Thế giới hôm nay

Thứ sáu, 01/11/2019 - 15:37

TNV - Bạn có thừa nhận với tôi rằng thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghệ số, không gian số, tương tác giữa thế giới ảo và hiện thực..., cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 suy cho cùng là bước tiến tiếp theo trong tiến trình phát triển của nhân loại, điều này đã được đề cập trong học thuyết của chủ nghĩa Mác - Lênin, cụ thể là hình thái kinh tế - xã hội. Lịch sử loài người đi từ nông sơ cho đến hiện đại (công xã nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa, xã hội chủ nghĩa...).

Những người theo CNTB luôn nguyền rủa và tìm mọi thủ đoạn để bôi nhọ, đạp đổ chế độ cộng sản với muôn vàn những lý do: nào là nguyên nhân của sự nghèo đói; là chế độ độc đoán; độc đảng - chuyên quyền; mất tự do, không dân chủ...

Thế giới ngày nay, cho dù bạn là một lãnh đạo lừng danh, nhà nghiên cứu uyên thâm, một sử gia có tiếng, một doanh nhân thành đạt hay chỉ là những người nông dân ít học...cũng phải thừa nhận một thực tế, hầu hết các nước theo chế độ TBCN, hạn hữu còn vài nước theo chế độ XHCN (Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba...), vậy chế độ TBCN mà hầu hết các nước lựa chọn là văn minh, là giàu có, là dân chủ, là tự do, là đỉnh cao của đỉnh cao không có chế độ nào hơn nữa chăng?

Bạn có thể đưa ra hàng tá những học thuyết, những con số về các thành tựu kinh tế - xã hội... để chứng minh sự hoàn hảo của chế độ TBCN; bạn có thể lấy những quốc gia theo chế độ TBCN để chứng minh sự giàu có, vĩ đại để tìm mọi cách phá hoại các nước theo chế độ XHCN. Nhưng, chỉ cần bạn là một con người trung thực, khách quan nhìn vào những gì đang diễn ra của ngày hôm nay trên thế giới để thấy rằng: Hầu hết những cuộc chiến tranh, những vụ khủng bố, xung đột sắc tộc, tôn giáo; nghèo đói, bất công, thiếu tự do, dân chủ...lại tập trung ở những quốc gia theo chế độ TBCN.

Tôi nói hầu hết những cuộc chiến tranh, những vụ khủng bố, xung đột sắc tộc, tôn giáo; nghèo đói, bất công, thiếu tự do, dân chủ...tập trung ở các nước theo chế độ TBCN hoàn toàn khách quan, trung thực vì thế giới này chỉ còn vài nước đi theo chế độ XHCN.

Thế giới ngày hôm qua (31/10) - Chile tuyên bố hủy Hội nghị APEC sắp tới vì các cuộc biểu tình chống chính phủ vẫn tiếp diễn; Tăng trưởng kinh tế Mỹ chững lại trong quý thứ ba, giảm xuống mức tính theo năm là 1,9%; Tranh cãi mới nhất giữa hai đồng minh NATO Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ đến vào thứ Ba, khi Hạ viện Hoa Kỳ công nhận vụ sát hại trên 1 triệu người Armenia của các lực lượng Ottoman vào năm 1915-16 là diệt chủng. (Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ điều này trong nhiều thập niên qua.) Các nhà lập pháp cũng bỏ phiếu hạn chế bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ, áp đặt lệnh trừng phạt lên nước này trước động thái mua hệ thống phòng thủ tên lửa từ Nga; hàng ngàn người di cư đến từ các nước Châu Âu vẫn đang chực chờ ở biên giới Mỹ, Anh, Đức...

Thế giới hôm nay (01/11) cũng không mấy sáng sủa khi Mỹ - Trung Quốc chưa biết sẽ gặp nhau vào thời điểm nào để ký với nhau gia hạn việc tăng hay không tăng thuế; biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ; tình hình Irad chưa được sáng sủa...

Nhìn thế giới hôm nay, tôi lại ấn tượng với cuộc cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Cuộc cách mạng ấy đã cách xa chúng ta 102 năm (7/11/1917 - 7/11/2019), cuộc cách mạng diễn ra trong bối cảnh vào đầu thế kỷ 20, Nga là một nước quân chủ chuyên chế, đứng đầu là Sa hoàng Nikolai II. Ông đã đẩy Nga vào Thế chiến I, gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng. Kinh tế Đế quốc Nga kiệt quệ vì chiến tranh, nạn đói xảy ra ở nhiều nơi, công nghiệp, nông nghiệp đình đốn, đời sống người dân cực khổ. Phong trào phản đối chiến tranh đòi lật đổ Sa hoàng diễn ra khắp nơi.

Tháng 2/1917, Cách mạng tháng Hai bùng nổ với các cuộc biểu tình lớn chống chiến tranh và bãi công tập thể, tiêu biểu như cuộc biểu tình của 90.000 nữ công nhân từ 50 xí nghiệp tại Petrograd, thủ đô của Đế quốc Nga (hiện là Saint Petersburg). Phong trào nhanh chóng chuyển từ tổng bãi công chính trị sang khởi nghĩa vũ trang. Chế độ quân chủ chuyên chế Sa hoàng bị lật đổ. Cách mạng tháng Hai được coi là cách mạng dân chủ tư sản.

Theo lời kêu gọi của đảng Bolshevik, công nhân và binh lính đã thành lập các Xô viết đại biểu, tức các cơ quan đại biểu để lãnh đạo đất nước. Cùng thời gian, giai cấp tư sản cũng thành lập Chính phủ lâm thời. Sau Cách mạng tháng Hai, Nga tồn tại hai chính quyền song song do hai lực lượng trên lãnh đạo.

Chính phủ lâm thời không giải quyết những vấn đề đã hứa như cải cách ruộng đất cho nông dân, tạo việc làm cho công nhân. Tình trạng thiếu lương thực vẫn xảy ra và Chính phủ lâm thời vẫn quyết theo đuổi chiến tranh.

Trước tình hình này, ông V.I. Lênin , lãnh đạo đảng Bolshevik đã xác định cần lật đổ chính quyền tư sản lâm thời, chuyển từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa, với khẩu hiệu "Tất cả chính quyền về tay Xô viết" và "Hòa bình, ruộng đất, bánh mì".

Ngày 24/10/1917, cuộc khởi nghĩa bắt đầu với sự lãnh đạo trực tiếp của ông V.I. Lênin. Cận vệ Đỏ, lực lượng vũ trang tình nguyện của công nhân và nông dân, tập trung lực lượng đánh chiếm các khu vực đầu mối, trụ sở các bộ, tổng đài điện thoại, nhà ga, cầu đường. Ngày 25/10/1917, họ tấn công Cung điện Mùa Đông, bắt giữ các bộ trưởng của Chính phủ lâm thời.

Ngay trong đêm 25/10/1917, chính quyền Xô viết do ông V.I. Lênin đứng đầu được thành lập, Sắc lệnh hòa bình (lên án chiến tranh) và "Sắc lệnh ruộng đất" (nhằm giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân) đầu tiên được thông qua.

Hội đồng kinh tế quốc dân tối cao được thành lập để xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Hội đồng có trách nhiệm cải cách ruộng đất: xóa bỏ việc chiếm hữu ruộng đất của giới địa chủ, trao lại ruộng đất cho nông dân. Đối với công nghiệp, họ quốc hữu hóa một số nhà máy lớn, đồng thời thực hiện chính sách lao động tiên tiến: ngày làm việc 8 giờ, cấm sa thải công nhân bừa bãi, quy định chế độ nghỉ phép đối với công việc nặng nhọc.

Chính quyền Xô viết còn thực hiện các biện pháp thủ tiêu tàn tích của chế độ cũ như xóa bỏ sự phân biệt đẳng cấp, những đặc quyền của giáo hội, thực hiện chính sách nam nữ bình đẳng.

Ngày 10/1/1918, Đại hội Xô viết toàn Nga lần thứ III được khai mạc, thông qua quyết định lịch sử cải tổ nước Cộng hòa Xô viết Nga thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga. Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) sau đó được thành lập ngày 30/12/1922.

Cách mạng Tháng Mười là một trong những sự kiện có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ 20, đánh dấu việc ra đời của nước Nga Xô viết - nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới, ủng hộ công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa.

Sau gần 75 năm tồn tại, nhà nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô - sản phẩm ra đời từ của Cách mạng tháng Mười bị tan rã vào ngày 26/12/1991, trên thế giới hình thành một luồng ý kiến cho rằng cùng với sự sụp đổ Liên Xô, lý tưởng về chủ nghĩa xã hội do Cách mạng Tháng Mười khởi xướng là “sai lầm của lịch sử”. Một luồng ý kiến khác cho rằng sự sụp đổ Liên Xô không phải là do lý tưởng về chủ nghĩa xã hội đã hết và vì thế những giá trị của Cách mạng Tháng Mười vẫn trường tồn cùng với tiến trình lịch sử đi lên của nhân loại.

Xuất phát từ quan điểm duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác – Lênin để nhìn nhận khách quan về lịch sử, có thể rút ra mấy nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự sụp đổ của Liên Xô, đó là: (1) - Những hạn chế và khiếm khuyết của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô chậm hoặc không được khắc phục, đã trở thành yếu tố cản trở với sự phát triển; (2) - Sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ và đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô; (3) - Sự phản bội của lãnh đạo Liên Xô M.Gorbachev; (4) - Chiến lược chống phá toàn diện của Mỹ và các nước phương Tây nhằm làm tan rã Liên Xô.

Người viết tự hỏi, nhà nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô sụp đổ năm 1991 (đã 28 năm), được thay thế bằng nước Nga tư bản chủ nghĩa, vậy tại sao hiện nay các nước tư bản chủ nghĩa đứng đầu là Mỹ, Pháp, Đức, Anh…vẫn điên cuồng chống phá, cấm vận Nga? việc lật đổ nhà nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô trước đây theo nền tảng triết học Mác-Lênin vì cho rằng chế độ ấy tồi tệ hơn tư bản chủ nghĩa? Tồi tệ hơn sao bây giờ nước Nga đã cũng chung dòng chảy các nước tư bản chủ nghĩa nhưng vẫn bị chống phá? Có chăng lý do duy nhất không phải ở chế độ xã hội chủ nghĩa, ở nền tảng triết học Mác-Lênin mà duy nhất chính là các nước tư bản đứng đầu là Mỹ sợ nước Nga hơn, lớn hơn mình cho nên vẫn luôn tìm cách làm suy yếu nước Nga?

Ngày 3/11/2017, Tổng thống Nga Putin gửi bức điện chào mừng sự kiện kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga tới những người tham dự hoạt động kỷ niệm, “…sự kiện năm 1917 là một phần không thể tách rời của lịch sử, cuộc cách mạng đã tác động vô cùng to lớn đến sự phát triển của nước Nga và toàn thể thế giới, phần nhiều định ra bức tranh chính trị, kinh tế và xã hội của thế kỷ 20”.

Đối với Việt Nam, cách mạng Tháng Mười Nga đã ảnh hưởng trực tiếp, nhiều mặt đến việc ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, đến hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội của nhân dân Việt Nam.

Bị thu hút bởi sự kiện lịch sử gây chấn động thế giới, Nguyễn Ái Quốc được tiếp cận với Luận cương của V.I. Lênin “Về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” khi còn ở Pháp. Chính từ trong bản luận cương này Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường cứu nước, giải phóng cho dân tộc Việt Nam. Điều đó được thể hiện rõ trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (năm 1927) của Người. Trong tác phẩm này, Người khẳng định: “Chỉ có đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười - con đường duy nhất đúng đắn - cách mạng Việt Nam mới giành được độc lập, tự do thực sự”. Đánh giá Cách mạng Tháng Mười, Nguyễn Ái Quốc viết: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”.

Lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga, chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin, những bài học kinh nghiệm của cuộc cách mạng vĩ đại này về nghệ thuật đấu tranh giành và giữ chính quyền,… được Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh vận dụng và phát triển sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, đưa cách mạng nước ta vượt qua nhiều khó khăn, liên tục giành được những thắng lợi to lớn.

Đánh giá về kết quả 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 cũng như 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng (2016 - 2020), nhìn lại 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Hội nghị Trung ương 11 (khóa XII) của Đảng nêu rõ: “…35 năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đổi mới mang tầm vóc lịch sử và ý nghĩa cách mạng to lớn, là một quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân ta.

Cương lĩnh 1991, bổ sung, phát triển năm 2011 tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, ngọn cờ chiến đấu, ngọn cờ quy tụ, tập hợp, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân ta; là nền tảng để Đảng ta tiếp tục phát triển hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, hoàn thiện đường lối xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Nhìn tổng thể, sau 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh, nhất là 10 năm gần đây, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo tiền đề quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới”.

Nhìn thế giới hôm nay giúp cho lương tâm mỗi người thấy được một phần giá trị của CNTB, CNXH, chế độ TBCN cũng có những ưu điểm, chế độ XHCN không thiếu những ưu điểm vì phản ánh thực tế phát triển của lịch sử kinh tế - xã hội loài người, chủ nghĩa Mác - Lê nin vĩ đại là ở chỗ phát hiện và nhìn thấy sự vận động khách quan đó.

Vài ngày nữa thôi (7/11), những người cộng sản lại được dịp ôn lại lịch sử hào hùng của cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, chắc chắn trong ngày 7/11 hôm đó thế giới vẫn không bình yên. Cho dù hệ thống các nước TBCN luôn tự cho rằng tốt đẹp nhất, văn minh nhất và duy nhất.

Hãy nhớ, lịch sử mãi luôn vận động không ngừng.

Nguyễn Ngọc