TNV - Sáng ngày 19/07 , được sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn Phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp tại Hà Nội.
Toàn cảnh Diễn đàn
Tại Diễn đàn, các chuyên gia nhận định, kinh tế Việt Nam trong 6 tháng chịu tác động xấu từ bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn và thách thức. Nhiều nền kinh tế là đối tác thương mại lớn của Việt Nam có mức tăng trưởng chậm lại. Hậu quả của dịch Covid-19 kéo dài; xung đột ở Ukraine, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; lạm phát ở mức cao,… Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển, đang trong quá trình chuyển đổi, có độ mở lớn, quy mô còn khiêm tốn nên chịu tác động mạnh từ bên ngoài trên nhiều lĩnh vực, nhất là về xuất khẩu, thương mại, đầu tư, tài chính, tỷ giá, lãi suất; các chuỗi cung ứng bị đứt gãy; thu hút FDI bị ảnh hưởng do đầu tư toàn cầu sụt giảm;…
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI cho biết, bối cảnh mới đã tạo ra những thách thức rất lớn với các nhà lãnh đạo, nhà quản lý doanh nghiệp và với cả cơ quan quản lý Nhà nước. Bởi sự tồn tại của doanh nghiệp gắn liền với sức mạnh kinh tế quốc gia, gắn liền với nguồn thu ngân sách Nhà nước. Do đó, vấn đề sức khoẻ của nền kinh tế, của doanh nghiệp cần được hết sức quan tâm.
Ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, cho biết, hiện nay, Việt Nam đang chịu ảnh hưởng không chỉ những khó khăn từ nội tại mà còn có những khó khăn chung của toàn thế giới. Các nền kinh tế lớn trên thế giới đang có xu hướng chững lại, thậm chí là suy thoái.
Xuất phát từ những khó khăn từ thực tiễn, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã tập trung vào việc phục hồi nền kinh tế, đặc biệt là cho các doanh nghiệp với mục tiêu thúc đẩy hơn nữa công ăn việc làm và các yếu tố khác.
Vừa rồi rất nhiều chính sách về tài khóa và tín dụng đã được ban hành. Tuy nhiên, theo ông Long, vẫn còn hai vấn đề quan trọng cần được lưu ý là thứ nhất , bản thân các cơ chế chính sách đã phù hợp với thời điểm nhưng có thể chưa thực tế đối với một số ngành nghề, đối tượng. Thứ hai , nội tại của các doanh nghiệp được thụ hưởng tiếp cận thế nào và hấp thụ. Năm 2023 Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc với các doanh nghiệp tư nhân, FDI, nhà nước… Gần đây nhất, ngày 6/7, Thường trực Chính phủ đã có cuộc làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tại cuộc họp này, Thủ tướng đã có 7 kiến nghị giao cho các Bộ, ngành xử lý.
Dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê về những yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chế biến chế tạo trong quý 2 năm 2023, ông Phan Đức Hiếu - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về thị trường, tài chính, vốn, cạnh tranh. Ở thời điểm khó khăn về thị trường, cạnh tranh diễn ra không chỉ giữa các doanh nghiệp trong nước mà còn có sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong khu vực. Trong những khó khăn trên, doanh nghiệp gặp khó nhất là chi phí để trang trải, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong bối cảnh trên, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cần thiết thực hiện cải cách thể chế. Nhắc đến những tác động không mong muốn của luật pháp (thể chế), ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh: không chỉ tạo thủ tục hành chính, thể chế còn tạo ra gánh nặng về tài chính và chi phí tuân thủ lớn.
Đồng quan điểm, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ, liên quan đến thể chế, nếu không có thể chế tốt, cơ chế vận hành thể chế tốt, thì khó có thể tồn tại một cách hiệu quả nền kinh tế thị trường. Và trong bối cảnh hiện nay, trước mắt chúng ta phải xử lý rất nhiều câu chuyện liên quan đến thể chế.
“Trước đó Quốc hội đã thông qua một luật sửa 8 luật, đây là một bước tiến rất lớn, tuy nhiên, khi nhìn nhận trên thực tế, hiện nay vẫn còn rất nhiều vấn đề về đất đai, môi trường, xây dựng còn sự chồng chéo, mâu thuẫn, gây cản trở cho hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, những sửa đổi trước đó dường như là chưa đủ, chúng ta sẽ cần tiếp tục công tác rà soát, sửa đổi thể chế để đưa ra những đề xuất sửa đổi, hoàn thiện tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn. Luật pháp là cái nôi, là khung khổ, xương sườn của nền kinh tế, của quốc gia, nếu có sự chồng chéo, mâu thuẫn, quá trình vận hành thì sẽ gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp…”, bà Minh bày tỏ.
Từ thực tế đã nêu, để giải quyết những vướng mắc, bất cập mà chính sách đem lại, bà Minh cho rằng, các Hiệp hội doanh nghiệp, VCCI cần tham gia sâu hơn nữa trong việc xây dựng chính sách, cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật,… nếu xử lý được câu chuyện vướng mắc, bất cập của chính sách hiện nay, sẽ là hành lang pháp lý ổn định để doanh nghiệp, nền kinh tế phát triển.
Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, ngày 21/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Bên trong bất kỳ khủng hoảng nào, những giai đoạn khó khăn nhất cũng có thể nảy sinh những ý tưởng mới và không gian phát triển mới dành cho những doanh nghiệp biết tận dụng.
Các Viện nghiên cứu, chuyên gia kinh tế tại Diễn đàn cũng chia sẻ thêm những xu hướng, cơ hội mới từ kinh tế thế giới những tháng cuối năm 2023 và đầu 2024 để doanh nghiệp nắm bắt, thích ứng và phục hồi, phát triển. Từ đó, kiến nghị các nhóm giải pháp để phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, cũng như gỡ khó cho doanh nghiệp. Theo đó, Chính phủ phải có chương trình đối phó ngắn hạn với tình hình khó khăn hiện nay, trong đó tập trung vào hai công cụ chính là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, có giảm thuế GTGT.
Bên cạnh đó, cần phải điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt là áp dụng các nguyên tắc về thuế tối thiểu toàn cầu để giữ chân các nhà đầu tư và thu hút thêm nguồn vốn nước ngoài. Cần tiếp tục quán triệt triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại để khai thác các thị trường mới, cũng như cần có giải pháp hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp liên quan đến bất động sản.
Cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt chuẩn bị đầy đủ các điều kiện duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa. Phát huy tối đa năng lực từng bước vượt qua mọi khó khăn, khẳng định vị thế kinh tế Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới.
TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phát biểu kết luận Diễn đàn
Phát biểu kết luận Diễn đàn, TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, tại Diễn đàn hôm nay, đại diện các cơ quan quản lý, chuyên gia đã có cơ hội cung cấp thông tin liên quan đến cơ chế chính sách, cải cách thể chế, các giải pháp trong thời gian tới để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt khó. Chúng ta cũng lắng nghe trực tiếp các ý kiến của đại diện Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp trao đổi về những khó khăn, kiến nghị. Các ý kiến này được VCCI, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổng hợp, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ giải quyết.
Diễn đàn góp phần phản ánh bức tranh về thực trạng kinh tế thế giới và Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023, nhận diện những thách thức và cơ hội cho tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024.
Hải Hà