc tập huấn SGK cho các tác giả SGK và NXB? Quá trình này phải độc lập, tập huấn giáo viên phải là những người giỏi về phương pháp dạy học chứ không phải các tác giả viết SGK.
Cần có chương trình nhà trường riêng
Theo GS Phạm Hồng Tung, khi xây dựng chương trình, thiết kế yêu cầu cần đạt, chuẩn đầu ra cho chương trình GDPT mới, so sánh với các nước phát triển hay các nước gần với Việt Nam mới thấy chúng ta mới chỉ ở mức tối thiểu. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng chương trình nên giảm tải nhẹ hơn nữa. Các thầy cô làm chương trình phải chịu áp lực rất lớn, nhưng không thể giảm tải hơn nữa, vì hiện nay đã “vạc đến tận xương”. GS Tung cho rằng, Việt Nam muốn đi nhanh, học sinh giỏi nhưng lại muốn học ít hơn nữa là rất khó.
Cũng theo GS Phạm Hồng Tung, chương trình GDPT mới muốn thành công cần thay đổi tư duy giáo dục. Chương trình môn học, chương trình GDPT dùng cho toàn quốc, song mỗi nhà trường đều cần có chương trình nhà trường riêng – việc này đã được triển khai tốt tại nhiều trường ngoài công lập.
Tuy nhiên, hiện nay ngoài các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM vẫn chưa thấy nơi nào nói về chương trình nhà trường. Nhiều nơi vẫn theo tư duy cũ, nhà nước bảo sao thì làm vậy.
“Việc tập huấn giáo viên đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Dù là tổ chức trực tiếp hay gián tiếp, nhiều đồng nghiệp của chúng tôi chỉ nghe qua vài câu đã biết rồi khổ lắm nói mãi rồi mở điện thoại ra xem từ đầu đến cuối. Tôi cũng đã từng hỏi học trò của tôi nay đang là giáo viên, hỏi em dạy chương trình mới thế nào, thì em trả lời còn chờ SGK. Như vậy giáo viên vẫn tự giam mình vào môi trường giáo dục trước đổi mới”, GS Tung nói.
GS Phạm Hồng Tung nhấn mạnh rằng, chương trình GDPT mới muốn thành công, người đứng đầu ngành giáo dục cho đến từng giáo viên, cha mẹ học sinh phải đổi mới tư duy giáo dục, biết cách phát huy những tác động tích cực, thừa nhận sự khách quan của giáo dục toàn cầu./.
Nguyễn Trang/VOV