Thầy giáo dân tộc Tày về quê khởi nghiệp

Thứ năm, 07/05/2020 - 14:58

TNV - Ở tuổi 30 anh dám từ bỏ nghề thầy giáo, một công việc ổn định, danh giá và là niềm mơ ước của bao lớp thanh niên miền núi vùng Tây Bắc để về quê hương còn nghèo khó của mình khởi nghiệp từ nghề chăn nuôi thỏ. Và chỉ 2 năm sau anh đã thành công với hướng đi mới đầy táo báo của mình, trở thành ông chủ của HTX có qui mô sản xuất mỗi năm khoảng hơn 10 tấn thỏ thịt, mức thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng và là đại biểu thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi được tỉnh Yên Bái và Ủy ban Dân tộc tặng bằng khen.

Từ biệt nghề thầy giáo về quê nuôi thỏ

Về với Tỉnh đoàn Yên Bái cũng như Huyện đoàn Lục Yên, tôi được nghe nhiều lời khen ngợi dành cho chàng thanh niên dân tộc Tày – Phạm Hải Chiều – hiện đang là Giám đốc HTX thanh niên Lâm Thượng. Ở tuổi 30 anh dám từ bỏ nghề thầy giáo, một công việc ổn định, danh giá và là niềm mơ ước của bao lớp thanh niên ở một tỉnh miền núi vùng Tây Bắc để về quê hương còn nghèo khó của mình khởi nghiệp đi lên từ công việc chăn nuôi thỏ. Và chỉ 2 năm sau anh đã nhanh chóng thành công với hướng đi mới đầy táo báo của mình, trở thành ông chủ của HTX có qui mô sản xuất mỗi năm khoảng hơn 10 tấn thỏ thịt, mức thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng và là đại biểu thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi được tỉnh Yên Bái và Ủy ban Dân tộc tặng bằng khen.

Phạm Hải Chiều (đứng thứ 3 hàng đầu từ phải qua trái) được Ủy ban Dân tộc tặng bằng khen. (Ảnh:NVCC)

Trong một buổi tối tháng 8/2019, tuy không hẹn trước nhưng tình cờ tôi gặp Phạm Hải Triều tại nhà Bí thư Đoàn xã Lâm Thượng Hoàng Khí Phách. Nhanh nhẹn, rắn rỏi, sôi nổi, dễ gần là ấn tượng khó quên về chàng trai từng là giáo viên thể chất mấy năm trước và đang làm chủ của HTX Thanh niên Lâm Thượng, huyện Lục Yên.

Cũng như bao bạn bè cùng trang lứa, tốt nghiệp THPT năm 2004, chàng trai mới lớn sinh năm 1986 mơ ước được làm nghề thầy giáo, nhưng phấn đấu mãi đến năm 2006 Chiều mới thi đỗ vào hệ cao đẳng của trường Đại học sư phạm Hải Phòng. Ra trường tháng 6/2009, để được làm đúng nghề, đầu năm 2011 Chiều đã viết đơn tình nguyện lên công tác tại trường tiểu học Mồ Sì San, xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu – một xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn nằm cách gia đình gần 400 km.

Sau hơn 5 gắn bó với các em học sinh đồng bào Dao trường tiểu học Mồ Sì San, tháng 8 năm 2016, thầy giáo Chiều đã làm đơn xin thôi việc để về quê đỡ đần gánh nặng giúp gia đình. “Không phải vì sợ gian khổ, không phải vì không yêu nghề, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ già, một mình vợ vất vả chăm nuôi con nhỏ… nên mình đành phải dứt áo ra về”, anh Chiều xúc động kể.

Mô hình nuôi thỏ cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện địa phương. (Ảnh: P. Quỳnh)

Về quê với quyết tâm không cam chịu đói nghèo, thanh niên Chiều lên mạng tìm kiếm các mô hình chăn nuôi có hiệu quả, rồi khăn gói tìm đến tận nơi học hỏi. Các mô hình chăn nuôi rắn, dúi, hươu, lươn, ba ba… ở Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và các huyện trong tỉnh anh đều có mặt. Nhưng tất cả đều không khả thi. Anh nhận thấy, chỉ nuôi thỏ là phù hợp nhất với điều kiện về đầu tư con giống, chuồng trại, thức ăn, tiêu thụ… của gia đình mình, địa phương mình. Hơn nữa, thỏ là con vật dễ nuôi và anh đã có kinh nghiệm chăn nuôi gần chục năm nay để phụ giúp đời sống cho gia đình.

Được chính quyền địa phương và bạn bè ủng hộ, tháng 4/2017 anh Chiều quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại và nuôi khởi điểm 50 con thỏ sinh sản. Đàn thỏ phát triển tốt cứ 45 ngày lại cho một lứa, mỗi lứa được 6-8 con/mẹ; đến tháng 10/2017 tổng đàn thỏ của anh ổn định mức 500 con và bắt đầu cho thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng.

“Nhận thấy đây là vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương, ít dịch bệnh, có giá trị kinh tế cao và đầu ra ổn định nên tôi quyết định tăng dần số lượng đàn thỏ lên. Đồng thời, qua các kênh thông tin, tôi đã kết nối với Hợp tác xã thanh niên Tân Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên và ký hợp đồng cung cấp sản phẩm lâu dài cho họ” - anh Chiều nói thêm.

Thành lập HTX, liên kết mở rộng sản xuất

Cũng chính từ đây, anh nảy ra ý tưởng cần thành lập hợp tác xã để đảm bảo đủ nguồn hàng đã ký kết, vừa tạo thêm nhiều việc làm mới cho bà con và thanh niên địa phương phát triển kinh tế. Và ngày 12/3/2018, Hợp tác xã Thanh niên Lâm Thượng (HTX) có địa chỉ tại chính ngôi nhà anh ở thôn Tông Pình Cại, xã Lâm Thượng được ra đời gồm 7 thành viên. Còn lý do lấy tên HTX thanh niên được Giám đốc Chiều giải thích, bởi vì cuối năm 2017, Đề án sản xuất chăn nuôi thỏ của anh đoạt giải ba trong Cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp do Tỉnh đoàn Yên Bái tổ chức.

Phấn đấu xây dựng sản phẩm xúc xích thỏ đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trong năm 2020. (Ảnh: PNN)

Thấy mô hình hoạt động của HTX có nhiều triển vọng, Tỉnh đoàn – Hội LHTN tỉnh Yên Bái và Ngân hàng chính sách xã hội huyện Lục Yên đã tạo thuận lợi để Hợp tác xã Thanh niên Lâm Thượng được tiếp cận và sử dụng vốn vay ưu đãi 120 với số tiền là 150 triệu đồng vào mục đích đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

Có nguồn vốn trên, anh Chiều mừng lắm vội bắt tay ngay vào nâng cấp chuồng trại, phát triển thỏ giống và liên kết đầu tư với các hộ thành viên, hộ vệ tinh chăn nuôi thỏ, tạo vùng nguyên liệu cho HTX. Ngay trong năm 2018, doanh thu từ nuôi thỏ của HTX đạt 350 triệu đồng, trừ các khoản chi phí còn lại hơn 100 triệu đồng lợi nhuận. Năm 2019, HTX đã có qui mô tổng đàn 2.500 con thỏ, tạo việc làm thường xuyên cho 04 lao động và 2 lao động thời vụ, mỗi lao động có thu nhập 5 triệu đồng/tháng.

Hiện nay, HTX đang xây dựng vùng nguyên liệu cung cấp thỏ thương phẩm với 7 hộ vệ tinh, đảm bảo chủ động nguồn hàng thỏ thương phẩm dồi dào cung ứng cho "Hợp tác xã thanh niên Tân Linh" cũng như nguồn nguyên liệu phục vụ cho HTX dự kiến mở rộng sang sơ chế, đóng gói một số sản phẩm từ thịt thỏ có gia vị và hướng dẫn sử dụng chi tiết đi kèm từ giữa năm 2020, như: Thỏ nướng, thỏ rán, xúc xích thỏ, lạp sườn thỏ...

Măng mai – đặc sản của đất Lục Yên. (Ảnh: P. Quỳnh)

Bí thư Huyện đoàn Lục Yên Hoàng Trung Chinh bật mí: Hợp tác xã Thanh niên Lâm Thượng đang trong quá trình hoàn thiện và chuẩn bị đưa ra thị trường một số sản phẩm sơ chế từ thịt thỏ; HTX đăng ký với Huyện Đoàn, UBND huyện xây dựng 01 sản phẩm OCOP 3 sao (Xúc xích thỏ) đề nghị UBND tỉnh thẩm định và công nhận vào cuối năm 2020. Đây là mô hình liên kết hoạt động có hiệu quả, tạo nhiều việc làm và thu nhập cho bà con và thanh niên địa phương.

Ngoài ra, để nâng cao giá trị cho sản phẩm măng mai – một đặc sản thế mạnh của địa phương – trong năm 2019 và 3 tháng đầu năm 2020, HTX đã kết nạp thêm 15 thành viên nâng tổng số thành viên HTX lên 22 hộ với mục đích mở rộng sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, đưa thương hiệu măng mai vươn xa hơn trên thị trường, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Anh Chiều giới thiệu máy sấy măng do huyện Lục Yên hỗ trợ cuối năm 2019. (Ảnh: PNN)

Theo đó, vụ măng năm 2019 HTX thanh niên Lâm Thượng đã đầu tư 01 nồi luộc măng công suất lớn và 01 vườn ươm rộng 1.000 m 2 xuất bán 2 vạn cây giống măng mai; mặt khác các thành viên HTX đã sản xuất được khoảng 7 tấn măng khô, xuất bán trực tiếp 50 tấn măng tươi; tổng giá trị thu về đạt 1,3 tỷ đồng.

“ Nhằm khuyến khích tinh thần sáng tạo khởi nghiệp, phát triển mô hình mới trong nhân dân, cuối năm 2019 huyện Lục Yên đã hỗ trợ HTX 01 máy sấy măng, công suất 150-200 kg/lần sấy và kinh phí thiết kế in ấn bao bì đóng gói sản phẩm măng với tổng trị giá 150 triệu đồng. Đồng thời, đang triển khai hỗ trợ kinh phí cho mô hình mới của HTX theo chính sách của tỉnh” – Phó trưởng phòng Nông nghiệp &PTNT huyện Lương Vân Hường cho biết.

Được biết, cũng trong năm 2019, HTX thanh niên Lâm Thượng đã gửi lên Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Yên Bái đề xuất “Nghiên cứu giải pháp n âng cao kỹ thuật chế biến, phát triển sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm măng Mai huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái” với mong muốn nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan nghiên cứu và các nhà khoa học đối với sản phẩm đặc sản của đất Lục Yên; mở ra hướng sản xuất hàng hóa, giúp đồng bào địa phương thoát nghèo bền vững và làm giàu từ đặc sản măng mai./.

Phạm Quỳnh