TNV - Vừa qua , Hội từ thiện Tâm Nguyện đã tổ chức chương trình “Tri thức cho em” tại trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Vàng Ma Chải, và THCS Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu với mong muốn các em học sinh nơi đây có đủ hành trang trên con đường tiếp cận tri thức, làm chủ tương lai của mình.
Vàng Ma Chải là một xã vùng cao nằm trong vành đai biên giới, cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng chừng 80km. Với địa hình đồi núi hiểm trở, khó khăn (cao hơn 2000m) và 100km vành đai biên giới, nơi đây luôn phải hứng chịu những cơn lạnh rét tê, rét buốt mỗi khi mùa đông Tây Bắc về.
Vàng Ma Chải là nơi tập trung của 5 dân tộc anh em: Mông, Dao, Hà Nhì, Thái, Kinh, cuộc sống của người dân đa phần tự cung, tự cấp, họ làm nông nghiệp với một vụ lúa và một vụ ngô một năm. Cái ăn thì lúc thu hoạch cũng tạm đủ, lúc giáp hạt thì hết, hoặc đói, hoặc kiếm được gì ăn nấy. Vì thế nên địa phương nằm trong danh sách thuộc xã khó khăn nhất cả nước.
Chịu ảnh hưởng nhiều nhất, khó khăn nhất, đó chính là các bạn học sinh nơi đây. Để đến được lớp học, có em phải vượt qua những ngọn núi cao, phải sống trong điều kiện thiếu ăn, thiếu mặc. Có một chiếc cặp sách hay một bộ quần áo mới để đi học thôi cũng là một niềm vui lớn đối với các em. Em Chèo Tả Mẩy, nhà ở bản Sỳ Choang tâm sự: “Hàng ngày đi học em không có cặp để đựng sách vở, mà chỉ cầm ở tay thôi, em đi bộ đi học nên rất là mỏi tay, còn những hôm trời mưa, không có gì để đựng sách thì sách bị ướt hết. Vì thế em chỉ mong có được một chiếc cặp để giữ gìn sách vở được cẩn thận”.
Với số lượng học sinh không quá lớn, chỉ có 443 học sinh. Có nhiều điểm trường xa trung tâm, cho nên Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Vàng Ma Chải đã tập trung toàn bộ học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 về điểm trường chính để học tập và tổ chức ăn ở bán trú. Nhờ đó, những hoạt động ngoài giờ lên lớp trở nên sôi nổi, tạo phong trào thi đua giữa các khối lớp về học tập và các hoạt động khác. Các em học sinh được giao tiếp nhiều với thầy cô và bạn bè nên mạnh dạn và tự tin hơn. Tuy nhiên, kinh tế địa phương còn gặp nhiều khó khăn, sự đầu tư của phụ huynh cho giáo dục chưa thường xuyên. Nhà trường chưa có phòng chức năng, các mô hình dụng cụ học tập, thực hành, phương tiện nghe nhìn chưa đáp ứng đủ với nhu cầu thị hiếu của học sinh. Hệ thống phòng ở nội trú, nhà ăn, nhà bếp và các trang thiết bị cũng đã từng bước được đầu tư, song chưa tưng xứng với quy mô học sinh. Các điểm trường lẻ còn thiếu thốn về cơ sở vật chất. Do vậy, thầy và trò nhà trường vẫn đang nỗ lực vượt khó.
Em Phàn Lở Mẩy, nhà ở bản Nhóm III, nhà đông chị em, bố mẹ Mẩy làm nương, trồng ngô. Mẩy kể, bố mẹ thường xuyên đau yếu nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, bữa cơm của gia đình Mẩy cũng chẳng có gì ngoài cơm và rau, thỉnh thoảng bố đi bắt được con cá ở suối thì mới có cá để ăn. Còn việc đi học cũng gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn không kém. Mẩy chia sẻ: “Việc đi học của em gặp nhiều khó khăn, vì nhà em còn nghèo nên bố mẹ không có tiền mua những đồ dùng như bút, thước kẻ, compa, … nên em thường phải mượn của bạn để dùng. Nhưng như thế em thấy rất ngại và bất tiện cho việc học tập, nên em chỉ mong mình có đầy đủ đồ dùng cần thiết để yên tâm học, không phải mượn của các bạn nữa ạ”.
Đã thành thói quen, cứ 4 giờ sáng Mẩy thức dậy để nấu cơm ăn sáng, cho cả nhà, rồi thái rau cho lợn. Sau đó chuẩn bị sách vở rồi đi bộ đến trường. Buổi chiều, Mẩy đi chặt củi hoặc lên nương trồng ngô, làm cỏ giúp bố mẹ. Khó khăn, thiếu thốn là vậy, nhưng Mẩy vẫn cố gắng đến trường đầy đủ và quyết tâm học tập thật tốt, bởi với Mẩy niềm vui lớn nhất là được tiếp tục đi học, sau này trở thành bác sỹ chữa bệnh cho những người dân nơi bản làng của mình.
Còn nhà em Lý Thị Hoa, học lớp 6A1 trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Vàng Ma Chải, có 5 chị em, Hoa là chị cả, bố mẹ bạn ít cái chữ, cả đời làm lụng vất vả trên nương. Bởi thế, khi thầy cô giáo, cán bộ xã vận động cho chị em Hoa đến trường, bố mẹ Hoa đồng ý ngay. Để bố mẹ yên tâm nuôi chị em ăn học, ở nhà, ngoài việc dạy các em học bài, Hoa còn giúp đỡ bố mẹ chăn trâu, nấu cơm, lên nương trồng ngô. Bản thân Hoa luôn cố gắng để đạt thành tích cao trong học tập, nhiều năm liền em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. “Em sẽ cố gắng học tập tốt hơn nữa để thực hiện ước mơ sau này được trở thành cô giáo, về dạy chữ cho các em nhỏ bản làng em biết thêm nhiều kiến thức hay giống như cô giáo dạy cho chúng em bây giờ, để bản làng em được phát triển , cuộc sống không còn khó khăn nữa” – Hoa tâm sự.
Nhằm động viên, chia sẻ khó khăn, và để các bạn học sinh nơi đây có thêm hành trang đến trường, đến lớp, mới đây Hội từ thiện Tâm Nguyện đã tổ chức chương trình "Tri thức cho em", mang đến cho các bạn học sinh ở trường mầm non, phổ thông dân tộc bán trú tiểu học, và THCS Vàng Ma Chải những món quà là những bộ quần áo, dép, ủng, cặp sách, thảm, chiếu… Và đặc biệt là hỗ trợ Trường Tiểu học và Trung học cơ sở những vật dụng dùng trong nhà ăn và bếp như: Xoong nồi nấu cơm, bàn ghế, bát ăn cơm. Số tiền để hỗ trợ cho học sinh nơi đây trị giá hơn 90 triệu đồng. Để có được số tiền này, Hội từ thiện Tâm Nguyện đã kêu gọi từ các tấm lòng hảo tâm trong cả nước. “Qua những chuyến đi lên vùng cao, tôi thấy những xã đầu biên giới nói chung đều khó khăn. Các em học sinh ở nơi đó còn thiếu thốn rất nhiều. Những chính sách của Chính Phủ phần lớn chỉ tập trung vào các việc xây dựng trường, còn về các nhà bán trú, đồ dùng học tập, sinh hoạt dường như chưa có. Vì thế Hội từ thiện chúng tôi luôn mong muốn và vận động để trang bị cho các em học sinh được đầy đủ về dụng cụ, trang thiết bị học tập để các em học sinh cố gắng học tập, xây dựng đất nước” - Chị Bình An, Chủ tịch Hội từ thiện Tâm Nguyện chia sẻ.
Nhận được món quà là chiếc cặp sách mới từ các cô chú trong Hội từ thiện Tâm Nguyện, em Lý Thị Hoa tỏ ra vui mừng vì đây là chiếc cặp sách mơ ước từ khi bạn bắt đầu đi học đến giờ. Hoa bảo: “Em rất vui vì hôm nay được các cô chú trong Hội từ thiện Tâm Nguyện tặng cho cặp sách và những đồ dùng khác. Từ nay em đã có một chiếc cặp để đi học mà em luôn ao ước, em không còn sợ mỗi khi trời mưa làm ướt sách vở. Món quà này là động lực để em đi học đều đặn hơn, và học tốt hơn”.
Ở nơi vùng cao này, để vận động các bạn đến trường đã khó, giữ các bạn đi tiếp trên con đường học chữ còn khó khăn hơn rất nhiều. Việc tặng đồ dùng học tập cho học sinh, và đồ dùng của bếp ăn và nhà ăn bán trú đã giúp cải thiện điều kiện ăn ở, đi lại cho học sinh vùng sâu, vùng xa, hạn chế tình trạng bỏ học, góp phần nâng cao chất lượng học tập. Chia sẻ về niềm vui khi tiếp nhận sự quan tâm từ Hội từ thiện Tâm Nguyện dành cho thầy và trò nhà trường. “Trường chúng tôi thuộc một xã vùng cao, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, vì thế nhận được những món quà, tình cảm từ Hội từ thiện Tâm Nguyện trao tặng đã giúp học sinh nhà trường thêm phấn chấn, thêm nghị lực trong việc đến trường của mình, và cũng là niềm tin của bà con nhân dân đối với chính sách của Nhà nước, sự quan tâm của xã hội. Chúng tôi luôn mong muốn nhận được sự quan tâm của Hội từ thiện dành cho học sinh của nhà trường nói riêng và học sinh vùng cao nói chung” - thầy Trương Văn Hùng, hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Vàng Ma Chải cho biết
Đứng bên cổng trường, cô Lý Là Mầy - một phụ huynh bảo rằng “ngày trước cô không được đi học vì nhà nghèo, phải đi trồng ngô, trồng lúa để có cái ăn. Nhưng giờ thì khác. Gia đình dù có khó khăn, nhưng cô vẫn quyết tâm cho con đi học để có kiến thức. Cô rất vui mừng vì những tấm lòng hảo tâm của Hội từ thiện Tâm Nguyện đã quan tâm, chăm lo chu đáo từ đồ dùng học tập, quần áo đến đời sống sinh hoạt của con em mình”
Mong rằng, từ những món quà ý nghĩa và kịp thời của Hội từ thiện Tâm Nguyện sẽ góp phần tiếp lửa cho các em học sinh miền núi có thêm điều kiện học tập và thực hiện ước mơ. Các em học sinh nghèo ở những bản vùng sâu, vùng xa của xã Vàng Ma Chải đã được cắp một chiếc cặp sách mới đến trường như đúng mơ ước, trời mưa rét không còn lo lấm lem bùn đất bởi đã có những đôi ủng cao, hàng ngày được ăn ở trong điều kiện đủ đầy, sạch sẽ. Những tiếng cười, những bước chân rộn ràng đến trường của các em học sinh nơi vùng cao, vùng khó khăn đang hứa hẹn nhiều niềm vui trong hành trình kiếm tìm tri thức.
Minh Mến