TNV - Sự thích ứng nghề nghiệp của sinh viên ngành Công tác xã hội sau khi tốt nghiệp thể hiện ở việc cá nhân đó hiểu và thâm nhập vào môi trường làm việc của nghề Công tác xã hội, từ đó lĩnh hội được những yêu cầu, đòi hỏi về kiến thức, kỹ năng, đạo đức nghề Công tác xã hội, để có hành vi cách thức ứng xử phù hợp với những yêu cầu, đòi hỏi đó.
Mỗi ngành, nghề trong xã hội có những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của nghề và thái độ của người lao động với nghề, với công việc đang thực hiện. Hiệu quả, năng suất của công việc là thước đo đánh giá sự thuần thục về kiến thức, kỹ năng và thái độ đạo đức chuyên nghiệp. Như vậy, một sinh viên sau khi tốt nghiệp, có sự thay đổi từ môi trường học đường sang môi trường nghề nghiệp phải có sự thay đổi cho phù hợp với yêu cầu công việc, môi trường nghề nghiệp.
Thích ứng với yêu cầu kiến thức nghề công tác xã hội
Kiến thức là những hiểu biết có được do từng trải, hoặc do học tập. Sinh viên đại học sau khi tốt nghiệp có hệ thống kiến thức chuyên sâu, tiên tiến và toàn diện thuộc lĩnh vực khoa học chuyên ngành; có tư duy nghiên cứu độc lập, sáng tạo; ... Một trong những yêu cầu của nghề là kiến thức thức nghề, do đó, khi xem xét sự thích ứng nghề của sinh viên sau khi tốt nghiệp cần thiết xét tới mức độ thích ứng về kiến thức nghề. Sự thích ứng nghề của sinh viên ngành Công tác xã hội sau khi tốt nghiệp có thể khái quát ở 3 khái cạnh như:
Kiến thức chung về kinh tế, chính trị xã hội, con người. Kiến thức đủ rộng làm nền tảng cho tư duy sáng tạo, cho sự thích ứng với thị trường lao động luôn biến đổi. Sinh viên cũng hiểu và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng trong đời sống và trong hoạt động nghề nghiệp. Về chính sách và dịch vụ xã hội, phúc lợi xã hội, về giao tiếp, mối quan hệ giữa con người với con người, con người với xã hội.
Khối kiến thức cơ sở ngành Công tác xã hội: Sinh viên hiểu, phân tích, vận dụng được kiến thức nền tảng của Công tác xã hội như tâm lý học, xã hội học, có định hướng nghề nghiệp Công tác xã hội; có kiến thức về các môn học khác có liên quan đến chuyên ngành công tác xã hội; nắm được một cách hệ thống các dịch vụ xã hội; Hiểu đúng về sự phát triển của con người ở các mặt thể chất, nhận thức và tâm lý xã hội qua các giai đoạn phát triển khác nhau; đồng thời lý giải được mối liên hệ mật thiết giữa hành vi con người và môi trường xã hội.
Khối kiến thức chuyên ngành: Người học có kiến thức về các lý thuyết công tác xã hội căn bản cũng như các phương pháp thực hành công tác xã hội tổng quát, vận dụng được kiến thức đó vào quá trình hỗ trợ các hệ thống thân chủ khác nhau như cá nhân, gia đình, nhóm, tổ chức và cộng đồng. Kiến thức về các nguyên tắc cơ bản và các giá trị, chuẩn mực đạo đức đạo đức nghề công tác xã hội; về các học thuyết tâm lý, phương pháp đánh giá, chẩn đoán và can thiệp tâm lý xã hội; về lý thuyết, kỹ thuật trong công tác xã hội với thân chủ, nhóm thân chủ cần hỗ trợ; ...
Thích ứng với yêu cầu kỹ năng nghề công tác xã hội
Kỹ năng là sự vận dụng đúng đắn những tri thức, giá trị, thái độ liên quan vào hoạt động hay hành động thực tiễn trong điều kiện cụ thể để thực hiện hành động hay hoạt động đó có kết quả. Với sinh viên, kỹ năng là khả năng thực hiện được các công việc cụ thể, sau khi người học đã hoàn thành một môn học, một nội dung kiến thức.
Mỗi nghề đều đòi hỏi kỹ năng thực hành công việc cụ thể, người có kỹ năng tốt thể hiện người đó đã có kiến thức chuyên môn vững vàng, kỹ năng thuần thực được thể hiện bởi người lao động có thái độ chuyên nghiệp với công việc đang đảm nhiệm. Sự thích ứng với yêu cầu kỹ năng nghề công tác xã hội được thể hiện ở sự thích ứng về kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm của nghề.
Sinh viên sau khi tốt nghiệp thực hiện được các kỹ năng thuộc 3 phương pháp chủ đạo của CTXH là Công tác xã hội cá nhân, nhóm, phát triển cộng đồng. Người học cũng hình thành được các kỹ năng cơ bản khác như thực hành dựa trên nghiên cứu và nghiên cứu dựa trên thực hành; kỹ năng truyền thông và vận động chính sách; kỹ năng quản lý các dự án Công tác xã hội. Kỹ năng lắng nghe, thấu cảm, tự điều chỉnh và giao tiếp cá nhân để thu hút sự tham gia của các hệ thống thân chủ đa dạng một cách hiệu quả; Kỹ năng quản lý lãnh đạo; Kỹ năng quản lý và xây dựng dự án Công tác xã hội;
Kỹ năng giao tiếp và ứng xử, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng đàm phán, kỹ năng làm việc nhóm và tư duy sáng tạo, cải tiến trong công việc. Kỹ năng phát hiện các vấn đề xã hội; Xử lý được những tình huống thực tiễn ở cơ sở; Tổ chức công việc và quản lý thời gian hiệu quả; Kỹ năng giải quyết xung đột; Kỹ năng tự học, tư duy độc lập …
Thích ứng với đạo đức của nghề công tác xã hội
Đặc điểm chung của các chuẩn mực đạo đức nghề công tác xã hội được trình bày trong các bản quy điều đạo đức đều là sự cụ thể hóa của các nguyên tắc và giá trị; đều được phân chia theo các mối quan hệ xã hội của nhân viên xã hội bao gồm: trách nhiệm đạo đức với khách hàng, trách nhiệm đạo đức với đồng nghiệp, trách nhiệm đạo đức đối với cơ quan làm việc, trách nhiệm đạo đức với tư cách là một nhà công tác xã hội chuyên nghiệp, trách nhiệm đạo đức đối với nghề và trách nhiệm đạo đức đối với xã hội. Ở Việt Nam Quy điều đạo đức Công tác xã hội đã được quy định tại Thông tư số Số: 01/2017/TT-BLĐTBXH “Quy định về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp đối với người làm công tác xã hội” đã chỉ rõ được vai trò, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức làm công tác xã hội. Đây chính là sự chỉ dẫn rõ ràng cho những tân cử nhân tốt nghiệp công tác xã hội có thể thực hiện được vai trò của mình được hiệu quả hơn khi làm việc với đối tượng của công tác xã hội, các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội, các trung tâm xã hội, các tổ chức NGOs quốc tế,….
Sinh viên sau khi tốt nghiệp hành nghề tuân theo nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, không vi phạm vào các quy tắc của ngành nghề, có ý thức trách nhiệm cao với nghề nghiệp, yêu nghề, có phẩm chất đạo đức và đạo đức nghề nghiệp tốt, có lối sống và tác phong mẫu mực của người cán bộ, nhân viên công tác xã hội.
Sinh viên sau khi tốt nghiệp không ngừng học hỏi, phấn đấu, trau dồi về phẩm chất đạo đức, kiến thức, năng lực nghề nghiệp, tính cách trong sáng, trọn vẹn, sự tận tâm trong các mối quan hệ với thân chủ và công việc để đảm nhiệm và hoàn thành tốt vai trò, trách nhiệm nghề nghiệp. Bản thân luôn săn sàng áp dụng các quy điều và nguyên tắc đạo đức của nghề công tác xã hội một cách phù hợp trong các hoạt động nghề nghiệp công tác xã hội.
Thích ứng với môi trường làm việc của nghề công tác xã hội
Ngoài việc thích ứng với yêu cầu của công việc về kiến thức, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp, sinh viên ngành Công tác xã hội cần thích ứng với môi trường xã hội là một nội dung quan trọng cần nghiên cứu. Sự thích ứng của người lao động với môi trường nghề nghiệp là một trong những biểu hiện quan trọng của sự thích ứng nghề, thể hiện sự hài lòng với nghề, phát triển tối đa năng lực cá nhân với nghề góp phần phát triển nghề nghiệp cá nhân.
Thể hiện sự thích ứng với những yêu cầu của người lãnh đạo: Sẵn sàng với mọi nhiệm vụ được lãnh đạo giao; Sẵn sàng tham mưu với lãnh đạo những ý tưởng, công việc là thế mạnh của bản thân; Có thái độ cầu thị từ những góp ý của đồng nghiệp, lãnh đạo. Chấp nhận kết quả đánh giá từ đơn vi và có hướng khắc phục, vươn lên. Luôn hài lòng với việc tổ chức, phân công, bố trí công việc của lãnh đạo.
Sinh viên sau khi tốt nghiệp hiểu về chức năng, nhiệm vụ của cơ sở, đơn vị làm việc; hiểu về chiến lược, sứ mệnh của đơn vị, cơ sở làm việc; sẵn sàng với thời gian làm việc, không gặp trở ngại khó khăn gì; Thích nghi với tính kỷ luật trong công việc; có khả năng chịu áp lực công việc. Sự thích ứng với đồng nghiệp: mối quan hệ, bầu không khí đoàn kết, thân ái vì mục tiêu chung. Sinh viên chấp nhận sự khác biệt của các thành viên trong môi trường làm việc, có tinh thần cầu thị, ham học hỏi, chịu khó quan sát, tích lũy kiến thức từ những người xung quanh. Cá nhân xây dựng được kế hoạch làm việc, thời gian biểu và bố trí công việc phù hợp để có thể dễ dàng thích nghi và ứng biến trong mọi hoàn cảnh, mọi trường hợp. Bản thân thể hiện sự hợp tác, chân thành, đoàn kết với đồng nghiệp và được đồng nghiệp quý mến.
Nghề Công tác xã hội có đối tượng là những người có vấn đề xã hội, những vấn đề đa dạng, phức tạp, họ đến từ những môi trường văn hóa khác nhau. Do vậy, sinh viên sau khi tốt nghiệp phải có khả năng chịu áp lực cao trong môi trường làm việc với các đối tượng đặc thù. Kết quả của sự trợ giúp đem lại sự hài lòng của thân chủ trong quá trình làm việc.
Mục tiêu cuối cùng của người lao động là thực hiện công việc đem lại thu nhập cho bản thân và đóng góp sự phát triển xã hội. Hiệu quả lao động này có được là kết quả của sự thích ứng nghề trong quá trình làm việc với sự say mê, sáng tạo, phát huy tối đa năng lực của bản thân và thể hiện sự gắn bó lâu dài với cơ quan, với nghề đã được đào tạo. Sự thích ứng với nghề của sinh viên sau khi tốt nghiệp thể hiện ở sự thích ứng với các yêu cầu nghề về kiến thức chuyên môn, kỹ năng thành thục và đạo đức nghề nghiệp cũng như sự thích ứng với môi trường làm việc. Để có sự thích ứng, sinh viên cần thiết phải có quá trình chuẩn bị lâu dài của bản thân và nhà trường trong quá trình học đại học. Sự thích ứng tốt về yêu cầu của nghề góp phần nâng cao sự thích ứng với môi trường làm việc và ngược lại.
Phạm Ngọc Linh
Học viện TTN Việt Nam