TNV - Trong thời gian qua, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh đã có nhiều nỗ lực trong công tác đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, nhờ đó, nhiều hộ gia đình có điều kiện vươn lên lập nghiệp và thoát nghèo.
Đại diện Ban quản lý Điều hành vốn “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” tỉnh Tây Ninh trao số tiền 150 triệu đồng cho chị Nguyễn Thị Lan, ấp Phước Mỹ, xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng, với Dự án “Mở rộng Trang trại cà cuống giống, cà cuống thịt và các sản phẩm liên quan đến chiết xuất tinh dầu cà cuống ra thị trường”.
Được sự quan tâm, chỉ đạo từ Ban Thường vụ Thị ủy, trong suốt thời gian qua, Thị đoàn Trảng Bàng đã có nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, có thể kể đến như sau:
Một là, phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH thị xã Trảng Bàng tích cực tuyên truyền về chủ trương hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn trên các phương tiện truyền thanh các xã, thị trấn và các cụm truyền thanh các ấp. Trong các buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội có lồng ghép việc vận động thanh niên nông thôn tham gia học nghề để có việc làm ổn định.
Hai là, tiến hành khảo sát, điều tra nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn, nhằm tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn phù hợp.
Ba là, phối hợp với Trường trung cấp nghề khu vực Nam Tây Ninh tổ chức các hoạt động tư vấn, đào tạo nghề, hội thi nâng cao tay nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên sau khi hoàn thành các khóa học.
Bốn là, phối hợp với các công ty có nhu cầu tuyển lao động thuộc khu chế xuất Linh Trung III, KCN Trảng Bàng, KCN Thành Thành Công và KCN Phước Đông – Bời Lời trực tiếp gặp gỡ thanh niên đã qua tào tạo nghề để phỏng vấn và tuyển dụng lao động khi có nhu cầu.
Năm là, chỉ đạo các cơ sở Đoàn hỗ trợ thanh niên trong việc ký hồ sơ xin việc, nhận hồ sơ, sắp xếp hồ sơ theo nguyện vọng của thanh niên và nhu cầu của công ty, hằng tuần giao hồ sơ cho công ty để tiến hành phỏng vấn theo quy định.
Sáu là, hướng dẫn các hộ thanh niên có nhu cầu thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn, để nâng cao năng lực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bày là, tích cực giới thiệu các hồ sơ để nhận vốn hỗ trợ khởi nghiệp từ tỉnh Tây Ninh.
Với những giải pháp trên, trong năm 2019, thị xã Trảng Bàng đã tổ chức 11 lớp đào tạo nghề, thu hút hơn 300 học viên đến từ lao động nông thôn, trong đó có 62 thanh niên, với tổng kinh phí dành cho công tác đào tạo gần 500 triệu đồng. Sau khi hoàn thành các lớp đào tạo nghề, tỷ lệ thanh niên có việc làm đạt 87.96%. Trong đó, có 3 hộ gia đình đã thoát nghèo sau một năm học nghề.
Nghề kỹ thuật trồng hoa lan cũng được đông đảo thanh niên nông thôn tại thị xã Trảng Bàng quan tâm.
Thông qua công tác đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, Thị Đoàn Trảng Bàng đã lồng ghép hiệu quả chương trình đào tạo nghề với chương trình xây dựng nông thôn mới, dự án phát triển sản xuất để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề. Ngoài ra, nhờ tham gia các lớp đào tạo nghề, nhiều thanh niên nông thôn đã có tay nghề phù hợp, am hiểu được khoa học kỹ thuật, nâng cao kiến thức, tự tạo việc làm hoặc tìm được việc làm, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập đời sống vật chất và tinh thần.
Theo đồng chí Lê Thị Thúy Hằng, Phó Bí thư Thị đoàn Trảng Bàng chia sẻ: “Tuy gặt hái được một số thành công nhất định, nhưng công tác điều tra khảo sát và lập kế hoạch dạy nghề ở một số cơ sở Đoàn chưa sát nhu cầu học nghề của thanh niên, dẫn đến chậm triển khai mở lớp. Ngoài ra, chưa huy động được nhiều nguồn lực để tham gia hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, chủ yếu dựa vào nguồn lực Nhà nước. Bên cạnh đó, việc gắn kết với các doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho người học còn hạn chế, phần lớn các doanh nghiệp có thói quen thường sử dụng công nhân do họ tự đào tạo. Một số thanh niên nông thôn còn chưa nhận thức đầy đủ được việc đào tạo nghề là nhu cầu, yếu tố để đảm bảo cuộc sống cho bản thân, vẫn còn trông chờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước”.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đó, đồng chí Lê Thị Thúy Hằng cho biết, trong thời gian tới, Thị đoàn Trảng Bàng sẽ quan tâm thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thanh niên nông thôn tham gia học nghề, chú trọng tập trung vào ngành nghề phi nông nghiệp.
Thứ hai, thường xuyên phổ biến các chính sách, quy định về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; cung cấp các thôn tin về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các thông tin về nghề đào tạo, điều kiện của nghề học, địa điểm nơi làm việc sau khi học; cơ sở tham gia đào tạo nghề cho thanh niên biết, nhằm tự chủ động lựa chọn nghề học phù hợp với nhu cầu và sở thích của bản thân.
Thứ ba, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo để tuyển sinh thanh niên nông thôn học nghề, với các ngành nghề phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn.
Sau khi được thoát nghèo nhờ tham gia học lớp kỹ thuật chăn nuôi bò do địa phương tổ chức, ông Nguyễn Văn Dân, diện Hộ cận nghèo xã Bình Thạnh tâm sự: “Tôi rất biết ơn ban lãnh đạo thị xã Trảng Bàng đã quan tâm, giúp đỡ những hộ cận nghèo như chúng tôi có cái nghề để làm ăn và vươn lên thoát nghèo”.
Đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, còn là trách nhiệm của tổ chức Đoàn thanh niên các cấp, nhằm nâng cao chất lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thành công rực rỡ.
Lê Thanh