Bên cạnh nỗ lực của từng nước, cuộc chiến chống dịch viêm phổi cấp do virus SARS-CoV-2 thời gian qua cũng chứng kiến tình đoàn kết quốc tế mạnh mẽ. Không xem đây là trận chiến của riêng ai hay bất kỳ quốc gia nào, các nước đã tăng cường trao đổi thông tin và hỗ trợ lẫn nhau, với quyết tâm cùng thắng dịch bệnh.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Reuters
Hình ảnh một loạt địa danh mang tính biểu tượng của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) như toà tháp Burj Khalifa cao nhất thế giới tại Dubai hay tòa nhà của Tập đoàn dầu khí quốc gia ở Abu Dhabi đều đồng loạt đổi sang màu cờ Trung Quốc để thể hiện sự đoàn kết với nước này trong cuộc chiến chống Covid-19 hồi tháng 2 vừa qua đã để lại ấn tượng mạnh mẽ. Đặc biệt, trên tòa tháp Burj Khalifa, thu hút khoảng 10 triệu lượt khách tham quan mỗi năm, còn thắp sáng bằng đèn LED dòng chữ tiếng Trung với nội dung “Vũ Hán, cố lên”.
Bùng phát hồi cuối năm 2019 vừa qua tại thành phố Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc, dịch Covid-19 hiện đã lây lan ra khoảng 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 86.000 ca nhiễm bệnh và gần 3.000 ca tử vong. Trong khi tình trạng lây nhiễm tại “tâm dịch” Trung Quốc nhìn chung đang có xu hướng giảm, thì các nước khác lại đang phải chứng kiến sự lây lan mạnh mẽ của dịch bệnh, đặc biệt là tại Hàn Quốc, Iran và Italia, với số ca nhiễm bệnh tăng nhanh mỗi ngày.
Tuy nhiên, không vì thế mà tình đoàn kết quốc tế mất đi. Ngay tại Hàn Quốc, dù đang phải chứng kiến sự bùng nổ của số ca nhiễm bệnh, song chính phủ nước này hôm qua (29/2) đã đề xuất các nỗ lực chung với Triều Tiên nhằm ngăn chặn sự bùng phát Covid-19 ở nước láng giềng.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In khẳng định: “Cuộc sống của người dân Hàn Quốc sẽ an toàn hơn khi hai miền Triều Tiên có thể cùng nhau đối phó với các bệnh truyền nhiễm lây lan, cùng nhau đối phó với các thảm họa, trong đó có cả biến đổi khí hậu".
Dù chưa ghi nhận trường hợp nhiễm Covid-19 nào, song chính quyền Triều Tiên vẫn đang áp dụng những biện pháp phòng ngừa dịch bệnh nghiêm ngặt như áp dụng kiểm dịch kéo dài một tháng đối với những người có triệu chứng. Theo truyền thông nhà nước, nhà lãnh đạo Kim Jong Un mới đây đã tổ chức một cuộc họp nhằm thảo luận các biện pháp quyết liệt hơn.
Tại châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tuần trước đã bất ngờ có chuyến thăm Italia, đúng thời điểm quốc gia láng giềng đang phải chứng kiến số ca nhiễm mới Covid-19 gia tăng đột biên. Tại đây, nhà lãnh đạo Pháp để bày tỏ tình đoàn kết với chính phủ và người dân Italia.
Theo ông, cuộc chiến chống COVID-19 chỉ có thể thành công nếu có sự hợp tác đầy đủ ở cả cấp độ châu Âu và quốc tế: “Tôi có mặt ở đây là để bày tỏ sự đoàn kết với Italia, với chính phủ và tất cả các cơ quan y tế của Italia trong việc kiểm soát dịch bệnh. Covid-19 gây ảnh hưởng tới tất cả chúng ta và chỉ có thể được giải quyết thông qua hợp tác chặt chẽ cả ở châu Âu và quốc tế”.
Từ Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua đã tuyên bố Mỹ sẵn sàng cử các chuyên gia y tế đến để giúp đỡ Iran đối phó với dịch bệnh, bất chấp những căng thẳng thời gian gần đây giữa hai nước liên quan tới vần đề hạt nhân:
“Iran đang phải đối mặt một đợt dịch lớn. Nước Mỹ có đội ngũ chuyên gia chăm sóc sức khỏe lớn nhất trên thế giới. Nếu Washington có thể giúp Tehran, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ. Nước Mỹ có thể giúp nhưng điều đầu tiên Iran cần làm là phải đưa ra lời đề nghị”.
Ngay tại “tâm dịch” Trung Quốc, chính phủ nước này mới đây cho biết sẽ tặng 5.000 bộ quần áo bảo hộ và 100.000 khẩu trang cho Nhật Bản để giúp nước này chống lại dịch Covid-19. Nhiều tỉnh, thành phố, doanh nghiệp và cá nhân Trung Quốc cũng đang có những hành động tích cực để quyên góp tiền và hàng hóa cho Nhật Bản. Trước đó, ngay sau khi phân lập được chuỗi gen của virus SARS-CoV-2, Trung Quốc đã chia sẻ với cộng đồng quốc tế nhằm sớm tìm ra phương pháp phát hiện sớm cũng như điều trị và ngăn ngừa chủng virus này.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đã nâng mức cảnh báo nguy cơ lây nhiễm và tác động của Covid-19 trên toàn cầu lên mức cao nhất, nhưng không ban bố đại dịch bởi khẳng định vẫn có cơ hội kiểm soát bệnh dịch hiện nay. Theo cơ quan y tế Liên Hợp Quốc này, tài sản lớn nhất của chúng ta trong cuộc chiến chống Covid-19 hiện nay chính là sự thật, lý trí và sự đoàn kết./.
Theo VOV