Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính Phủ nhân ngày Khuyến học Việt Nam (2/10), GS.TS Nguyễn Thị Doan, Nguyên Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khẳng định, từ khi ra đời vào năm 1996 cho đến nay, Hội luôn kiên định với 3 nhiệm vụ: vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia học tập; hỗ trợ giáo dục trong và ngoài nhà trường; liên kết với các cơ quan để thúc đẩy phong trào học tập suốt đời.
Kiên trì với 3 nhiệm vụ phát triển giáo dục nước nhà
Hội Khuyến học Việt Nam được thành lập, đánh dấu sự ra đời của tổ chức tập hợp những người mang tâm nguyện khuyến khích và hỗ trợ phát triển giáo dục nước nhà .
Hội được Đảng và Nhà nước giao phó ba nhiệm vụ: vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia học tập ; hỗ trợ giáo dục trong và ngoài nhà trường, trao học bổng cho học sinh xuất sắc, giúp đỡ giáo viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập và giảng dạy; liên kết với các cơ quan từ trung ương đến địa phương để thúc đẩy phong trào học tập suốt đời.
GS Nguyễn Thị Doan cho hay : "Hội đã nhận thấy nhận thức về sự học của một bộ phận trong xã hội chưa tốt. Để thay đổi điều này, Hội Khuyến học đã quyết định bắt đầu bằng việc tác động đến các tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên – những lực lượng nòng cốt trong công tác phát triển xã hội", GS Doan nhấn mạnh.
Hội đã không ngừng phối hợp với các tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội nhằm xây dựng một xã hội học tập bền vững. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, Hội không thể chỉ dựa vào một nhóm đối tượng cụ thể, mà phải huy động sự tham gia của toàn dân.
Bởi lẽ, muốn xây dựng xã hội học tập thành công, muốn đưa Việt Nam thành quốc gia học tập thì phải có sự tham gia của toàn dân, phải có sự tham gia của tất cả các tổ chức tổ chức chính trị xã hội cũng như xã hội nghề nghiệp.
Đứng trước bối cảnh hội nhập quốc tế, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhận thấy rằng, các trường đại học đang giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng quốc gia học tập.
Lý giải về điều này, GS Nguyễn Thị Doan cho hay: "Các trường đại học không chỉ là nơi đào tạo thế hệ rường cột của nước nhà, mà còn là trung tâm của tri thức, công nghệ và sáng tạo. Hội Khuyến học Việt Nam đã nhận thức rõ và cùng với các trường đại học tham gia vào quá trình xây dựng xã hội học tập, nhất là tạo ra kho tài nguyên giáo dục mở cho người lớn. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, sự phát triển bền vững của một quốc gia luôn gắn liền với một hệ thống giáo dục đại học hiện đại và đạt chuẩn quốc tế".
Chú trọng xây dựng các phong trào thi đua khuyến học - khuyến tài
Một quốc gia học tập không chỉ giới hạn ở học sinh, sinh viên, mà là sự học của toàn dân. Mọi người dân ở mọi lứa tuổi đều cần có cơ hội và động lực để học tập. Cách đây khoảng một thập kỷ, Hội Khuyến học Việt Nam đã chuyển hướng chiến lược, tập trung vào việc khuyến khích học tập của người lớn, tạo điều kiện cho tất cả người dân tham gia vào các chương trình giáo dục cộng đồng.
Theo GS Nguyễn Thị Doan, từ các chương trình học bổng cho người lớn đến các trung tâm học tập cộng đồng, Hội đã góp phần xóa mù chữ, xóa mù công nghệ, đồng thời giúp người dân tiếp cận kiến thức khoa học kỹ thuật cần thiết trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Điều này không chỉ cải thiện chất lượng cuộc sống, mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở cả khu vực thành thị và nông thôn.
Một trong những yếu tố quan trọng giúp Hội Khuyến học Việt Nam triển khai thành công sứ mệnh của mình là từ chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Trong đó, Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, cùng với Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư đã tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc cho các hoạt động của Hội.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đã giao cho Hội Khuyến học thực hiện nhiều đề án và chương trình quan trọng: Từ năm 2016 đến 2021, bốn mô hình "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Cộng đồng học tập" và "Đơn vị học tập" đã được triển khai rất thành công. Năm 2022 có thêm mô hình "Công dân học tập" góp phần đẩy mạnh phong trào học tập trong toàn dân.
Một điểm nhấn trong các hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam là việc thúc đẩy các phong trào thi đua, đặc biệt là giải thưởng "Nhân tài đất Việt" - sân chơi trí tuệ cho các nhà khoa học có sáng kiến hay, cách làm giỏi trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Trong khuôn khổ của giải thưởng, "Tự học thành tài" cũng là giải thưởng được trao cho những người nông dân dù không qua trường lớp, nhưng tự học để sáng tạo ra máy móc, thiết bị giúp nâng cao năng suất lao động, góp phần vào sự phát triển nông nghiệp và kinh tế địa phương. ""Họ chính là những tấm gương tiêu biểu về ý chí tự học thành tài, là tấm gương sáng trong công tác khuyến học - khuyến tài", GS Doan khẳng định.
Bên cạnh đó, Hội cũng đã khởi xướng học bổng "Học không bao giờ cùng" - một sáng kiến dựa trên lời dạy của Bác Hồ về học tập. Người hiểu rõ, học tập là một chặng đường dài không có điểm kết thúc, là cái thang không có bậc cuối cùng. Học bổng này không chỉ dành cho trẻ em mà còn mở rộng đến người lớn, tạo nên một không khí học tập sôi nổi trong cộng đồng.
Thấm nhuần tư tưởng thi đua yêu nước và tư tưởng học tập thường xuyên, học tập suốt đời, học không bao giờ cùng của Bác, ngày 10/6/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chính thức phát động Phong trào "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030".
Đặc biệt, ở các địa phương, Hội Khuyến học đã tìm ra những cách gây quỹ gần gũi, gắn bó với đời sống thường ngày. Những sáng kiến như "cây bưởi khuyến học", "con gà khuyến học", "luống rau khuyến học"… đã tạo nên nguồn quỹ lớn, góp phần đảm bảo tài chính cho việc học của học sinh và sự nghiệp giáo dục của thầy cô giáo. Sáng kiến nuôi heo đất cũng trở thành biểu tượng của sự tích lũy nhỏ lẻ nhưng ý nghĩa to lớn. Nhờ những mô hình này, không chỉ học sinh mà cả người lớn cũng có cơ hội tiếp cận tri thức, tạo nên một xã hội học tập bền vững.
GS Doan chia sẻ: "Không có quốc gia nào có thể phát triển mà không dựa vào nền giáo dục vững chắc. Vì vậy, chúng tôi đang tập trung toàn lực để xây dựng ‘ con đường tri thức ’ cho Việt Nam, giúp đất nước tiến vào kỷ nguyên cách mạng khoa học kỹ thuật bằng chính tri thức và sáng tạo của mình, thay vì chỉ dựa vào lao động thủ công".
Tuy nhiên, thách thức hiện tại rất lớn vì dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chỉ rõ, tỷ lệ lao động trẻ từ 15 - 44 tuổi của Việt Nam đã qua đào tạo chỉ chiếm 27,6%, còn phần lớn vẫn chưa qua đào tạo. Đây là con số đáng lo ngại, vì một lực lượng lao động thiếu tri thức sẽ khó lòng giúp đất nước vươn lên trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt.
Vì vậy, Hội nhận thấy trách nhiệm to lớn của mình trong việc tuyên truyền, triển khai các mô hình học tập để người dân nhận ra rằng: chỉ có học tập mới là con đường thoát nghèo, vươn lên và thực hiện các mục tiêu phát triển mà Đảng và Chính phủ đề ra. Học tập không chỉ là một quyền lợi mà còn là nghĩa vụ, là cơ hội để mỗi cá nhân tự khẳng định mình, góp phần vào sự phát triển của xã hội.
Tính đến tháng 9/2024, số lượng hội viên khuyến học đã lên tới gần 26 triệu người, chiếm 26,8% dân số. Cả nước có 10.566 hội khuyến học cơ sở và 134.186 ban khuyến học.
Văn Hiền/Chinhphu