Ngày 31/3/2025, UBND tỉnh Lâm Đồng chính thức phê duyệt dự án cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương theo hình thức đối tác công tư (PPP). Dự án có chiều dài 73,62 km, điểm đầu tại phường Lộc Phát (TP Bảo Lộc) và điểm cuối tại xã Hiệp Thạnh (huyện Đức Trọng), nơi kết nối với cao tốc Liên Khương – Prenn đang khai thác.
Ở giai đoạn 1, tuyến đường được xây dựng với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17 m, tốc độ thiết kế 80 km/h. Dự án bao gồm các hạng mục như trung tâm điều hành giao thông thông minh, trạm thu phí không dừng, trạm dừng nghỉ và hệ thống kiểm soát tải trọng xe. Tổng vốn đầu tư lên đến 17.718 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 7.761 tỷ đồng, phần còn lại do nhà đầu tư huy động. Cao tốc dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác trong quý IV/2027.
Việc triển khai cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương không chỉ rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển giữa các vùng trọng điểm mà còn giúp giảm tải cho Quốc lộ 20 vốn đang quá tải và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Tuyến đường này cũng được kỳ vọng sẽ mở ra động lực phát triển mới cho khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là du lịch, nông nghiệp công nghệ cao và logistics.
Tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương có tổng chiều dài khoảng 200 km, kết nối từ cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (Đồng Nai) đến cao nguyên Lâm Đồng, và được chia thành 3 dự án thành phần: Dầu Giây – Tân Phú, Tân Phú – Bảo Lộc, Bảo Lộc – Liên Khương.
Trong đó, đoạn Dầu Giây – Tân Phú dài hơn 60 km, có tổng mức đầu tư khoảng 8.490 tỷ đồng, đang hoàn thiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, dự kiến khởi công vào cuối tháng 6/2025.
Đoạn Tân Phú – Bảo Lộc dài 66 km, đi qua Đồng Nai và Lâm Đồng, với tổng vốn đầu tư 17.200 tỷ đồng, cũng đang được đẩy nhanh để khởi công trước ngày 30/4/2025.
Khi cả ba đoạn hoàn thành và kết nối liên thông, tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương sẽ trở thành trục giao thông chiến lược, giúp hành trình TP.HCM – Đà Lạt chỉ còn khoảng 3 giờ di chuyển, thay vì 6–8 giờ như hiện nay.
Phong Vân