Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TP Hồ Chí Minh (Yescenter) luôn là địa chỉ tin cậy của các bạn trẻ.
Lực lượng lao động tăng nhanh và ổn định
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, số người có việc làm và thu nhập bình quân hàng tháng trong quý III/2022 đều tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước; đồng thời, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước; trong đó, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 51,9 triệu người, tăng hơn 0,2 triệu người so với quý trước và tăng 2,8 triệu người so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt, lực lượng lao động tăng đều (khoảng 0,1 triệu người) ở cả khu vực nông thôn lẫn thành thị.
Nhờ kết quả thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022, đã góp phần giảm thiểu số lao động bị tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19 trong quý III/2022, cả nước chỉ còn hơn 4,4 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, giảm gần một nửa (3,6 triệu người) so với quý trước. Trong khi đó, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,8 triệu người, tăng 255,2 nghìn người so với quý trước và tăng 3,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Điều này đã minh chứng được thị trường lao động đã phục hồi khá tốt, số người có việc làm trong quý III tăng mạnh và đạt quy mô cao hơn so với cùng kỳ năm 2021, kể cả so với cùng kỳ năm 2019 (trước khi xảy ra dịch bệnh).
Ba vùng chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 đều phục hồi mạnh
Ba vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 gồm Đông Nam Bộ; đồng bằng sông Cửu Long; Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung đã ghi nhận sự phục hồi mạnh trong quý III năm nay. Cụ thể, quy mô lao động có việc làm tăng rất mạnh, nhất là ở Đông Nam Bộ đạt 9,7 triệu người, tăng 1,6 triệu người (tương ứng 19,5%) so với cùng kỳ năm trước và đã vượt quy mô lao động của cùng kỳ năm 2019 (là 61,7 nghìn người); vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 8,0 triệu người, tăng 883,2 nghìn người (tương ứng tăng 12,4%) so với cùng kỳ năm trước; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là 8,9 triệu người, tăng 578,5 nghìn người (tương ứng tăng 6,9%) so với cùng kỳ năm trước.
Một số ngành có sự phục hồi khá nhanh về tình hình lao động như: Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt gần 12 triệu người, tăng 156,2 nghìn người so với quý trước; ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô xe máy đạt gần 8,0 triệu người, tăng 1,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước; ngành dịch vụ khác đạt 1,1 triệu người, tăng 240,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; đặc biệt, các ngành đều tăng cao hơn cùng kỳ năm 2019.
Thu nhập bình quân tiếp tục tăng
Trong các năm trước đây, thu nhập bình quân của người lao động ở quý II thường giảm so với quý I, do tác động bởi các khoản thưởng Tết Nguyên đán và chi trả lương tháng thứ 13. Riêng trong năm 2022, thu nhập của người lao động trong quý I vẫn chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 nên mức tăng quý này chưa cao như mọi năm; tuy nhiên, sự phục hồi của nền kinh tế trong quý II và đặc biệt là quý III đã làm thu nhập bình quân của người lao động tiếp tục gia tăng, góp phần ổn định an sinh xã hội.
Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý III năm 2022 là 6,7 triệu đồng, tăng 143 nghìn đồng so với quý trước và tăng 1,6 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước, trong đó, lao động khu vực thành thị có thu nhập bình quân tháng là 8,2 triệu đồng, tăng 166 nghìn đồng so với quý trước và tăng 2,1 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước; lao động khu vực nông thôn có thu nhập bình quân tháng là 5,9 triệu đồng, tăng 125 nghìn đồng so với quý trước và tăng 1,2 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên giảm
Trong quý III/2022, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) là 8,02%, giảm 0,87 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; trong đó, tỷ lệ này tại khu vực thành thị là 10,54%, cao hơn 3,84 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn, tuy nhiên, đều giảm so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý III/2022, cả nước có khoảng 1,6 triệu thanh niên (từ 15-24 tuổi) không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo (chiếm 12,8% tổng số thanh niên), tăng 136,3 nghìn người so với quý trước và giảm 731,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; trong đó, tỷ lệ này ở khu vực nông thôn (14,2%) cao hơn khu vực thành thị (10,8%) và ở nữ thanh niên (14,7%) cao hơn so với nam thanh niên (11,1%).
Trong đó, tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo thấp nhất ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh (là 7,1%) kế đến là Hà Nội (8,1%), Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (14,8%), riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao nhất với 18,5% và tất cả đều giảm so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, nhờ các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ như Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nên nền kinh tế trong quý III và 9 tháng đầu năm 2022 đã góp phần phục hồi, phát triển nền kinh tế nói chung và thị trường lao động nói riêng.
Thị trường lao động đã có nhiều khởi sắc với những chuyển biến tích cực; tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm mạnh; số lượng lao động có việc làm chính thức tăng mạnh; thu nhập của người lao động tiếp tục được cải thiện; đời sống an sinh xã hội dần được bảo đảm…
Tuy nhiên, thị trường lao động Việt Nam vẫn còn tiếp tục đối mặt với một số thách thức như: Hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều rủi ro do thiếu hụt lao động cục bộ, giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí sản xuất cao… dẫn đến đời sống một bộ phận người lao động còn gặp nhiều khó khăn.
Trước bối cảnh đó, đòi hỏi toàn thể hệ thống chính trị, các ngành, các cấp cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả hơn nữa các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm; chung tay tham gia nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu lao động - việc làm, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, từ đó, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và tăng năng suất lao động, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong tình hình mới.
Lê Thanh