TNV - Đọc hết bản thảo tập truyện và ký của tác giả Nguyễn Tiến Nên, tôi bỗng nhớ đến câu thơ của nhà thơ Xuân Hoàng:
…
Gió nồm đưa hơi biển mặn mòi…”
Cũng từ biển, nhưng, khác với ngọn gió nồm, gió trong tập sách của Nguyễn Tiến Nên không chỉ có hơi biển, mà, trong từng câu văn, trang văn tưởng như cũng phảng đưa dịu nhẹ… HƯƠNG BIỂN.
Sinh ra từ chân sóng, Nguyễn Tiến Nên luôn có ý niệm cao nhất về nơi chôn nhau cắt rốn: “ Quê tôi, một làng biển yên bình, nơi eo thắt nhất của miền Trung. Một làng biển không một tấc đất trồng lúa, chỉ có đất thổ cư và đất nghĩa địa. Tuy chẳng lấy gì làm to tát nhưng làng có tới hơn chục nghìn dân sinh sống từ bao đời nay, trên bến dưới thuyền, tôm cá bốn mùa, đông vui tấp nập …” (Bút ký “Làng biển & Covid-19”). Làng quê ấy, hơn sáu mươi năm qua luôn vang lên trên nền giai điệu dìu dặt “Quảng Bình quê ta ơi!” dòng ca từ thật mềm mại, gần gũi “Có ai về Cảnh Dương, quê tôi đứng nơi đầu sóng gió”. Nguyễn Tiến Nên có gần nửa thế kỷ để đi hết chiều dài bờ biển Việt Nam, vượt đại dương sang các vùng biển lạ, rồi về định cư tại cố hương. Vậy nên, sau những thành công trên trang thơ cũng chủ yếu viết về biển (Giải B - Giải thưởng văn học nghệ thuật Lưu Trọng Lư cho tập thơ “Tái sinh” ), Nguyễn Tiến Nên trở lại thể Văn xuôi với năng lượng ghi nhận, chuyển hóa, thể hiện và sáng tạo dồi dào. Với tiêu đề tác phẩm “Thao thức biển” , hầu hết truyện và ký viết về biển mà không đậm đà hương biển, không mát lành sắc biển mới là lạ.
Truyện ngắn Nguyễn Tiến Nên viết theo lối truyền thống, nặng tính trần thuật, kể nhiều hơn dựng . Nguyễn Tiến Nên chịu tìm và tôn trọng nguyên mẫu giữa đời thường, hành văn ảnh hưởng suy nghĩ chân thật nên phần hư cấu chưa nhiều. Vả chăng, trái tim nhân hậu của tác giả không chịu đựng nổi những chi tiết, tình huống hay cái kết khắc nghiệt đặng ghi dấu và lay thức trái tim độc giả, vốn là bí quyết của thành công thể loại văn xuôi hư cấu. Truyện ngắn, vốn là thể tài rộng không gian tung tẩy thì giọng Nguyễn Tiến Nên vẫn phảng phất một sắc màu… thương hải, bình yên, có hậu...
Phần bút ký thì hoàn toàn khác, vẫn hồn hậu mà đầy năng lượng mổ xẻ. Có thể nói ngay Nguyễn Tiến Nên rất có sở trường viết bút ký về biển. Đây là những trang bút ký báo chí đầy sinh lực, hiếm thấy ở bất kỳ tác giả nào trên văn đàn. Người ta thiên về ý kiến cho rằng, bút ký “Văn” đứng cao hơn bút ký “Báo”. Đọc “Thao thức biển” , cho phép tôi nghĩ ngược lại. Một khi đã sống đủ, sống thuộc với mảnh đất với mặt nước, trang viết ký báo chí với những số liệu, nhận định, dự cảm… như đã là máu thịt, thì ký báo chí thể hiện hết sức mạnh tiềm tàng, thậm chí rất không nên đu đưa màu mè văn chương vào đó nữa.
Bảy mươi năm tuổi đời, tuổi thơ hít thở vị mặn mòi của biển, gần 40 năm ngược xuôi trên những con tàu, không hiểu biển mới là lạ. Phải yêu biển đến thế nào mới lắng được tiếng biển qua từng… con sóng “ Tiếng sóng lúc lách tách, lúc ì oạp, vồ vập bên mạn tàu đều báo hiệu tình hình thời tiết sắp có vấn đề. Tiếng sóng xôn xao phía nam hay phía bắc… cho biết đàn cá sẽ di chuyển thế nào” (Thao thức biển)…
…
Đằm sâu, không một câu véo von hoa hoét…, mười ba tiểu phẩm bút ký của Nguyễn Tiến Nên cùng chung một mảng màu nhưng không hề đơn điệu, nhờ tác giả làm chủ hoàn toàn vốn sống phong phú các sự kiện, tình huống, chi tiết và sử dụng với hiệu quả cao nhất. Đây là một đoạn trong bút ký “Theo thuyền đơm mực lá”: “… khai thác mực lá không phải dùng lưới, cũng không sử dụng đồ câu mà được đánh bằng ngư cụ hết sức đơn giản… tạo một chiếc tổ thật khêu gợi… mời chúng vào, gọi là bóng mực lá”. Rồi, Nguyễn Tiến Nên làm mẫu một cái “tổ mực lá” bằng những nét chạm trổ vừa tinh xảo vừa đơn giản, tưởng như ai cũng làm được: “ Đó là những chiếc rập, vật liệu để kết cấu một chiếc bóng mực lá chủ yếu là các loại cây ở rừng. Cây dẻ non, đường kính 20-25 mm để đóng phần khung. Dây mù u đường kính 15-20 mm uốn làm sườn. Lá cây đùng đình, loại lá rừng mà bộ đội, dân quân, dân công hỏa tuyến… thường dùng kết lá ngụy trang trong những năm chiến tranh, để tạo bóng râm. Rập được bao bằng lưới, bên trong treo một ít trứng của chính loài mực này, nhằm tạo chiếc tổ thật khêu gợi để mời mọc chúng vào …”. Một hình ảnh tương phản, đối lập đã được Nguyễn Tiến Nên vẽ ra giữa một đại dương mênh mông đầy bất trắc chiếm tới ba phần tư trái đất. “Trái đất ba phần tư nước mắt”, với những ngư phủ hiền lành và cách đánh bắt tưởng không thể giản dị hơn: “Tạo chiếc tổ để… mời chúng vào” …
…
Như bất kỳ một thủy thủ, ngư phủ nào yêu quê hương, biển trong trang văn của Nguyễn Tiến Nên luôn là gam màu ấm, kể cả khi đại dương nổi giận. Cả trong ký ức về một nghề truyền thống của làng mình, giọng văn Nguyễn Tiến Nên lập tức trở nên ấm áp: “ Mỗi lần có dịp nhớ về quê nhà, tôi luôn dành những phút hoài niệm về những mùa ruốc. Về những cú ngụp lặn của cha khi con ruốc rộ, về nụ cười của cha nở trên gương mặt răn reo và giọng nói ấm áp khi thấy con trai mang cơm tới …” (Khi con ruốc vào mùa).
….
Nói bút ký Nguyễn Tiến Nên nặng chất tư liệu được xử lý cao tay không có nghĩa là cây bút già rơ này không có những đoạn văn bay bổng, văn…say: “Ruốc tươi trộn gỏi hình như trở thành món khoái khẩu trong ngày xuân. Trời se se lạnh, nắng mới ươm ướm vàng, hoa lá thi nhau nhu nhú lộc non. Một vài chén “nùi lá chuối”, khà một tiếng rõ dài rồi cuốn bánh đa nem, chấm mắm pha mù tạt. Chao ôi!...” (Khi con ruốc vào mùa)
Và đây, miêu tả một ngư phủ hái rong biển, Đạo diễn Nguyễn Tiến Nên đã “mông ta” một trường đoạn điện ảnh lúc khoan lúc nhặt, gồm những trung cảnh và cận cảnh động nhưng tuyệt nhiên không dành cho người yếu tim: “nhiều lúc người ta phải chấp nhận hiểm nguy, một tay bám chắc vào mô đá để người không rơi xuống biển, tay kia dùng liềm cạo rong và cũng bàn tay ấy vơ lấy vơ để những gì vừa cạo ra, cho đại vào chiếc túi lưới đeo trong cổ. Trong khi chăm chú cắt rong, bất ngờ một con sóng lớn ập vào, lập tức họ phải nằm sấp, hai tay bíu chặt tảng đá để con sóng phủ qua, nếu không, toàn thân sẽ bị lôi tuột xuống biển” (Bút ký Rong trang)
Đọc xong đoạn văn, độc giả tự hỏi: Vậy, liệu có phải tác giả ngồi trên một con thuyền và giương ống kính ghi lại “trường đoạn phim” ấy. Không, cảnh ấy chưa hề “được” lên màn ảnh. Ấy là nó vốn chìm lấp trong tuổi thơ cắt rong trang của chính tác giả, tới một ngày rơi rụng như trái chín cây.
Chính tác giả trong bút ký “Khi con ruốc vào mùa” đã dẫn, cũng tâm sự rằng: “Tôi sinh ra ở một làng ruốc. Tuổi thơ lớn lên cùng nghề ruốc…” . Nhà văn Trương Thu Hiền chỉ là người tạm cư gần cửa biển Nhật Lệ gần chục năm, đã phải kêu lên thành một tiêu đề tản văn: “Ruốc, đừng ai ngửi, nghiện đấy” !? Một nhà văn lớn từng khuyên: “Hãy viết những gì mình thuộc về” . Mỗi nhà văn có riêng một vùng đất để cày xới gieo hạt. Tác giả sinh ra nơi chân sóng, hơn 60 năm ngắm biển, 40 năm lênh đênh trên đại dương, nay về lại làng ruốc và “đánh bắt trên trang giấy”. Tập truyện và ký gồm gần hai mươi tiểu phẩm. Chúng tôi cùng băn khoăn về sắp xếp trật tự và cuối cùng đồng ý để xen kẽ truyện ngắn và bút ký như cách các bà nội trợ đồ xôi, nhưng đây là một nồi xôi đậu của một đầu bếp lão luyện, thơm và ngon, đậm đà HƯƠNG BIỂN.
Hãy thưởng thức!.
Đồng Hới tháng nhuận 2023
Nhà văn Nguyễn Thế Tường
PV